Trắng trợn lừa đảo việc làm

Tin tức - Ngày đăng : 22:07, 19/11/2017

Đăng thông tin tuyển dụng trên rất nhiều trang web, mạng xã hội, giới thiệu người xin việc đi lòng vòng, thu tiền rồi lặn mất tăm…
Từ số điện thoại tuyển dụng trên mạng, mới đây, chúng tôi đến địa chỉ 235/28 đường Trục, phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM để phỏng vấn, nộp hồ sơ. Nơi phỏng vấn treo bảng Công ty 247 Sao Mai. Nói là công ty nhưng chỉ có 2 bàn làm việc với 4 người và vài cuốn sổ. Chỉ mất 3 phút phỏng vấn, thỏa thuận, một người phụ nữ cam kết sẽ giới thiệu chúng tôi đến làm việc tại rạp chiếu phim X với công việc soát vé.

"Vẽ" lòng vòng rồi… trốn

Theo thỏa thuận, tháng đầu tiên làm việc được nhận lương 5 triệu đồng, từ tháng thứ 2 trở đi sẽ nhận được lương và phụ cấp là 7,3 triệu đồng. Lương do rạp chiếu phim trả, có hợp đồng lao động (HĐLĐ) chính thức. Khi chúng tôi đồng ý với các điều kiện trên thì người phụ nữ này đề nghị nộp 480.000 đồng "tiền trách nhiệm" và công ty sẽ hoàn trả sau 1 tuần thử việc nếu không bỏ việc. Đóng tiền xong là hôm sau có đồng phục và nhận việc ngay. Hồ sơ chẳng cần gì ngoài CMND.

Tuy nhiên, khi đóng tiền thì một nhân viên nam lại cho biết đây chỉ là tiền thế chân đồng phục và hứa sẽ trả lại 100% sau khi làm đủ từ 30-45 ngày và viết giấy "cam kết nhân sự". Theo cam kết, người tìm việc sẽ "tự nguyện" đóng phí và số tiền này không hoàn lại. Sau khi thu tiền, người đàn ông viết địa chỉ đến số 141 đường 24A, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân cùng số điện thoại để nhận đồng phục.

Khi không tìm được số 141 đường 24A, chúng tôi gọi vào số điện thoại ghi trong giấy cam kết thì được hướng dẫn đến số 114. Tại đây có 2 người đàn ông tư vấn việc làm. Theo đó, người xin việc phải đóng thêm 200.000 đồng làm hồ sơ. Số tiền này cũng không được hoàn lại. Khi chúng tôi thắc mắc công ty ở quận Bình Thạnh nói là nhận việc ngay, sao vô đây chỉ để nhận đồng phục mà phải đóng thêm tiền thì người đàn ông trả lời: "Quay lại đó mà hỏi, trong này không biết ngoài đó hứa cái gì".

Trang-tron-lua-dao-viec-lam

Nhân viên tại điểm đóng tiền Công ty 247 Sao Mai

Cuối cùng, sau khi chấp nhận đóng tiền, người đàn ông ghi tiếp một phiếu "bảo lãnh nhân sự" và số điện thoại người quản lý tại điểm nhận việc và hẹn 3 ngày sau đến rạp CGV nhận đồng phục và đi làm. Giấy có dấu vuông của Công ty Tư vấn việc làm Thiên Hoàng Long. Ba ngày sau, chúng tôi đến nhận việc thì được hướng dẫn qua văn phòng đại diện Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thiên Hà tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Tại đây, chúng tôi bị đề nghị đóng thêm 70.000 đồng, sau đó tiếp tục được nhận giấy "bảo lãnh nhân sự" và hẹn 3 ngày sau nhận việc. Đến ngày nhận việc là 7-11, chúng tôi gọi vào số điện thoại thì được trả lời "chưa có việc". Ngay sau đó, chúng tôi quay lại địa chỉ Công ty Thiên Hà và 247 Sao Mai thì các nơi này đã khóa cửa và tháo bảng tên công ty.

Lừa không chừa một ai

Một nam sinh viên từ Thủ Đức, cũng theo giới thiệu trên mạng tìm đến Công ty 247 Sao Mai. Khi thấy nơi đây đóng cửa, nam sinh viên gọi điện hỏi lại thì được hướng dẫn đến số 180/11 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh để xin việc. Nơi đây treo bảng Công ty Tư vấn việc làm Thành Đạt và nhộn nhịp người ra vào. Thế nhưng, đến sáng 8-11, UBND phường 22 dán thông báo công ty này không có giấy phép hoạt động thì công ty lặng lẽ dọn đồ đi mất.

Sau khi Công ty Thành Đạt đóng cửa, vẫn còn nhiều người được hẹn từ trước đến tìm việc hoặc đến để đòi lại tiền vì không thấy công việc như đã hứa. Hai chị em N.T.T.H từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến xin việc, đã trải qua 3 lần đóng tiền mà không thấy việc đâu. Hai chị em mất 1,6 triệu đồng và mấy ngày đi lại cực nhọc.

Trang-tron-lua-dao-viec-lam

Giấy tờ, cam kết mà các công ty đưa cho người lao động

Theo nhiều người dân sống trong khu vực hẻm 180 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh thì Công ty Thành Đạt hoạt động hơn một tuần, mỗi ngày đều có rất đông người đến xin việc. "Phần đông là mấy người trẻ nhưng cũng có những người lớn, trung niên đến tìm việc. Có cặp vợ chồng lặn lội từ tỉnh xa, mất mỗi người đến 800.000 đồng. Nhiều người tội nghiệp lắm, tiền nong không có, còn bao nhiêu cũng vét hết. Người đủ tiền thì đóng 480.000 đồng, không đủ tiền thì bao nhiêu công ty cũng nhận để "giữ chỗ". Có em bị tàn tật, vất vả đến nơi còn mỗi 100.000 đồng cũng đóng luôn rồi sau đó không đòi lại được" - một người dân cho biết.

Qua tìm hiểu tại Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hầu hết các công ty này đều mới thành lập và vẫn đang hoạt động. Công ty 247 Sao Mai (thành lập ngày 13-10), Thiên Hoàng Long (thành lập ngày 3-11), Bảo vệ Thiên Hà (thành lập ngày 1-8), Thành Đạt (thành lập ngày 25-10)... 

Luật sư Lê Trọng Thêm (Công ty Luật LTT& Các cộng sự):

Cơ quan quản lý buông lỏng

Theo quy định tại Nghị định 52/2014/NĐ-CP, các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ giới thiệu việc làm phải đáp ứng 3 điều kiện cơ bản: trụ sở phải ổn định (nếu trụ sở thuê thì phải có hợp đồng thuê trên 3 năm); bộ máy phải bảo đảm có 3 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên và phải ký quỹ ngân hàng 300 triệu đồng để thanh toán các vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, công ty hoạt động dịch vụ việc làm phải công bố công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp phép hoạt động và phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước 15 ngày trước khi hoạt động chính thức. Việc các công ty hoạt động không minh bạch kéo dài xuất phát từ thực tế lượng người tìm việc rất lớn trong khi các trung tâm của nhà nước lẫn các công ty có uy tín chưa đáp ứng kịp. Ngoài ra, phải kể đến việc các cơ quan quản lý nhà nước không bao quát, kiểm tra không xuể...


Bài và ảnh: Đặng Bách (Người Lao Động)