Kỳ IV: Du ký về biển đảo Phú Yên - Bắc Bình Thuận nửa đầu thế kỷ XX

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:44, 13/11/2017

Tương đồng với đặc điểm địa lý biển đảo Bắc Trung Bộ nên sắc thái các tác phẩm du ký về duyên hải và biển đảo vùng Nam Trung Bộ trải rộng từ Phú Yên đến Bắc Bình Thuận (vùng 4 Hải quân, gồm 4 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và phía bắc của Bình Thuận) cũng có nhiều nét đồng dạng. Các tác phẩm du ký ở đây cũng ngắn gọn, không tập trung vào từng điểm cụ thể, thông thường là những quan sát kết hợp trong các chuyến du ngoạn. Có thể kể đến một số tác giả viết du ký biển đảo Nam Trung Bộ tiêu biểu như Mẫu Sơn
Cheo leo duyên hải miền Trung
Trên đường từ Bắc vào Nam, ký giả Mẫu Sơn Mục N. X. H quan sát và cảm nhận đoạn đường dọc bờ biển từ Quy Nhơn đến Phan Thiết – Bình Thuận: “Sớm mồng chín ở Quy Nhơn ra đi, độ 20 cây số thì qua đèo Cù Mông, cao độ 100 thước Tây, rồi qua tỉnh Phú Yên, qua phà sông Ba, cái phà này dài lắm, ở bờ bên Bắc mà qua sang bờ bên Nam phải đi ngược nước, lại càng lâu, ít ra là một giờ rưỡi. Đi một lúc nữa thì đến Đèo Cả. Cái Đèo này cũng chìa ra bể như đèo Ải Vân, nhưng cao hơn, dốc hơn, lại quanh co nhiều hơn. Những chỗ chìa ra bể nguy hiểm đã có xây gò cao. Cái đèo này đã phải một chiếc ô tô hàng chở khách lăn xuống bể hại mất hai ba mươi người, đâu vì người cầm máy vô ý, khúc đường này ô tô hàng hay đi về đêm, vì mát trời và không phải tránh những xe khác. Đèo này đẹp lắm, bên ngoài thì bể mùi lục, rộng mênh mông, sâu hoay hoáy, bên trong thì núi mùi chàm, cao chót vót, đứng chênh vênh; con đường uốn quanh ngay lưng chừng sườn núi, trông xuống bể như xe đi lưng chừng trời vậy. Lại đi qua một cái đèo thấp nữa thì đến Nha Trang… Khi đến bờ sông Nha Trang, bóng chiều đã xế, phong cảnh đẹp lắm. Bờ sông bên trái, có một hòn núi nho nhỏ, trên đỉnh dựng hai ngọn tháp Hời (tháp Hời bao giờ cũng xây hai cái, một cái lớn, một cái nhỏ, tục truyền tháp ông, tháp bà), bóng xế chiều hôm làm cho cái sắc gạch đỏ lại thêm tươi. Ở dưới sông, thuyền đánh cá cuốn buồm đậu chen nhau san sát, bên ngoài là bể có một dãy cù lao, ở bờ sông bên phải thì ở đầu bãi một dẫy nhà lá đen sì, rồi đến một dải phố xá lâu đài trắng xóa. Ở đàng sau thì chạy lại mấy dẫy núi cao ngất trời, mùi xanh biến thành mùi chàm sẫm. Ấy là bức “phông” làm cho cả một tòa thành phố nổi hẳn ra, thực là một bức tranh sơn thủy lâu đài tuyệt tác, gồm cả phong cảnh kim và cổ vậy. Nha Trang là một cái bãi bể, nơi nghỉ mát, và là đầu đường xe hỏa vào Nam Kỳ. Thành phố mới lập, đẹp đẽ, vui vẻ. Có sở thí nghiệm việc đánh cá, có một chiếc tầu và một người Tây làm nghề ấy. Sớm mồng 10 ở Nha Trang ra đi, đi hết cánh đồng thì đến cái đồn điền cao su, rồi qua một dải đồi thấp, toàn rừng, rộng lắm, dễ còn có thể khai phá trồng trọt được, sau cứ qua hoặc bãi hoang, hoặc ruộng, trưa thì đến Phan Rang… Từ Quy Nhơn về đến Phan Rang này, các chi núi ở dải núi Tràng Sơn đổ ra bể, hình như một đàn long xà trong núi tổ đua nhau chạy ra, ngóc đầu lên mà chồm ra phía nam bờ bể Thái Bình vậy” (Lược ký đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn, Nam phong tạp chí, số 129, tháng 5/1928)…

Kỳ IV:  Du ký về biển đảo  Phú Yên - Bắc Bình Thuận  nửa đầu thế kỷ XX
Vịnh Nha Trang mênh mang.
Trong một bài ghi chép nhân chuyến đi từ Sài Gòn ra Bắc, vừa thăm những nơi danh lam thắng tích vừa nhằm phỏng vấn các bậc thức giả miền Trung và xứ Bắc, ký giả Đào Hùng phác vẽ những cung đường cheo leo ven biển, đan xen cái đẹp và sự nguy hiểm, vốn là cảnh quan địa lý đặc thù duyên hải Nam Trung Bộ: “Đây xin nhắc lại, lúc xe lửa tới Nha Trang hồi 5 giờ rưỡi sáng. Chúng tôi liền ra xe tốc hành để đi Quy Nhơn. Quãng đường từ Nha Trang ra Quy Nhơn là quãng đẹp nhứt từ Nam ra Bắc, xe chạy men theo mé biển mà toàn thị lên dốc xuống đèo. Đường núi quanh co khuất khúc, uốn lộn như hình con rắn, khúc ngắn khúc dài, khúc cao khúc thấp, có khi xe chạy cả giờ mà không ra khỏi một cái khe núi. Vượt hết cái đèo nọ tới cái đèo kia ngay, vì núi non liên tiếp trập trùng, người cầm tay bánh vô ý một chút là có sự nguy hiểm ngay, xe hoặc không đâm xuống biển thì cũng xô vào núi mà bể tan tành” (Thăm cửa biển Thị Nại, lên núi Hoành Sơn, viếng mộ Tây Sơn. Phụ nữ tân văn, số 73, ra ngày 2/10/1930)…

Cũng trên đường từ Nam ra Bắc, trong vai trò một nghệ sĩ ca kịch, Nguyễn Thành Châu sau khi biểu diễn ở Phan Thiết lại kể về con đường ven biển đi tiếp đến Nha Trang: “Cái chuyến đi này nó cũng không khác nào cái chuyến đi trước, nhưng nhờ non sông thay đổi, cảnh vật ưa nhìn mà phui pha được điều khổ nhọc… Đi dài theo bờ biển Đại Thanh, vòng quanh các sườn núi, nếu tôi là một nhà thi sĩ thì chắc hẳn đã làm nên được một bài trường thiên tức cảnh, nếu tôi lại là một bậc văn hào thì đã viết nên được một quyển sách dày, hay nếu tôi là một nhà du lịch có tính khảo sát thì đã ngừng từng khoảng đường mà lấy ảnh hay là ghi chép những điều nghe thấy… Nhưng khổ thay! Tôi là một tên kép hát, non sông có hữu tình tôi cũng không thể làm nên được thơ, đất nước có rộng lớn tôi cũng không viết nên được sách, sự nghe thấy hoặc về phong tục, hoặc về lịch sử dẫu có bao nhiêu tôi cũng không khảo sát gì được mà ghi chép; vả cái trường hợp của tôi, phạm vi rất eo hẹp thì họa chăng có những điều nào quan hệ đến cuộc hành trình của chúng tôi mới nói được thôi… Xe chạy cũng êm xuôi, lối hai chiều hôm sau đã lấp ló thấy thành phố Nha Trang không hiếm chi ngôi nhà tráng lệ”... Ngẫm nghĩ lại con đường ven biển mình đã bạo gan vượt qua, Nguyễn Thành Châu suy tư: “Nhớ lại lúc đương sắp sửa cuộc Bắc du này thì có nhiều anh em đã kể rõ những nỗi khó khăn trong lúc đi đường cho chúng tôi nghe, nào là qua những đèo cao dốc cả, đường lối quanh co nguy hiểm lắm. Họ lại dậm thêm dậm bớt nhiều chuyện khiến cho mình cứ mải in sâu trong óc mà lúc mới bắt đầu ra đi những lo sợ phập phòng, lại nữa các bác tài xế mình chưa có bác nào đã biết nhìn mặt con đường thiên lý mới lại càng lo ra hơn nữa chớ, nhưng trải qua hai quãng đường khá dài rồi mà cũng chưa có gì nguy nan thành ra mình cũng cởi dần được điều ưu niệm”... Từ đây ký giả kể tiếp chuyến đi với cảm hứng vừa phiêu lưu mạo hiểm vừa ham chuộng khám phá vùng đất mới: “Đến lúc ở Nha Trang ra đi ước chừng đâu 6, 7 cây số, khi ấy mới bốn giờ khuya, trời vẫn còn tối đen chưa có một tia sáng, đoàn xe chúng tôi lại phải lên dốc đèo Rury. Ấy đó, đến bây giờ mới biết rõ cái đèo là cái gì rồi đa. Con đường đương bằng thẳng bỗng bị dẫy núi chặn ngang; muốn đi qua cho được người phải lên lần con đường ấy, quanh lộn trên sườn núi, cứ từ từ mà lên đến trên chót cao rồi lại quanh lộn như thế mà xuống bên kia núi. Các bác tài thật, cũng đã gan dạ làm sao, cứ cho năm chiếc xe cam nhông to tướng ấy nó tiếp tục nhau mà lù lù leo lên không chút ngần ngại gì cả… Trời còn tối lắm nhưng nhờ đèn xe thật sáng nên dễ đi, cái thì đã lên tận trên cao, cái thì lững đững nửa chừng, cái thì hì hụt ở dưới thấp, ánh đèn sáng lộng trong những lùm cây, xa trông chẳng khác như một tòa lầu nhiều từng đương lúc linh đình yến tiệc… Xuống khỏi đèo rồi mình mới biết rõ được anh em lúc ở nhà họ cố nhát mình chơi, chớ đường đèo tuy uốn lượn quanh co mà rộng rãi dễ đi, cứ cẩn thận thì cũng không có gì nguy hiểm… Khoảng đường Nha Trang – Quy Nhơn dài hơn ba trăm cây số là khoảng đường gai góc, phải leo qua rất nhiều đèo, kể ra cũng có hơn mười cái vừa lớn vừa nhỏ, nhưng đáng để ý nhứt là đèo Cù Mông và đèo Varella, thường gọi là đèo Cả, vừa cao lại vừa dài, những lúc xe đi lủng lẳng trên đảnh, trông xuống chân đồi, thấy núi biển kề nhau, chỗ thì khuyết vô, chỗ thì lồi ra, muôn lượng sóng tấp vào những hòn đá sừng sững trước đầu gành tung nước trắng xóa, xem tương tự như ông mãnh tướng khinh thường cái thủ đoạn ranh con của bỉ phu… Chiếc xe cứ xìn xịt lên rồi lại thoăn thoắt xuống, lối ba giờ chiều hôm ấy thì đến Quy Nhơn” (Trên đường thiên lý – Nhật ký của anh kép hát. Công luận, số 6413, ra ngày 6/12/1933; đến số 6425, ra ngày 20/12/1933)...

Dọc dài non cao trước biển

Khác biệt hơn, trong du ký Dưới chơn Đèo Cả giàu chất ký sự, nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm khái lược cảnh quan trạm Đại Lãnh (đến năm 2017 này đã có hầm đường bộ nối huyện Vạn Ninh – Khánh Hòa với xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa – Phú Yên) và cuộc sống những người phu làm đường một thuở: “Trên con đường Tuy Hòa - Nha Trang, dưới chơn đèo Cả, một trạm còn đơn sơ mới thành lập vài tháng  nay, ấy là trạm Đại Lãnh. Đại Lãnh có từ khi sở xe lửa Trung Kỳ mới đặt con đường hỏa Nha Trang - Tourane mướn dân lao công đập đá, bắc cầu, vét sông, xẻ núi. Nơi trạm nầy có chừng vài trăm người, phần đông là dân các tỉnh miền Bắc và Nam xứ Trung Kỳ rủ nhau đến đó để làm kiếm cơm. Đại Lãnh có một nhà giây thép, vài tiệm bán hàng nhỏ, mấy cái trại bằng tranh của dân lao công nơi đây, mấy cái nhà bằng cây tốt hơn là của người Tây coi về công việc đặt đường ray. Một bên là biển, một bên là núi, rừng... Gió dông, đất độc, ở giữa tạo vật, người dân Đại Lãnh thường chịu lạnh, chịu đói, ngoài cái sợ tiếng sóng ầm ầm suốt đêm, cái sợ thú dữ bên cạnh rừng, còn phải cúi đầu đưa lưng dưới mấy con roi, mấy khẩu súng của một bọn tư bản bóc lột. Ai là người lữ hành đi qua con đường Tuy Hòa - Nha Trang, ai có đi xe đò buổi chiều mà bị chết máy phải nghỉ đêm dưới chơn Đèo Cả, đều hiểu được cái cảnh tượng cheo leo hiu quạnh, khổ sở của trạm Đại Lãnh nầy (...). Đi trên con đường Nha Trang, Tourane người lữ hành thấy được công chuyện của đám nhơn công làm đường xe lửa. Dưới bóng nắng nung, trên núi dưới hố, dưới cầu: họ như mấy con kiến đen trên tảng đá (...). Rồi đây chừng vài năm nữa, con đường sắt Nha Trang, Tourane làm xong từ Nam chí Bắc, cuộc hành trình chẳng còn gì gay go, đã mau lại tiện. Ai sẽ được hưởng cái công trình vất vả của người đã làm đường ray? Chẳng phải bọn nghèo đâu! (Phụ nữ tân văn, số 252, ra ngày 2/8/1934)...

Cách hai năm sau, ký giả N.Q.T trong du ký Sài Gòn – Quảng Nam trên xe lửa hạng tư bày tỏ tâm sự trước cảnh vật và cuộc sống người dân dọc dài vùng biển nam Trung Bộ: “Chiều hôm ấy, trời mưa tầm tã, nhưng tôi phải đến thăm nhiều bà con và quen thuộc để tỏ tình lưu khứ trước khi tạm biệt Sài Gòn (…). Mưa vừa dứt, mây còn bao cả trời, cảnh tiêu điều cũng vẫn hiện ra trước mắt. Xe chạy lần lần mau, xa châu thành, hai bên đường chỉ thấy cây cỏ xanh rì, những đồn điền cao su bát ngát của các tay tư bản Tây và Nam (…). Mải nghĩ nỗi trò đời đen bạc, lòng người đổi thay mà xe đã tới Phan Thiết từ bao giờ không hay (…). Xe qua khỏi đèo rồi, từ Nha Trang trở ra đất đai đã kém phì nhiêu, dân gian nghèo khổ đã hiện ra trước mắt khách du quan, rồi đất đai ấy, mà gặp năm mùa điều hòa gió thuận thì còn nuôi sống được dân số ấy, chứ như năm trời thiên tai ngập nước thì dân gian đồ khổ đến đâu! (…). Đến Đại Lãnh đã 8 giờ, lúc ở trên xe lửa đã có người hãng Staca hỏi hành khách bán giấy xe hơi đoạn đường Đại Lãnh – Tuy Hòa (…). Xe hơi đến Tuy Hòa đã 10 giờ rưỡi, thế là còn hơn nửa giờ xe hỏa mới chạy, thì giờ còn rộng, song tôi phải mua vé cho rồi để ra xe trước cho thong thả. Xe hỏa bắt đầu chạy qua cánh đồng nầy tới cánh đồng khác, song vẻ trù phú thì thua Nam Kỳ xa, cho nên dân gian thường bị khốn đốn trăm chiều. Xe ngang qua những cánh đồng khô khan, gò đống trên núi, dưới biển, đất đai eo hẹp, dân cư đông đúc, quanh năm lo cái sống không rồi thì thiệt là tội nghiệp.Ngồi trên xe lửa chạy từ Tuy Hòa tới Bình Định không thấy cái đồng ruộng nào quá vài ngàn mẫu mà chỉ thấy gò đống, núi non choáng hết ba phần, không bì với anh em Nam Kỳ đất rộng dân thưa, người khai phá không có, xe chạy ba bốn giờ đồng hồ mới thấy xóm làng, hèn gì người trong ấy ăn ở nhau tốt là phải” (Công luận, số 7223, ra ngày 11/9/1936; số 7226, ra ngày 15/9/1936)...

Lại nữa, ký giả Đinh Gia Trinh trong Kỷ niệm Phan Thiết chủ ý chia thành các tiểu mục Một ngày vận động – Nhưng chiều bên bờ bể - Giăng trên đường – Buổi chiều cuối ở Phan Thiết – Trở về… Xin cử một vài đoạn văn biểu lộ xúc cảm “Thiên nhân hợp nhất” và những giá trị nhân văn khi con người đứng trước biển: “Giời trong không chút gợn. Bể xanh một màu ấm áp, tiếng sóng êm đềm tựa như ở một cõi xa đưa lại, điệu đàn không bao giờ ngừng của cảnh trí tịch mịch này. Thuyền đánh cá buồm trắng đỏm dáng bơi trên mặt biển lặng…”; “Bể mầu lục ở gần, ở xa xa mầu lam mờ dần cho tới chân mây mờ buổi chiều. Vài vệt mây hồng sau ngọn đồi, cỏ cây yên lặng trên đất đỏ. Đứng trên mũi đất trơ vơ trông xuống bể, buổi chiều lặng và êm. Những đợt sóng theo nhau mà xô vào bờ, uyển chuyển vẽ những đường cong trắng xóa. Chiều nay yêu đương rào rạt trong lòng tôi. Một nỗi nhớ nhung man mác, những xúc động ngây thơ và lãng mạn. Những con đường nhỏ dài mà hẹp, mà gọn gàng, mà yêu kiều, đi dọc theo ven bãi bể trắng dưới ánh chiều…”; “Trăng lên trên mặt bể. Một vầng đỏ và lớn nhô lên sau bóng đen một giải núi ở chân giời. Bể gợn sóng như cảm động, sửa soạn để đón những cảm giác mới… Rồi trong chốc lát cô Hằng kiều diễm của các thi sĩ càng lên cao trên mặt bể càng trong sáng và nhỏ dần đi. Không gian trở nên bát ngát. Một vệt sáng trước còn lờ mờ, dần trở nên lóng lánh như để lộ trên mặt biển linh hồn của trăng…”; cho đến ba tháng sau, khi đã trở về Hà Nội, tác giả còn mãi bâng khuâng lưu luyến: “Trên địa đồ, Phan Thiết là một chấm xa xôi, xa xôi quá. Tôi so sánh giời u ám của đất Bắc với ánh sáng chan hòa, giời xanh không gợn mây của Phan Thiết. Phan Thiết không có mùa xuân những cũng không có những ngày ủ rột. Tôi nhớ cái sân vận động Phan Thiết trên đó hằng ngày tôi nhẹ nhàng chạy nhảy, cái bãi bể Phan Thiết bằng phẳng, cát mềm, trên đó tôi nô rỡn với sóng, mầu nước biển Phan Thiết xanh lam, có lúc hồng dưới ánh chiều. Tôi nhớ giăng trong của Phan Thiết, những dặng phi lao, cái thi vị chất phác của những chiều lặng lẽ” (Thanh nghị, số 12, ra ngày 1/5/1942; số 17, ra ngày 16/7/1942)...

Đặc biệt hơn, học giả Đào Duy Anh trong du khảo Thiên Y tiên nữ với kỳ nam bên cạnh việc phác vẽ cảnh vật địa – văn hóa: “Cách thành phố Nha Trang chừng một cây số, trên cửa sông cái (cửa lớn) về tả ngạn, bên đường thiên lý có một ngọn đồi thấp nhô ra ở chân một dải núi dài, trên đồi có một tòa cổ tháp, tục gọi là Tháp Bà, thờ một vị nữ thần của người Chàm (tục gọi là người Hời hay người Tần), gọi là Pô Nagar (Pô N’gar), tức là Thiên Y A Na của người Việt Nam (…). Đền này gồm có bốn sở: sở chính, ở về phía Đông Bắc là chính điện, và cái điện ở về phía Tây Bắc, theo Parmentier thì xây vào khoảng năm 817 sau Tây kỷ nguyên; cái điện ở về phía Nam thì xưa hơn, xây vào năm 734, còn cái điện nhỏ ở về cửa Nam thì có lẽ xây vào khoảng thế kỷ thứ chín”, sau đó nhấn mạnh truyền thuyết liên quan đến sự hình thành những ghềnh đá, bia đá khi có đám quân Tàu đi thuyền tới: “Người trên thuyền ra oai tàn ngược dân sở tại, lại không kính thần tượng, cho nên thình lình sóng gió nổi lên làm đắm thuyền, hóa thành một đống đá. Từ đó bà rất linh ứng, hoặc cỡi voi thắng đi dạo trên đỉnh núi, mỗi khi biến đi thì nghe nổ ba tiếng dữ dội như đại bác, hoặc hiện hình như tấm lụa bay phấp phới trên không, hoặc cỡi cá sấu đi lại trong khoảng hòn Yến núi Cù. Người thổ dân thờ phụng, hễ cầu gì ứng nấy, bèn xây trên núi hai tòa tháp lớn, cái bên tả thờ Tiên nữ, cái bên hữu thờ Thái tử. Sau tháp có dựng am nhỏ thờ hai người con. Ở phía tả hai tháp lại có am nhỏ thờ cha mẹ nuôi” (Đại Việt tập chí, số 26, ngày 1/11/1943)... 

So với các vùng duyên hải và biển đảo khác thì vùng 4 hải quân từ Phú Yên đến bắc Bình Thuận vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX còn chậm phát triển, giao thương cách trở, không nhiều trung tâm đô thị, bãi biển, khu nghỉ dưỡng. Các tác phẩm du ký đương thời cũng chỉ rõ đặc điểm địa – văn hóa vùng miền, nhấn mạnh sự kết hợp độc đáo giữa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và năng lực con người trước thử thách khắc nghiệt của địa hình “Một bên là biển, một bên là núi, rừng” (Nguyễn Thị Kiêm). Du ký vùng Nam Trung Bộ góp phần làm sinh động thêm bức tranh du ký biển đảo nửa đầu thế kỷ XX và còn nhiều ý nghĩa cho ngày hôm nay… 

Đón đọc kỳ tới: 
Du ký về biển đảo Nam Bình Thuận – Bạc Liêunửa đầu thế kỷ XX

Nguyễn Hữu Sơn