Thấp thỏm bữa ăn bán trú

Tin tức - Ngày đăng : 13:02, 13/11/2017

Bên cạnh việc dạy học, các nhà trường hiện nay còn có thêm nhiệm vụ chăm sóc học sinh bán trú. Với tỷ lệ hơn 50% số trường trong tổng số 2.700 trường học có bếp ăn, việc tổ chức bữa ăn bán trú bảo đảm an toàn cho học sinh đang là thách thức lớn đối với ngành Giáo dục Hà Nội. Hàng loạt bất ổn về chất lượng bữa ăn bị phát hiện thời gian qua cho thấy sự thấp thỏm và nghi ngại của phụ huynh là có cơ sở.
Thấp thỏm bữa ăn bán trú
Bữa ăn bán trú cho học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) được chuẩn bị chu đáo. Ảnh: Bá Hoạt

Thừa quy định

Những năm gần đây, khi việc tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày được mở rộng, số lượng học sinh ăn bán trú buổi trưa tại các trường ngày càng tăng. Tại Hà Nội có khoảng 1.400 trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Trừ cấp mầm non, từ cấp tiểu học trở lên, tùy theo điều kiện cụ thể, việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú được nhà trường thực hiện bằng nhiều cách: Tự nấu, mua suất ăn sẵn hoặc thuê công ty cung cấp thực phẩm đến trường nấu… Một số quận có tỷ lệ trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú chiếm ở mức từ 60% trở lên, như: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên, Cầu Giấy, Hà Đông...

Để quản lý việc tổ chức bếp ăn bán trú, cơ quan quản lý các cấp đã ban hành nhiều văn bản quy định và hướng dẫn triển khai cụ thể. Năm học 2017-2018, trong Văn bản số 4101/BGDĐT-GDTC, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về công tác an toàn trường học, bảo đảm môi trường trường học sạch, đẹp, an toàn, tổ chức bữa ăn bán trú bảo đảm dinh dưỡng. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 194/KH-UBND triển khai công tác y tế học đường, trong đó có nội dung tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trường học như bếp ăn bán trú, cơ sở cung cấp suất ăn, nước uống cho học sinh… 

Ngoài ra, các trường có tổ chức bếp ăn bán trú phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về việc thực hiện chế độ kiểm tra thực phẩm ba bước và lưu mẫu thức ăn. Nhằm kịp thời biểu dương, nhân rộng những điển hình thực hiện tốt công tác tổ chức bếp ăn bán trú, ngày 31-8-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thậm chí còn ban hành kế hoạch tổ chức phong trào thi đua an toàn thực phẩm năm học 2017-2018. 

Thế nhưng, tại một số trường học vẫn liên tiếp xảy ra sự cố cho thấy chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh rất đáng lo ngại. Đó là sự chủ quan, lơ là trong việc kiểm soát nguồn thực phẩm, việc định lượng mức dinh dưỡng, việc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm...

Thiếu chế tài


Những ngày này, bữa ăn bán trú của con ở trường là chủ đề được các ông bố, bà mẹ đề cập nhiều nhất và cũng là câu hỏi thường trực khi đón con sau mỗi giờ tan học. “Qua trò chuyện, tôi có cảm giác bữa ăn của con khá bấp bênh, hôm bảo ngon miệng, hôm không, song, tôi nghĩ có lẽ còn tùy thuộc vào khẩu vị từng con. Qua những sự việc liên quan đến bếp ăn bán trú, mỗi bữa ăn của con ở trường trôi qua đều khiến cả gia đình thấp thỏm...” - chị Mai Thu Ngân, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thạch Bàn A (quận Long Biên) cho biết.

Những âu lo của phụ huynh không phải không có cơ sở khi tại các địa phương liên tiếp có những thông tin phản ánh, làm dấy lên nghi vấn về chất lượng bữa ăn của học sinh tại trường và đặt ra dấu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý. Đó là thông tin về việc bữa ăn của học sinh một trường tiểu học ở Thanh Hóa chỉ có miếng cá thu và rau muống luộc; việc trẻ mầm non ở một trường tại Nghệ An ăn bún luộc trong bữa chính; rồi hơn 500 học sinh ở Hậu Giang có biểu hiện bị ngộ độc do uống sữa… 

Tại Hà Nội, từ đầu năm học 2017-2018 đến nay đã xảy ra không ít sự việc khiến các phụ huynh không khỏi bất an: Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) để khay ăn của học sinh có ấu trùng; học sinh Trường Mầm non Lại Yên (huyện Hoài Đức) và Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) có biểu hiện bị ngộ độc…

Điều đáng nói, trong khi có rất nhiều quy định về tổ chức bữa ăn học đường, nhưng chưa có một văn bản nào của ngành Giáo dục quy định về việc xử lý kỷ luật đối với các trường hợp vi phạm. Việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh đã được thực hiện từ gần 10 năm nay, song chưa có chế tài cụ thể cho các mức độ, hành vi sai phạm liên quan, như bữa ăn thiếu dinh dưỡng, mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, để học sinh bị ngộ độc... Về vấn đề này, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ lý giải, việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú là nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, đây không phải là nhiệm vụ được quy định tại Điều lệ trường học của cấp tiểu học, THCS và THPT; các trường học cũng không có biên chế để thực hiện công việc này.

Trên thực tế, hầu hết các vụ việc sau khi bị phát giác, lãnh đạo nhà trường chỉ bị nhắc nhở, phê bình, yêu cầu rút kinh nghiệm. Chính vì vậy, việc tuân thủ các quy định liên quan dường như không được quan tâm nhiều. Theo quy định, các trường tổ chức bếp ăn bán trú phải tuân thủ quy trình kiểm thực ba bước, chế biến thực phẩm theo quy trình một chiều, trong đó có việc kiểm tra vệ sinh bát đĩa, dụng cụ ăn uống, nhưng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám vẫn để xảy ra tình trạng khay ăn có ấu trùng; và việc lưu mẫu thức ăn là yêu cầu bắt buộc, song Trường Mầm non Lại Yên lại "quên"... 

Đó là những minh chứng cho thấy có sự lơ là, thiếu kiểm soát chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh.
Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, từ nay đến cuối năm học 2017-2018, ngoài việc tăng cường kiểm tra đột xuất tại các trường học có tổ chức cho học sinh ăn bán trú, Sở Giáo dục và Đào tạo còn yêu cầu các trường phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo bán trú; đồng thời, phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của Ban Đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú... 

Thống Nhất/Hanoimoi