Khai mạc Hội chợ Làng nghề Việt Nam năm 2017

Tin tức - Ngày đăng : 08:24, 10/11/2017

Tối ngày 9/11, Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2017 do Bộ Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo tổ chức đã khai mạc tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Người dân Thủ đô và các vùng lân cận có thêm cơ hội mua hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản vùng miền của gần 200 làng nghề, hợp tác xã sản xuất tiêu biểu trong cả nước.
Tham dự lễ khai mạc Hội chợ có Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, Ông Nguyễn Văn Đoàn – Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác Xã - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ông Hoàng Chính Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Công thương Địa Phương – Bộ Công Thương, Ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; Ông Phạm Văn Bình – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KHCN Hải Dương, cùng sự hiện diện của đông đảo các đồng chí đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, Hội Nông dân Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Trung tâm khuyến công các tỉnh, thành phố trong cả nước; Các đơn vị làng nghề, phố nghề, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ; Các nghệ nhân, thợ thủ công, hộ gia đình; Các hiệp hội, hợp tác xã, cơ sở làng nghề; các doanh nghiệp phụ trợ, dịch vụ, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thống tấn, báo chí và truyền hình ở Trung ương và Hà Nội

Khai mạc Hội chợ Làng nghề Việt Nam năm 2017 tại 489 Hoàng Quốc Việt

Ban Tổ chức và các đại biểu cắt băng khai trương Hội chợ (Ảnh: Đăng Chung). 

Hội chợ do Bộ Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo tổ chức dựa trên thành công của chuỗi các Hội chợ Thủ công Mỹ nghệ, làng nghề - Craftviet những năm trước. Đặc biệt, Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2017 là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành Nông nghiệp Việt Nam trong năm 2017 nhằm: Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững theo chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội của Đảng 2011 - 2020;  Giúp các làng nghề phát triển phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013; Thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tham quan giao dịch, mua sắm góp phần đưa sản phẩm làng nghề thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị gia tăng cao; Khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công và các nhà sản xuất kinh doanh nhằm góp phần nâng cao chất lượng, tinh hoa văn hóa làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam.

Bên cạnh đó, thông qua Hội chợ nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm với quy mô rộng, khuyến khích phát triển tiềm năng văn hóa du lịch và ngành nghề nông thôn; khôi phục và phát triển nghề, phát huy bản sắc dân tộc theo chủ trương phát triển nông thôn mới; tạo cơ hội thuận lợi để ngành nghề nông thôn, nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, du lịch làng nghề ngày càng phát triển trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế Quốc tế.


Phát biểu tại Hội chợ ông Đào Văn Hồ -  Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Trưởng Ban tổ chức Hội chợ cho biết, Hội chợ quy tụ gần 200 đơn vị là các tổ chức, công ty, hiệp hội, hợp tác xã, làng nghề, nghệ nhân trong cả nước tham gia. Với 250 gian hàng, các đơn vị mang đến Hội chợ nhiều mặt hàng đa dạng phong phú, nông lâm thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống, lương thực, thực phẩm, trái cây và đồ uống sạch, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Với các sản phẩm như: Lụa tơ tằm, lụa Vạn Phúc, dệt thổ cẩm, ngọc trai trạm khảm, gốm sứ, mây tre đan, tranh thêu, tranh hoa tươi ướp, tranh chữ thư pháp, trầm hương, gốm Chu Đậu, đá phong thủy Bát Tràng, gỗ mỹ nghệ phong thủy, nấm lim xanh; trà và phụ kiện trà, cà phê cacao nguyên chất; đông trùng hạ thảo, tinh dầu thảo dược; gạo Séng Cù, gạo tám Điện Biên, tiêu các loại, hành tỏi Lý Sơn – Quảng Ngãi; trái cây đặc sản 3 miền: trái cây Tiền Giang, dừa xiêm Bến Tre, bưởi da xanh, cam Vinh, cam Cao Phong, chuối ngự Đại Hoàng; chả mực Quảng Ninh, lợn Mán, giò me, nem Phùng; rượu cần Hòa Bình…

Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm lạ, độc đáo, rõ nguồn gốc xuất xứ đến từ các làng nghề truyền thống  sẽ được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ. 

Đặc biệt, trong suốt thời gian diễn ra Hội chợ, BTC Hội chợ phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức “Khu không gian danh trà Việt Nam” trên diện tích 100m2. Đến với Hội chợ, ngoài việc thăm quan, mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến từ các làng nghề truyền thống, khách thăm quan sẽ được đắm mình trong không gian văn hóa nghệ thuật truyền thống qua những làn điệu quan họ, những khúc hát dân ca ví giặm cũng như thưởng thức trà đạo.


Ngay sau ngày khai mạc, nhiều hoạt động thiết thực sẽ diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ như:Hội thảo “Phát triển du lịch Làng nghề Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”(8h30-12h00 ngày 10/11); Hội nghị “ Kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp của Hợp tác xã và Làng nghề” (13h30 – 17h00 ngày 10/11);Chương trình “Trình diễn một số nghề tiêu biểu” như: nghề chạm bạc, khảm trai, mây tre đan, gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng, dệt thổ cẩm, tranh đông hồ trong suốt thời gian diễn ra Hội chợ; Biểu diễn văn hóa - văn nghệ quan họ Bắc Ninh và dân ca ví Giặm (chiều 11/11).

Hội chợ sẽ mở cửa đón khách thăm quan từ 9h00 đến 21h30 các ngày từ 09 đến 13/11/2017.

Đăng Chung