9 kiểu tính cách không thể thành công

Tin tức - Ngày đăng : 12:45, 13/11/2017

Không chỉ các kỹ năng, tính cách cá nhân cũng là phần quan trọng quyết định thành công của bạn trong công việc. 9 kiểu tính cách dưới đây sẽ khiến bạn không thể tiến lên trên con đường sự nghiệp.
Nhà kinh tế David Deming của Đại học Harvard đã nghiên cứu sự thay đổi tính chất công việc tại các công ty từ năm 1980 đến nay và nhận thấy những công việc đòi hỏi kỹ năng xã hội tăng trưởng đến 24% trong khi các công việc đòi hỏi về khả năng kỹ thuật và sự thông minh thì tăng chậm hơn nhiều. Nghiên cứu chỉ rõ, những người có các kỹ năng xã hội cũng như trí thông minh cảm xúc (EQ) cao có xu hướng thành công hơn hẳn so với những người rập khuôn và cứng nhắc.

Tuy vậy, cũng có những tính cách khiến công việc bị cản trở không ít. Những người có 9 đặc điểm sau cần xem xét lại định hướng cuộc đời mình để thay đổi sớm:

Người hèn nhát

Nỗi sợ hãi có tác động rất lớn, chúng thay đổi hành động của con người. Trong công việc, người hèn nhát thể hiện ở việc không bao giờ dám chịu trách nhiệm. Họ sợ sai, sợ phải nhận lỗi, sợ bị chê trách và không bao giờ mạnh dạn nói lên ý kiến của mình.

9-kieu-tinh-cach-khong-the-thanh-cong

Người tiêu cực

Ở những người có nét tính cách này, việc duy trì một bầu không khí năng động và tươi sáng tại nơi làm việc là một điều không tưởng. Không chỉ cản trở sự tiến lên của chính bản thân, sự xuất hiện của họ còn khiến đồng nghiệp cảm thấy u ám thay, những suy nghĩ tiêu cực áp đặt lên tất cả mọi người dễ dàng khiến công việc mất đi động lực.

Người kiêu ngạo

Ngược lại với những người hèn nhát, người kiêu ngạo luôn cảm thấy rất tự tin với những điều mình làm, luôn thấy mình là tốt nhất và không ai có khả năng tương xứng. Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong con người đó lại là sự tự tin giả dối, luôn cảm thấy không đủ, không hài lòng và bất mãn với thực tại.

Người chỉ tư duy theo đám đông

Những người này thường rất ít khi đưa ra ý kiến cá nhân, không phải vì sợ hãi mà vì họ không có ý thức phản biện, luôn cho rằng "chúng ta làm thế này là tốt rồi". Nếu bạn thường xuyên bị thuyết phục bởi những ý kiến của đám đông, dễ dàng cho đám đông là chân lý thì hãy coi chừng, sẽ chẳng bao giờ bạn có thể thành công được đâu.

9-kieu-tinh-cach-khong-the-thanh-cong

Người chậm thích nghi

Những người như này thường rất chậm chạp trong việc thay đổi bản thân để phù hợp với hoàn cảnh hoặc không biết nắm bắt thời cơ để đạt được những thành tựu nho nhỏ trong công việc. Rất khó để thay đổi kiểu người này vì đó là vấn đề ở thái độ chứ không phải hoàn cảnh không tạo điều kiện.

Người nóng tính

Một số người hoàn toàn không kiểm soát được tính khí và cảm xúc của mình, nhất là khi đối diện với những vấn đề ngoài dự đoán. Khi họ cảm thấy khó chịu thì bất kỳ việc làm nào của đồng nghiệp cũng khiến họ khó chịu, từ đó dễ dẫn đến việc rạn nứt các mối quan hệ.

Người thích đóng vai "nạn nhân"

Những người này thoạt nhìn có vẻ là khá hiền hòa, thích tâm sự và chia sẻ nhưng gặp lúc khó khăn bạn sẽ nhận thấy sự thoái lui của họ. Bản chất của những người thích đóng vai "nạn nhân" là không có sự chủ động, không biết nắm bắt cơ hội để học hỏi và phát triển mà luôn dựa dẫm vào người khác. Và khi họ bị lùi lại, họ sẽ cảm thấy như mình bị cô lập, bị tách biệt trong khi chính họ là người làm cho mọi thứ rối tung lên.

Người cả tin

Tốt bụng là một đức tính tốt, nhưng tốt đến mức dễ dãi và cả tin thì không biết nên vui hay nên buồn. Những người này thường dễ dàng chấp thuận một yêu cầu từ cấp trên mà không một ý kiến, dù cho nó vô lý và ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân của họ. Hãy nhớ rằng, bạn có thể chủ động thương lượng mức lương, chủ động từ chối cũng như đưa ra những thắc mắc cần thiết. Biết lựa thời điểm để bảo vệ quyền lợi chính mình sẽ giúp bạn tăng thêm sự tôn trọng trong mắt người khác.

9-kieu-tinh-cach-khong-the-thanh-cong

Người hay xin lỗi

Những người thiếu tự tin luôn xin lỗi vì những ý tưởng và hành động của họ. Họ sợ thất bại và tin rằng xin lỗi sẽ trở thành lá chắn cho họ. Chắc chắn bạn từng gặp những người xin lỗi từ khi đưa ra ý tưởng đến lúc hoàn thành ý tưởng đó, họ vẫn tiếp tục xin lỗi.

Ban đầu, họ xin lỗi vì muốn tạo ra một lá chắn thể hiện sự cầu tiến giả tạo (trong khi thực chất là họ đang sợ hãi) còn về sau là họ muốn thể hiện sự khiêm tốn thái quá (nếu công việc thành công) hoặc sự tránh né trách nhiệm (nếu công việc thất bại).

Những người như thế, thường ít khi có thể bảo vệ được chính kiến của mình trước đám đông và không dễ để thành công đâu.

Dân trí