Tổng thư ký Quốc hội trả lời vì sao không chất vấn Bộ trưởng Y tế tại kỳ họp này

Tin tức - Ngày đăng : 13:52, 09/11/2017

Trong 3 ngày từ 16 - 18.11, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. Mặc dù Bộ Y tế và Bộ GTVT nhận được nhiều đề nghị được chất vấn của các đại biểu, tuy nhiên, tại kỳ họp này sẽ không được sắp xếp để trả lời chất vấn.
Tổng thư ký Quốc hội trả lời vì sao không chất vấn Bộ trưởng Y tế tại kỳ họp này
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: QH


Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiêu chí được xác định là những vấn đề bức xúc nổi lên được quan tâm; thứ hai là vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật, được người chất vấn trả lời bằng văn bản nhưng không thoả mãn; không chất vấn những vấn đề đã nêu trong nghị quyết...

Tổng thư ký Quốc hội thông tin nội dung chất vấn sẽ chọn các vấn đề tài chính - ngân hàng, thuế, chính sách tiền tệ, thông tin truyền thông, toà án nhân dân, tập trung phiếu thăm dò vào các vấn đề này là chính.

Về vấn đề vì sao không chọn Bộ Y tế khi có tới 18 đoàn đại biểu đề nghị chất vấn Bộ này, ông Phúc cho biết "Bộ trưởng Bộ Y tế mới trả lời chất vấn tại kỳ họp 3 và Quốc hội đã có Nghị quyết về y tế, trong đó có bảo hiểm y tế, quản lý giá thuốc, tái cơ cấu ngành. Hiện Bộ trưởng đang triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết của Quốc hội, vì thế phải dành thời gian cho ngành thực hiện. Hay BOT chẳng hạn, bây giờ Bộ GTVT cũng đang triển khai Nghị quyết. Bộ trưởng thì mới nhận nhiệm vụ nên cần dành thời gian cho Bô trưởng tìm hiểu công việc".

"Sau khi chất vấn xong thì Quốc hội có nghị quyết và Quốc hội giám sát tới cùng việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng. Tới đây Quốc hội sẽ có yêu cầu Chính phủ và các Uỷ ban giám sát các lĩnh vực mà mình phụ trách xem thực hiện Nghị quyết đến đâu và sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ (kỳ họp 5 năm 2018), Quốc hội sẽ giám sát lời hứa của Chính phủ thực hiện theo Nghi quyết của Quốc hội xem thực hiện đến đâu" - ông Phúc thông tin.

Năm 2018 sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các thành viên Chính phủ, đây là một trong những việc Quốc hội sẽ xem xét với trách nhiệm các thành viên Chính phủ thực hiện lời hứa. Có những Nghị quyết thuộc khoá trước nhưng Quốc hội vẫn tiếp tục theo dõi, cái gì  thực hiện được rồi thì hoan nghênh, còn tiếp tục đưa ra giám sát và yêu cầu Chính phủ tiếp tục làm rõ nội dung chưa hoàn thành nhiệm vụ. Quốc hội sẽ giám sát đến cùng nội dung các thành viên Chính phủ trả lời" - ông Phúc khẳng định.

Đức Thành/Xuân Hải/Lao động