"Ma lực" bên dòng Thu Bồn
Tin tức - Ngày đăng : 15:21, 15/11/2017
Ngọn lửa gốm cổ Thanh Hà
Thú chơi gốm của người dân Hội An đã hình thành từ nhiều đời nay. Có lẽ viên ngói đầu tiên ở làng gốm Thanh Hà, cách đây chừng 500 năm đã là niềm tự hào của xứ sở Quảng Nam. Những người thợ gốm từ Thanh Hóa và Nam Định đã đến đây, nhào luyện đất mở lò gốm làm gạch ngói, chum vại, bếp lò bán khắp bàn dân thiên hạ làm nên nghề gốm cho những người Chăm cổ sinh sống trên sông Thu Bồn.
Cách đây chừng 300 năm, người Nhật đến buôn bán làm ăn đã dùng ngói và gạch của làng gốm Thanh Hà xây dựng ngôi chùa Cầu. Màu ngói âm dương nhẵn phẳng, thể hiện đặc trưng của đất sét bên sông Thu Bồn, tạo nên hình ảnh mới lạ của dãy phố Hội An. Con sông Hoài chảy qua thành phố Hội An chỉ là phần chi lưu sông Hoài chảy ra biển.
Một số cảnh làm gốm ở làng Thanh Hà. |
Làng gốm Thanh Hà cách đó chỉ chừng 2 cây số theo đường chim bay gần với cảng biển Hội An, mở mang và kế thừa cảng biển của người Chăm, hàng gốm từ đó chảy đi muôn nơi. Ngày ấy cảng biển nước sâu nên tàu thuyền bốn phương cập bến mua hàng Tàu, hàng Nhật, hàng nông sản xứ Quảng rất sầm uất. Gốm làng Thanh Hà thấm đậm chất liệu dân gian, mang sắc thái Chăm, gợi cảm, thu hút khách hàng. Từ những con giống nhỏ bằng ngón tay cho đến bình lọ, chum vại sành, hay tượng Chăm đều được xuất cảnh đi nhiều châu lục.
Đến khi triều Nguyễn hưng thịnh cũng phải triệu thợ gốm Thanh Hà về xây cung đình tại Huế. Bởi gạch ngói của Thanh Hà là sản phẩm rất được ưa thích ở vùng khí hậu nhiệt đới. Những mái nhà ấy tạo nên không gian tiểu khí hậu, mùa hè trong nhà thì mát, mùa đông lại ấm, thích ứng với thiên nhiên khắc nghiệt ở miền Trung. Dân xứ Quảng đã có ca dao: “Thân em như gốm Thanh Hà/ Như chiếu Bà Thạch trải đà khắp nơi”.
Vậy mà, vào thế kỷ 18, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn diễn ra ở miền Nam, Chúa Trịnh đánh chiếm Quảng Nam năm 1775, cảng thị Hội An rơi vào cảnh chiến tranh điêu tàn, những nhà cửa vùng phố buôn bán bị phá sạch, chỉ còn lại một số nhà thờ họ quán người Hoa và chùa cổ. Thêm nữa, sang thế kỷ 19 chính những chi lưu sông Thu Bồn, ở các ngã ba sông chảy ra biển bị phù sa dâng lên theo thời gian, làm cửa biển hẹp lại, tàu lớn không vào được.
Chưa kể, chính sách nhà Nguyễn ngày đó cũng đóng cửa, hạn chế quan hệ nước ngoài, nhất là với phương Tây. Cảnh buôn bán ở Hội An không còn tấp nập như xưa. Nghề gốm Thanh Hà mai một dần. Nhiều người đã chuyển nghề đánh cá hay buôn bán bỏ mặc những chiếc lò gốm nguội lạnh bên sông.
Chùa Cầu Hội An. |
Nhưng theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên, người con của làng gốm Thanh Hà tâm sự, vậy mà ngọn lửa gốm Thanh Hà vẫn âm ỉ cháy. Hàng chục lò gốm trong làng vẫn sinh sống bằng nghề nặn tò he, chum vại, nồi chậu cho đến nay.
Ba mươi năm qua, nghề gốm khôi phục dần, nhiều nghệ nhân vẫn kiên trì truyền nghề cho con cháu. Không ít những người con của làng vẫn nuôi ước mơ khôi phục ngọn lửa Thanh Hà bừng cháy ngày đêm. Chính kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên, người đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây một bảo tàng gốm, mô tả hành trình phát triển gốm 500 năm của Thanh Hà.
Anh đã tạo dựng một không gian phát triển gốm, nuôi giấc mơ cho những người thợ trẻ về xây dựng, và làm giàu cho quê hương. Từ đó làng gốm Thanh Hà trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa và lịch sử gốm hàng trăm năm qua.
Những nét sinh hoạt, sản xuất gốm cách đây 500 năm vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay. Không cứ vào bảo tàng gốm, mà đi sâu vào làng Thanh Hà, chúng tôi được chứng kiến công việc làm gốm cổ, bên chiếc lò nhỏ của người dân nơi đây. Công việc chế tác hàng gốm ở Thanh Hà khác hẳn với mọi vùng gốm như Bầu Trúc (Ninh Thuận), Bát Tràng (Hà Nội), hay Hương Canh (Vĩnh Phúc)...
Mỗi sản phẩm được làm ra phải có hai thợ thực hiện cùng lúc. Một người đứng dùng chân đạp bàn xoay theo chiều ngược kim đồng hồ. Còn người ngồi (thợ chính), thì chuốt gốm và nặn thành những vật dụng, ở giữa bàn xoay. Người đứng có thể vừa đạp bàn xoay vừa cuộn đất đưa cho người thợ nặn dùng khi cần nối bổ sung.
Chúng tôi hỏi nghệ nhân Nguyễn Thị Được, vì sao không lắp động cơ để quay bàn nặn gốm như nơi khác, đỡ mất thêm công lao động? Bà mỉm cười nói hết sức tự nhiên, đó là nhịp điệu gốm của Thanh Hà, hàng trăm năm còn lại chút này. Đó chính là sự giao duyên, trao gửi hồn người vào đất. Mỗi lần chuốt gốm là một nhịp phách của bài ca thơ thới trong con tim.
Những giọt mồ hôi nhỏ xuống thấm vào thớ đất và từ đó những con mắt hiện ra. Ánh mắt của cô gái Chăm hướng về cõi trầm lắng ưu tư. Mỗi lần quay là ánh mắt cô hiền dịu trong bàn tay người thợ nặn mà thành.
Bên cạnh đó, những trầm tích của gốm Thanh Hà còn cất tiếng, gọi mời cả những người con của xứ sở khác ôm mộng đi cùng. Người mà tôi nói đến chính là Đỗ Ngọc Thi Ca, người Hà Nội có nhiều mộng ước bên sông Hoài. Mười năm qua, anh đã đưa công ty gốm mỹ nghệ vượt biên giới với nhiều sản phẩm gốm Thanh Hà, với công nghệ hiện đại.
Những kỹ thuật gốm điêu khắc và trang trí nội thất đã làm bừng dậy một ánh sáng mới của phù sa đất Quảng Nam. Bay bổng và hài hòa với sắc Chăm mơ mộng. Câu chuyện này còn được viết tiếp, với một chân dung gốm khác bên sông Thu Bồn, chính là Nghệ nhân ưu tú Lê Đức Hạ. Bởi hàng của anh đã được bày bán ở Hội An, như một đặc sản văn hóa, không thể thiếu trên mỗi góc nhà, nẻo phố cửa sông.
Kẻ mộng du với gốm nâu đỏ
Lê Đức Hạ được sinh ra ở xóm Bãi Thượng, Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam nhưng tâm hồn anh lại thấm đậm màu sắc gốm Chăm, cội nguồn của gốm Thanh Hà. Đã 20 năm nay, hàng gốm mỹ thuật của Lê Đức Hạ có mặt ở nhiều cửa hàng trên phố cổ Hội An, thành phố Đà Nẵng và trên toàn tỉnh Quảng Nam.
Thật thú vị khi tôi có dịp được đến xưởng gốm của anh trên sông Thu Bồn. Đến đây, tôi đã gặp lại một cảm giác khác thường, khi ngắm những bình rượu được bày trên giá hàng. Đặc biệt, nét kỳ bí của mỹ thuật Chăm ẩn sâu bên trong mỗi thành phẩm, tạo sự thú vị cho người xem. Bình rượu được hình tượng hóa thành bầu vú căng tròn của các cô gái, nõn nà, tràn đầy sức sống.
Chiếc nắp được thiết kế hình tượng Youni-Linga. Còn quai bình được tạo hình là vũ nữ Apsara với dáng cong vừa vặn tay cầm. Một bình rượu ấm về màu sắc, nồng nàn cảm xúc và mơ mộng con mắt nhìn. Đó là thỏi đất mỹ miều nhất ở Thanh Hà đã được hình tượng hóa qua bàn tay tài hoa Lê Đức Hạ.
Khi ngồi bên cửa lò gốm, tôi được nghe anh kể lại một quãng đời bồi hồi và đầy cam go khi đến với gốm, một cái nghề mà người cha để lại với nhiều nỗi trăn trở. Vợ chồng anh cũng đã từng bị sập lò, vỡ mộng và trắng tay vào năm 1985, sau khi anh rời quân ngũ ở tuổi 25.
Những mặt hàng gốm Thanh Hà. |
Buồn lo, Lê Đức Hạ rời quê hương lên Đà Nẵng mưu sinh, với đủ thứ nghề trong tay. Nhưng không hiểu sao làm bất cứ việc gì, đầu óc anh cũng không rời được hình ảnh những nắm đất phù sa sông Thu Bồn. Túi anh lúc nào cũng có một nắm đất sét.
Anh kể, hồi còn làm nghề tráng phim rửa ảnh, khi vào phòng tối anh cũng mang theo một cục đất sét. Trong lúc chờ đợi hình hiện lên trong chậu thuốc rửa ảnh, anh mang đất ra nặn con gà giống thổi rúc rích khi đổ nước vào. Anh tuổi lợn, nhưng lại cần mẫn công việc như người tuổi trâu, lăn lộn bươn trải kiếm ăn.
Chẳng cứ nghề ảnh, mà anh còn làm cả văn chương, viết báo kiếm thêm tiền mua gạo mang về cho vợ con. Nhưng nỗi niềm đất, sông nước quê hương luôn bám đuổi theo anh trên mọi chặng đường mưu sinh. Ngay cả khi chăm sóc cho vợ bị ốm ở bệnh viện, anh cũng mang theo một cục đất, để tranh thủ làm mỗi khi vợ ngủ. Dường như ngày nào anh cũng nặn được một con giống xinh xinh. Đây là mặt hàng phổ biến nhất của gốm Thanh Hà, sau những vật dụng gia đình, chum vại, bình lọ.
Những mặt hàng gốm Thanh Hà. |
Những con giống đất sét của anh ngộ ngĩnh, xinh xắn để làm quà tặng cho những ai thích chơi và ngắm nhìn chúng, với những ký ức hồn nhiên của tuổi thơ. Thế giới gốm ngự trị trong tâm hồn. Quả nhiên cuối cùng, anh rời bỏ cây bút và máy ảnh quay về nẻo sông quê, với con đường gốm.
Anh trở lại với gốm lần này khác hẳn, say đắm và quên mình, kể cả khi đói ăn, thiếu mặc. Có đận, ban ngày anh chăm lợn thịt, đến tối lại làm con lợn gốm. Anh dựng một cái lò nhỏ để nung các mẻ gốm, những con giống xinh xinh mang những nụ cười trẻ thơ. Hết đàn giống nọ đến hàng giống kia ra đời qua ngọn lửa say mê trong tâm hồn anh.
Bất ngờ vợ anh gánh cả trăm con giống lên Đà Nẵng bán, với ý niệm cho đỡ phí, và còn bởi chúng đã được mọi người thích thú. Quả nhiên chỉ trong một ngày mà gánh hàng bán hết trơn. Mấy cửa hàng mỹ nghệ còn đặt thêm những đàn giống khác. Nhất là từ năm 1994, hàng gốm của Lê Đức Hạ được đặt làm liên tục. Từ đó sự nghiệp gốm của anh khởi sắc thật sự.
Nhìn hàng trăm sản phẩm mới của xí nghiệp gốm Lê Đức Hạ chuẩn bị vào lò, tôi càng thấy rõ anh là người luôn tìm tòi, sáng tạo ra những mẫu mới. Nhất là hàng gốm mỹ nghệ của anh như đèn gốm, tranh gốm, tượng gốm, bình lọ và thư pháp... Tất cả đều được cách điệu hóa với những hình tượng đầy ẩn dụ. Anh kể những cuộc đi khảo sát mỹ thuật gốm Chăm ở ngay trên quê hương Quảng Nam đã đem lại cho anh những mỹ cảm mới, hình khối mới và hình tượng phong phú về nghệ thuật làm gốm.
Có thể nói, suốt thị trường miền Trung đều rải bán hàng gốm mỹ nghệ mang thương hiệu Lê Đức Hạ. Nhất là những bức tượng chân dung văn nghệ sĩ của anh luôn được nhiều người tìm mua. Giờ đây gốm là cuộc đời của anh.
Ngày hội bên sông
Vừa qua, trong lễ hội giỗ tổ gốm ở Thanh Hà (10-7 âm lịch), tại khu miếu Nam Diêu (tên cũ làng Thanh Hà), những trò nặn hình con giống được tổ chức. Cùng với đó, cuộc thi vuốt gốm theo lối cổ truyền đã làm sống lại không khí của làng gốm cổ, hơn 500 năm qua. Những nghệ nhân cao tuổi còn sót lại, như các cụ Nguyễn Lành, Nguyễn Thị Chiến, Nguyễn Thị Được, thực sự là niềm tự hào của xứ sở gốm Quảng Nam. Họ đã nhẫn nại dựng nghiệp cùng con cháu, hơn nửa thế kỷ qua, để vực dậy một sức sống mới cho làng gốm cổ Thanh Hà.
Công viên gốm Thanh Hà vào ngày hội, rước đèn lồng, mặt nạ và tranh gốm tạo nên một bức tranh sinh động về sự phát triển ngày một mạnh mẽ trên mảnh đất Hội An. Những sắc màu lung linh, qua chiếc đèn lồng đất quay tròn, tỏa lan khắp phố. Đó chính là những con mắt gốm chiếu rọi niềm vui đến với mọi người.
Bất ngờ ai đó, trong cuộc thi hát bài chòi, đã cất tiếng đối đáp rằng: “Lửa chi lửa rực sáng lòa. Nghề gốm, nghề gạch Thanh Hà là đây”. Những lá cờ hội tung bay trong làn gió ào ạt từ phía biển. Sóng nước cuộn trôi, khao khát với nỗi niềm phù sa, tràn về trên sông Thu Bồn.