Đề xuất xóa nợ thuế cho doanh nghiệp: Phải thận trọng để bảo đảm công bằng
Tin tức - Ngày đăng : 23:09, 18/11/2017
Theo dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, cá nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân được xác nhận đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự,... còn nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp sẽ được xóa nợ thuế. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc xóa nợ cần tiến hành một cách thận trọng nhằm bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp.
Hướng dẫn doanh nghiệp nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình (Cục Thuế Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Sửa đổi những bất cập
Nhiều bất cập trong Luật Quản lý thuế hiện hành sẽ được Bộ Tài chính sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) do Bộ Tài chính mới hoàn thành, lấy ý kiến, thì các khoản nợ thuế đã quá hạn 10 năm và cơ quan quản lý thuế “đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế” mà không thành sẽ được xóa nợ thuế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, đến thời điểm hiện tại, chưa có trường hợp nào đủ điều kiện được xóa nợ thuế vì có những khoản nợ thuế trên 10 năm, nhưng không thể xóa do không đáp ứng điều kiện. Nguyên nhân là doanh nghiệp đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước khi cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Thêm vào đó, quy định thời hạn 10 năm mới áp dụng xóa nợ thuế đối với các trường hợp này là quá dài. Bởi, các quốc gia trên thế giới thường áp dụng xóa nợ cho doanh nghiệp giải thể, phá sản sau từ 2 năm đến 7 năm. Vì vậy, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất bỏ cụm từ “áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế”. Thay vào đó, đối tượng được xóa nợ là các khoản nợ quá 5 năm kể từ hết thời hạn nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cuối cùng theo quy định.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định, trong hai năm tiếp theo kể từ ngày thực hiện xóa nợ, người sáng lập doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không được phép thành lập doanh nghiệp mới, trừ trường hợp đã thực hiện nộp đủ số tiền thuế theo quyết định xóa nợ vào ngân sách nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, thời kỳ trước, đặc biệt là trong giai đoạn 2007-2012, nền kinh tế trong nước gặp nhiều thách thức, áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô lớn, sản xuất - kinh doanh gặp không ít khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Khi kinh doanh thua lỗ hoặc bị điều tra, nhiều người nộp thuế đã không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục tạm ngừng kinh doanh, ngừng kinh doanh, giải thể. Số nợ thuế đã phát sinh từ trước thời điểm ngừng kinh doanh mặc dù đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng chưa được thu hồi liên tục tăng. Nguyên nhân được xác định là doanh nghiệp dù đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, nhưng tiền nợ vẫn “treo” trong sổ sách và không ngừng phát sinh tiền chậm nộp thuế.
Để giảm số nợ ảo thực tế không thể thu hồi, dự thảo của Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định: Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không còn đối tượng để thu và đã quá 5 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế thuộc trường hợp được xóa nợ.
Bảo đảm công bằng khi xóa nợ
Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ nợ thuế trung bình của các nước trong khối OECD là 21,5%, trong đó một số nước có tỷ lệ nợ thuế rất cao như Chi Lê (68,6%), Hy Lạp (132,7%),... Chỉ có khoảng 20/33 nước có tỷ lệ nợ thuế dưới 10%, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc... Để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng nợ thuế, một số nước đã thực hiện chính sách xóa nợ thuế cho những đối tượng không có khả năng thanh toán như đã chết, phá sản, mất tích... Tỷ lệ tiền thuế được xóa nợ trên tổng số nợ thuế của các nước cũng khác nhau, nhưng chủ yếu là khoảng 7-10%.
Qua nghiên cứu thực tế tình trạng nợ thuế của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đề xuất xóa 8.000 tỷ đồng nợ thuế, khoanh nợ hơn 6.700 tỷ đồng để tạm thời không tính tiền chậm nộp, xóa nợ 1.000 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp nhà nước… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến không đồng thuận với đề xuất này. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, có hai vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, xét ở góc độ thu thuế, không thu được nên xóa nợ. Thứ hai, nếu xét ở góc độ mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế, xóa nợ có thể gây bất bình đẳng, đặt ra tiền lệ xấu. Bên cạnh đó, cần cân nhắc khi xóa nợ với những doanh nghiệp thành lập mới, nhập khẩu ồ ạt hàng hóa với giá khai rẻ, sau đó giải thể, phá sản trước khi bị cơ quan thuế kiểm tra. Đây là hành vi trốn thuế, nhưng lại có thể được hưởng lợi từ chính sách xóa nợ thuế.
Dưới một góc nhìn khác, Tiến sĩ Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, các khoản nợ thuế mà Bộ Tài chính đề xuất xóa trước đây là những khoản nợ tại các doanh nghiệp đã phá sản, giải thể,... từ 90 ngày trở lên mà không có khả năng trả nợ, bởi có xóa hay không thì cũng không thể thu hồi. Nếu chỉ đơn thuần xóa món nợ thuế của những doanh nghiệp đã "chết" thực sự, nhìn chung sẽ không có bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, khi xóa nợ thuế, cần có thông tin cụ thể, tiêu chí rõ ràng để biết doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi từ chính sách này.