Bài 3: Những khác biệt trong văn hóa cồng chiêng H’rê

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 16:06, 16/11/2017

Từ thực tế khảo sát những nghệ nhân như Y Đáy, Tiến sĩ Shine Toshihika và cộng sự Thuý Nga đã tìm hiểu về văn hoá cồng chiêng của cộng đồng H’rê và phát hiện nhiều đặc điểm khác biệt với các dân tộc khác.

Cồng chiêng H’rê - âm thanh tự do từ đại ngàn

Bài 2: Cồng chiêng H’rê - âm thanh của niềm vui không tên


Bài 3: Những khác biệt đặc trưng trong văn hóa cồng chiêng H’rê
Lễ mừng vào nhà mới của cộng đồng H’rê ở tỉnh Quảng Ngãi.

Thứ tự sắp đặt là bắt buộc duy nhất

Theo ghi chép của Tiến sĩ Shine Toshihika, 5 chiếc chiêng chính trong dàn cồng chiêng của cộng đồng H’rê có vị trí quan trọng, quyết định thành công có ảnh hưởng và gắn kết lớn. Bộ 5 chiếc chiêng chính do nghệ nhân chủ đạo được đặt gần vị trí của bộ 2 chiếc, trong trường hợp nếu vị trí của các nghệ nhân là vòng tròn thì chiếc gòn treo (chiêng lớn, có trọng lượng nặng như chỉ có tác dụng đệm âm thanh) sẽ đặt ở giữa, các nghệ nhân ngồi xung quanh trình diễn. 

Trường hợp ngồi theo hàng đối diện thì hai bộ 5 chiếc, 2 chiếc sẽ được ngồi gần nhằm tăng hòa âm.

Chỉ có điều là bộ 2 chiếc op và pla trong bộ hai chiếc làm nổi bật thêm cho tiếng vang của hai chiếc op, pla ở bộ 5 chiếc. Còn với 2 chiếc chiêng gon nhỏ thì có thể lẫn lộn vì nó có tác dụng tạo thêm độ ngân xa và đệm theo các bộ khác. Chiêng Gon lớn vị trí của nó là treo, mà thường là nó được đặt giữa nhà, không phụ thuộc vào vị trí các bộ khác trong đội đánh cùng hòa nhịp với nhau.

Trong cách đặt vị trí của bộ (cồng chiêng) của người H’rê thì vị trí của mỗi chiếc chính (cồng chiêng) trong một bộ cũng rất quan trọng, người nghệ nhân phải đặt đúng vị trí thứ tự của mỗi chiếc trong bộ chiêng, đây là bắt buộc duy nhất, nghệ nhân sẽ phải thứ âm tất cả các chiếc trong bộ để đặt đúng vị trí của mỗi chiếc. Để kiểm tra âm của các chiếc chinh (chiêng) thì người nghệ nhân phải phụ thuộc vào chiếc mình đang cầm trên tay, đây là chiếc có âm chuẩn theo cộng đồng H’rê dùng để chỉnh các cồng chiêng khác như lanenh, riri, pia…


Bài 3: Những khác biệt đặc trưng trong văn hóa cồng chiêng H’rê

Nghệ thuật chỉnh chiêng của các dân tộc Tây Nguyên rất cần những nghệ nhân dân gian am hiểu và cực kỳ nhạy cảm với âm thanh.

Với bộ hai chiếc thì chiếc được cầm trên tay là op như của bộ 5 chiếc và chiếc đặt ở dưới là pia, trong cách sắp đặt vị trí của các chiếc chính trong bộ 5 yêu cầu nghệ nhân phải có am hiểu về âm của các chiếc trong bộ mới có thể đặt đúng vị trí của các chiếc chiêng. Đây là trường hợp sử dụng dùi để đánh. Còn trong trường họp đánh bằng tay thì các chiếc chiêng được chia cho các nghệ nhân mỗi người đánh một chiếc và vị trí có thể không đổi.

Tỉnh Quảng Ngãi có một số đội cồng chiêng của tỉnh và các huyện gồm nhiều nghệ nhân và từng biểu diễn ở trong nước và nước ngoài như Đội Cồng chiêng người Kor ở huyện Trà Bồng..v.v… Tuy nhiên, dân tộc Kor chỉ đánh chiêng bằng tay, không hề sử dùng dùi như cộng đồng H’rê.

Theo Tiến sĩ Shine Toshihika, nghệ nhân Y Đáy có thể điều khiển 1 bộ 5 chiếc chiêng cùng lúc. Bà là người đánh nhịp điệu cho cả đội cồng chiêng. Bộ 5 chiếc này là các chiêng op, lanenh, pla, riri. Điều đặc biệt trong bộ chiêng chính của cộng đồng H’rê có 2 chiêng cùng tên với nhau, cùng âm và chỉ khác biệt về kích cỡ. Chiêng có kích cỡ nhỏ thì prang (tiếng vang chói), còn chiếc có kích lớn thì prơn (tiếng vang trầm).

Trong bộ 5 chiếc này tùy theo kích cỡ lớn nhỏ mà tiếng âm của chiếc chính có độ ha nhêq (vang cao), ha neq (trầm) khác nhau. Còn hai chiếc có kích thước lớn hơn nhưng tên gọi cũng như hai cái của bộ 5 chiếc là: op và pla. Đây là hai chiếc chính do một nghệ nhân điều khiến, nó giữ nhịp và tạo độ vang hòa theo nhịp của hai chiếc op, pla…

Ngoài ra còn bộ chiêng gon gồm 3 chiếc do 3 nghệ nhân điều khiển, được đánh bằng tay. Ba chiếc chiêng gon là 3 âm hòa cho tiếng vang xa hơn tạo nên một bản hòa tấu nhịp nhàng vang xa. Trong 3 chiếc gon thì có hai được cầm đánh còn một thì treo lên người nghệ nhân phải đứng đánh, với chiếc gon treo chúng ta có thể hiểu rằng chiếc này có đô âm vang rất xa so với hai chiếc gon cầm, vì mỗi lần đánh thành tiếng thì người nghệ nhân có động tác là “đu đưa” chiếc chiêng gòn này để tiếng vang càng xa hơn…


Đặc trưng cách đánh chiêng của cộng đồng H’rê


Trong khi những nghệ nhân đánh cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên khác có thể ngồi đánh, hoặc chiêng được treo trước ngực để đánh nhưng đối với cộng đồng H’rê, các nghệ nhân đánh bằng dùi, tựa như cải dùi đánh trống của Klôi (người Kinh).


Như vậy, ngoài cách đánh bằng tay thì người HRê có giảm bớt số lượng người đánh trong một lần đánh, mà dồn lại thành một bộ cho từng người với số người ít hơn và sử dụng cái dùi để đánh. Mặc dù chưa có minh chứng cụ thể, người H’rê có thể học cách đánh cồng chiêng theo kiểu này từ các dân tộc lân cận hay của cư dân miền xuôi.

Người H’rê có nhiều thay đổi trong cách đánh chiêng hơn so với các dân tộc Tây Nguyên khác. Trong trường hợp các nghệ nhân không sử dụng dùi thì thường dùng khăn để quấn tay lại để âm thanh không bị giảm đi, ngân rất xa.

(Còn tiếp)

Thanh Luận – Hoàng Long