Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký: “Dạy văn là để cho các em hiểu đời, hiểu người và hiểu chính mình"
Tin tức - Ngày đăng : 13:14, 19/11/2017
Thầy giáo viết bằng chân nổi tiếng vì nghị lực và dạy giỏi. Ảnh:P.Q
“Năm nay tôi tròn 70 tuổi, sau bao năm gắn bó với bục giảng, điều tôi tâm đắc nhất trong sự nghiệp trồng người chính là những tình cảm đặc biệt của các thế hệ học trò dành cho mình. Điều hạnh phúc nhất của người thầy là nhìn thấy những thế hệ học trò trưởng thành, thành đạt, góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước”.
Thầy là một người thầy rất đặc biệt. Chính vì thế ngày đầu tiên thầy bước lên bục giảng hẳn cũng rất đặc biệt?
- Như tôi đã kể trong cuốn sách "Tôi dạy học", tiết đầu tiên tôi lên lớp là dạy bài “Gửi lòng con đến cùng cha” vừa được đưa vào phụ lục sách lớp 7. Ngày đó, tôi chưa nghĩ ra cách viết bảng, phải nhờ cô giáo trưởng tổ Văn lên viết hộ. Trong bài có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhưng sau tiết học đó, học sinh rất hào hứng. Mặc dù tôi không viết bảng được nhưng tiết học rất sôi nổi. Hết giờ rồi mà bài học vẫn còn dở dang, nhưng các em vẫn cứ muốn học tiếp...
Có kỷ niệm nào mà thầy không thể quên trong cuộc đời dạy học của mình?
- Trong quá trình giảng dạy, người thầy phải thực hiện 2 chức năng: Thứ nhất là truyền tải kiến thức và cùng học sinh khám phá kiến thức; thứ hai là chăm lo hun đúc tinh thần, làm sao cho học sinh thích học, hăng say học. Kỷ niệm tôi nhớ nhất là khi chọn giáo viên dự thi giáo viên giỏi toàn tỉnh Hà Nam Ninh, phòng giáo dục huyện chọn tôi đi.
Những người trong trường nói trường hết người rồi hay sao mà chọn thầy Ký? Còn thầy hiệu trưởng thì cho rằng tôi chỉ dạy được những học sinh quen, đi giảng ở tỉnh là dạy học sinh lạ, chắc chắn chỉ đạt được loại trung bình. Tôi rất lo lắng, áp lực nên chuẩn bị kỹ từ trước, tập trung vào bài giảng rất chu đáo. Kết quả là tôi đã đạt giải Nhất toàn tỉnh Hà Nam Ninh. Về nhà, ông hiệu trưởng đến chúc mừng và hỏi bí quyết giúp tôi thành công trong tiết giảng, tôi nói vui: "Chính nhờ câu nói của anh trước khi tôi đi đấy".
Vì sao thầy biến giờ văn thành niềm cảm hứng cho học trò?
- Về công tác chủ nhiệm thì tôi đã kể trong cuốn sách "Tâm huyết trao đời". Những mẫu chuyện đó tôi đã ghi lại hết trong cuốn sách này. Cuốn sách gồm 50 câu chuyện, 50 kỷ niệm, 50 mẫu sư phạm mà tôi muốn chuyển tải đến các thầy cô giáo. Chuyện dạy văn là để cho các em hiểu văn, hiểu đời, hiểu người và từ đó các em hiểu chính mình; có hành vi đúng, suy nghĩ đúng trên con đường đi tới tương lai. Giá trị nhân văn của văn chương nằm ở đó. Dạy văn chính là nuôi dưỡng tâm hồn.
Xin cảm ơn thầy.