Dự thảo biểu giá điện mới: Người nghèo được lợi?
Tin tức - Ngày đăng : 12:32, 13/11/2017
Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Dự thảo nêu rõ, giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: Sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt.
Đáng lưu ý, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt vẫn gồm 6 bậc có mức giá tăng dần được Ban soạn thảo lý giải rằng nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hằng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Cụ thể, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia làm 6 bậc như cũ: Từ 0-50kWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân; từ 51-100kWh giá bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân; từ 101-200kWh giá bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân; từ 201-300kWh giá bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân; từ 301-400kWh giá bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân; và từ 401kWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân.
Mặc dù điểm mới của dự thảo lần này là giá điện của mỗi bậc thang được tính theo tỉ lệ % so với giá bán lẻ điện bình quân nhưng so với mức giá cụ thể quy định tại biểu giá điện cũ thì mức chênh lệch không đáng kể, gần như tương đương. Theo biểu giá điện trước đó, mức giá bán lẻ điện sinh hoạt được quy định cụ thể từ 1.484-2.587 đồng/kWh.
Trước đó, hồi tháng 3.2015, sau khi biểu giá điện bán lẻ mới đưa vào áp dụng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và giới chuyên gia. Ngay sau đó, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải tổ chức nhiều hội thảo để lấy ý kiến đóng góp cho Đề án cải tiến biểu giá điện.
Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện do EVN dự thảo đã đề xuất 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, cụ thể: Giữ nguyên 6 bậc thang như hiện nay; Quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) ở mức 1.747 đồng/kWh; Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc hoặc 4 bậc theo 5 kịch bản.
Cũng tại thời điểm đó, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN - cho biết, hội thảo lấy ý kiến diễn ra tại 3 thành phố đã thu hút khoảng 200 khách mời và đã có 27 ý kiến tham luận, góp ý. Trong đó, hầu hết các ý kiến đồng tình với quan điểm nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán điện nhưng không làm tăng giá bán lẻ điện bình quân, không làm tăng doanh thu của ngành điện.
Cần số liệu tính toán cụ thể mới phân tích được hợp lý hay chưa
Về các phương án cụ thể, phương án giữ nguyên biểu giá hiện hành được đánh giá là khoảng cách chênh lệch giữa các bậc chưa hợp lý, dẫn đến có những khoảng thời gian nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao (mùa nắng nóng tốc độ tăng tiền điện cao hơn tốc độ tăng sản lượng điện tiêu thụ).
Về phương án đồng giá nhận được một ý kiến đồng tình (tương đương 3,7%). Phương án này được cho rằng dễ áp dụng, dễ kiểm tra và bình đẳng, ai dùng nhiều trả nhiều, ai dùng ít trả ít. Còn lại có tới 96,29% số đại biểu tham gia góp ý lựa chọn phương án biểu giá điện rút về 3- 4 bậc. Các đại biểu đồng thuận cho rằng tuy phương án này vẫn còn những nhược điểm nhưng đã khắc phục được phần lớn nhược điểm của hai phương án trên. Đồng thời, phương án 3 thỏa mãn được các tiêu chí giá điện theo Luật điện lực. Hơn nữa, theo các đại biểu thì đây cũng là phương án tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dùng điện dễ kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên, sau một thời gian gây nóng dư luận, bản dự thảo này hoàn toàn rơi vào “quên lãng” khi cơ quan quản lý là Bộ Công Thương không đưa ra thêm các dự thảo tiếp theo để lấy ý kiến người dân cũng như đưa ra những thông tin công bố xung quanh đề án này.
Cùng thời điểm này năm ngoái, Bộ Công Thương cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề nghị EVN trước mắt giữ nguyên cơ cấu biểu giá bán lẻ điện gồm 6 bậc.
Bình luận ban đầu về dự thảo lần này, TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế - từng nhiều lần phản biện về biểu giá điện cho rằng, cần phải xem xét cụ thể số liệu, tính toán từng bước xem thế nào. So với biểu giá điện cũ thì doanh thu của ngành điện có tăng hay không, phải tính toán cụ thể.
“Về phương án rút ngắn bậc thì cũng tốt, cần cải tiến mà không cải tiến thì cũng phải bàn. Biểu giá điện trước bất cập vì người ta thấy người tiêu dùng không lợi mà nhà đèn có lợi. Cần thay đổi mà không thay đổi, vẫn giữ nguyên thì anh là bảo thủ”- ông Long nói.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng: “Biểu giá điện với 6 bậc hiện nay là khá hợp lý. Chỉ có điều cần phải xem, ở bậc thang mà nhiều người sử dụng nhất có mức giá hợp lý chưa? Phải tính giá này so với giá bình quân ai được lợi? Bậc thang thì khoảng cách đã hợp lý chưa, hệ số giữa các bậc đó có chênh nhau quá mức không? Và bậc người ta tiêu dùng nhiều nhất thì có sự thay đổi không? Cần số liệu tính toán cụ thể mới phân tích được” - ông Long nhận định.
TS Nguyễn Minh Phong: Tính hợp lý và chưa hợp lý của biểu giá bán lẻ điện mới
Hiện nay, Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới, theo đó có những điểm hợp lý sau:
Thứ nhất, giá bán lẻ phân biệt theo đối tượng và thời gian sử dụng; cụ thể. Giá điện giá bán lẻ được quy định chi tiết cho 5 nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: Sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt; Đồng thời, giá sẽ rẻ hơn cho giờ thấp điểm và tăng hơn cho giờ cao điểm. Mức chênh lệch là đáng kể, giảm khoảng 25% cho giờ thấp điểm và tăng gần gấp đôi cho giờ cao điểm.
Thứ hai, giá bán lẻ có lũy tiến nhằm tiết kiệm dùng điện; cụ thể, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 6 bậc có mức giá tăng dần và càng dùng nhiều càng phải trả tiền cao hơn, tới 1,5 lần so với giá dùng ít nhất (dưới 51kwh)
Thứ ba, giá bán lẻ có tính tới chính sách với nhóm xã hội; theo đó, hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chia làm 6 nhóm mức tiêu thụ điện sinh hoạt là khá dày, có thể thu hẹp số nhóm lại và tăng giãn cách 150kw cho mỗi mức thay vì chỉ 100kw; Mức giá lũy tiến bị tăng nhanh cho nhóm đối tượng từ mức 200-400kw cũng là một bất hợp lý khác.
Đồng thời, cần điều chỉnh mức giá công bằng hơn giữa các hộ nhóm 5 với nhóm 6, nhất là không nên tính đồng giá giữa các hộ sử dụng dưới 500kw và hộ sử dụng hàng nghìn kw.
Cuối cùng, cơ quan chức năng cần nêu rõ cách tính mức tiêu thụ điện cho giờ cao điểm và thấp điểm sao cho minh bạch, chính xác và ngăn chặn, tránh sự lạm dụng có thể cả từ hai phía, người tiêu dùng và người cung cấp, thu tiền điện. Q.T (ghi)