Nâng cao chất lượng thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá

Tin tức - Ngày đăng : 15:11, 13/11/2017

Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã có hiệu lực cách đây 5 năm (từ ngày 1/5/2013). Tuy nhiên ở nhiều nơi, việc triển khai thực hiện Luật chưa thực sự nghiêm túc đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát cần được chú trọng đẩy mạnh.
Tuyên truyền tác hại thuốc lá

Khói thuốc lá cũng được xác định là nguyên nhân gây bệnh ở những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc. Những người này là vợ, con, người sống chung trong gia đình với người hút thuốc và những người làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc lá. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, hàng năm trên thế giới có khoảng 200.000 ca tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc. Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người không hút thuốc lên từ 20-30% so với những người không hút thuốc, làm tăng 25 đến 30% nguy cơ mắc bệnh và chết do bệnh mạch vành ở cả nam và nữ. Nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc thụ động cao gấp 3 lần so với phụ nữ không hút thuốc. Hút thuốc thụ động còn được biết đến là một nguyên nhân làm thai chết lưu và làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh từ 200 - 400gam.

Thái Bình: Nâng cao chất lượng thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá
Tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá bằng hình thức diễu hành cổ động và tuyên truyền trực quan
Tại Việt Nam, mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khoẻ do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Những tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường. 

Thời gian qua, các hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, việc thực hiện môi trường không khói thuốc có phần nào được cải thiện so với trước đây, đặc biệt là tại trường học, bệnh viện, cơ quan công sở và trên các phương tiên giao thông công cộng. Tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của các cơ quan công sở việc hút thuốc hầu như không còn. Một số các sự kiện trong cộng đồng như đám cưới, đám tang… tại nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẳn việc mời hút thuốc lá/ thuốc lào, hành vi hút thuốc nơi công cộng ngày càng không được cộng đồng chấp nhận như trước đây. Bên cạnh đó là xây dựng môi trường làm việc không thuốc lá được xem là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của người lao động khỏi những nguy cơ đối với sức khỏe mà nguyên nhân từ khói thuốc gây ra. Đồng thời, giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người lao động, qua đó giúp giảm chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp của người lao động và người sử dụng lao động cho việc khám chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Môi trường không khói thuốc là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá...

Thái Bình: Nâng cao chất lượng thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá

Thời gian qua, công tác phòng chống tác hại thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc trên địa bàn tỉnh Thái Bình được Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá của tỉnh chú trọng. Vì vậy, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, vẫn còn những tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện Luật và kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá còn hình thức, thiếu sự đôn đốc, sát sao, ảnh hưởng chung đến kết quả công tác phòng chống tác hại thuốc lá của tỉnh.

Đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra

Tính đến nay, sau hơn 5 năm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, hầu hết các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh Thái Bình đều đã triển khai thực hiện Luật và thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá, chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Nhiều sở, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế; triển khai xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc; tổ chức treo dán tranh ảnh, băng biển, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá.
Nhiều cơ quan còn mạnh dạn đưa các chỉ tiêu thực hiện các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá vào tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm của các tập thể, cá nhân, đồng thời triển khai thực hiện nề nếp, hiệu quả. Tuy nhiên, hầu hết ở các địa phương, đơn vị, công tác phòng chống tác hại thuốc lá mới chủ yếu tập trung vào các hoạt động chỉ đạo và tuyên truyền là chính. Việc tổ chức kiểm tra, giám sát và thực thi các biện pháp mạnh theo quy định của pháp luật như xử phạt đối với các hành vi vi phạm vẫn còn hạn chế. Thực trạng việc bày bán thuốc lá không đúng quy định; hiện tượng hút thuốc tại các nơi cấm hút thuốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, những người xung quanh và môi trường vẫn còn xảy ra...

Đồng chí Phạm Văn Dịu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh Thái Bình cho biết: Để nâng cao hơn nữa chất lượng thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và công tác phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn, đặc biệt là nâng cao hiệu quả việc xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc, Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá xác định cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ở những nơi có quy định cấm hút thuốc; đánh giá nhận thức của người dân về tác hại của việc hút thuốc lá đối với sức khỏe con người; ý thức chấp hành pháp luật của người dân về công tác phòng chống tác hại thuốc lá. 

Cũng theo đồng chí Phạm Văn Dịu, vừa qua, Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá của tỉnh đã xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và xây dựng môi trường, cơ quan, đơn vị không khói thuốc. Đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành, mỗi đoàn đều có sự tham gia của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo và đơn vị thường trực. Công tác kiểm tra, giám sát sẽ chia thành 2 đợt: tháng 10 và tháng 11/2017. Việc giám sát tập trung chủ yếu ở những đối tượng, địa điểm chịu nhiều quy định cấm cụ thể của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá như bệnh viện, trường học, nhà hàng, cơ sở kinh doanh thuốc lá, các bến xe khách và phương tiện giao thông công cộng...

Thực tế từ khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá của tỉnh tổ đã chức các đợt kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá tình hình tổ chức thực hiện. Sau mỗi đợt kiểm tra, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá lại được chấn chỉnh, đẩy mạnh. 

Tin rằng, với sự chung tay vào cuộc của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá, việc giám sát, kiểm tra lần này sẽ đánh giá đúng thực trạng thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hiện nay và công tác xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc; ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, từ đó có đề xuất các biện pháp thực hiện trúng, đúng, góp phần nâng cao hơn nữa việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá trong thời gian tới.

(Bài viết có sử dụng tư liệu của Báo Thái Bình)

Đăng Chung