Chiếc đòn gánh của mẹ

Truyện - Ngày đăng : 15:29, 13/11/2017

Xa quê hơn ba mươi năm nhưng lúc nào tôi cũng nhớ như in những kỷ niệm tuổi thơ, nơi quê hương với đầy đủ ngọt bùi, gian khó cùng hình ảnh mẹ với chiếc đòn gánh vít cong trên đường làng.
Chiếc đòn gánh của mẹ

Cha tôi vốn là người kỹ tính. Thương vợ quanh năm làm “bạn” với đòn gánh nhưng chẳng có lấy một chiếc đòn gánh nào cho ra hồn, nên ông tự tay làm cho mẹ đòn gánh. Vì tre ở làng toàn là “tre nứa”, thứ tre rỗng ruột không thể làm được đòn gánh, nên ông cất công đi bộ mấy ngày, nghe nói sang tận huyện bên, mới tìm mua được cây tre vừa ý về làm đòn gánh. Ông bảo, chiếc đòn gánh ưng ý phải vừa cứng, vừa dẻo. Lúc gánh nặng đường xa, đòn gánh kẽo kẹt nhún đều theo nhịp bước, mỗi lần nó oằn lại rồi duỗi ra thì sức nặng trên vai có thể giảm đi một ít. 

Mua được tre rồi, cha tự tay đẽo đòn gánh. Ông nhóm một đống lửa ngoài vườn, rồi hun chiếc đòn gánh đến độ ám khói, bóng lên, rắn rỏi. Vừa hun ông vừa dùng tay nhún thử rồi gật gật đầu. Khi đã vừa ý ông chuyển sang chau chuốt hai chiếc “mấu”. Thường thì người ta khoan lỗ rồi đóng chốt, chỉ giữ cho đầu quang gánh không bị tuột. Nhưng cha tôi thì không làm thế. Lúc đẽo đòn gánh, ông cố tình tạo ra hai khoảng lõm, như vậy đầu quang không tuột ra cũng chẳng thể tuột vào.

Chiếc đòn gánh do cha tôi “chế tạo” ngày nào cũng theo mẹ trên vai. Khi nước nôi, lúc chợ búa, rồi phân gio ra đồng, khoai lúa về nhà… Tôi nhớ rõ nhất ngày Mỹ leo thang, sau mấy lần chúng đánh bom toạ độ, bom bi, thuỷ pháo… làng tôi trù phú là thế cứ xác xơ dần. Rồi mọi người phải sơ tán đi nơi khác để đảm bảo an toàn. Chiếc đòn gánh ngày ngày lại thêm nhiệm vụ mới, cùng với mẹ tôi nó đã tải không biết bao nhiêu là đồ đạc, thức ăn vật dùng từ nhà đến nơi sơ tán. Hồi đó đàn ông ở làng hiếm lắm, trai tráng lần lượt ra trận, người ở lại vừa sản xuất vừa trực chiến bắn trả máy bay địch. Cha tôi cũng lăn lộn suốt ngày nên ít khi thấy mặt. Gánh xong đồ của nhà, mẹ tiếp tục tải giúp cho những nhà cô bác neo người. Chiếc đòn gánh cũng chịu khó, tảo tần như mẹ. Chẳng hề năn nỉ, nó vẫn đều đều nhảy nhót trên đôi vai mẹ tôi. Lên nơi sơ tán, tuy có xa vùng trọng điểm bắn phá của địch nhưng máy bay vẫn gầm rít xé trời, bom đạn vẫn ì ầm vọng tới từ nhiều hướng. Cuộc sống lao động, sản xuất, học tập trong thời chiến vẫn ngày ngày tiếp diễn. Những ngày tháng đó mẹ tôi thường nói với chúng tôi rằng: “Nay mai hòa bình thống nhất, nước mình mình ở, ruộng ta ta làm, dù có thiếu thốn gì cũng vẫn sung sướng”. Nghe mẹ nói tôi cứ hình dung ngày hòa bình đang đến rất gần!

Thế rồi cái “ngày vui náo nức” ấy đã đến. Đất nước tưng bừng, cờ hoa phấn khởi. Tôi thương mẹ lúc gánh đi chừng đó, giờ chuyển về gấp bội phần, chiếc đòn gánh lại ngày ngày bần bật trên vai mẹ. 

Về lại quê vừa mới ổn định thì tôi tốt nghiệp cấp II. Khắp nơi mọi người nô nức lên đường, đi khôi phục những tàn tích do chiến tranh để lại. Cũng mùa hè năm đó tôi “bay” theo “đàn”. Khi chia tay, ánh mắt tôi bắt gặp chiếc đòn gánh của mẹ, lòng tôi nao nao, chộn rộn bao nỗi niềm…

Chừng ấy năm trôi qua với bao đổi thay, nếm trải nhưng quê hương tuổi thơ vẫn luôn đau đáu lòng tôi. Mỗi lần có dịp về thăm quê, bao nhiêu hoài niệm lại ùa về trong tôi. Hoài niệm về cha với cái tính chăm chỉ và kỹ càng. Hoài niệm về mẹ với cái dáng tất bật, đòn gánh vắt ngang đổ dài theo nắng chiều trên đường làng… 

Giờ làng tôi mọi thứ đều đổi khác. Người ta ít dùng đòn gánh hơn, may chăng kiếm cả chục nhà mới có một vài cái. Chiếc đòn gánh của mẹ năm xưa cũng đã lâu không ai dùng tới. Nhưng chẳng vì thế mà nó không còn giá trị. Với tôi, đằng sau cái cũ kỹ, xù xì của chiếc đòn gánh ấy là bao tảo tần yêu thương của mẹ để chúng tôi sải bước trong đời cho tới hôm nay.                                                                                                  

Nguyễn Tiến Nên