Quận Hà Đông: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 21:01, 26/11/2017
Nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, đa số lao động sau thu hồi đất trên địa bàn quận Hà Đông có cuộc sống ổn định, phát triển. Cách làm này góp phần thúc đẩy cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, bảo đảm an toàn và trật tự xã hội.
Rau an toàn mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình tại phường Đồng Mai (Hà Đông). Ảnh: Tào Ngọc |
Ly nông nhưng không ly hương
Ngày nào cũng vậy, chị Nguyễn Thị Thu Huyền (40 tuổi), trú tại tổ dân phố 1, phường Văn Quán bận bịu với công việc trang điểm cô dâu, làm đẹp cho khách. Nhờ tay nghề vững, cửa hàng chăm sóc sắc đẹp của chị Huyền ở khu đất dịch vụ Mộ Lao (phường Mộ Lao) tuy không lớn vẫn được nhiều người tìm đến. Chị Huyền cho biết, từ khi không còn đất sản xuất nông nghiệp, nhiều lao động ở phường Văn Quán được hỗ trợ học nghề theo sở thích và nhu cầu. Nhận thấy nghề trang điểm có “đất sống”, chị đăng ký học và gắn bó với nghề nhiều năm nay.
“Nghề trang điểm mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình tôi ngày càng ổn định, các con có điều kiện học hành”, chị Nguyễn Thị Thu Huyền cho hay. Cùng với chị Huyền, hàng trăm lao động sau thu hồi đất ở phường Văn Quán học nghề trang điểm, nấu ăn, pha chế đồ uống, lái xe… đã tìm được việc làm với mức thu nhập trung bình từ 2,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Để cuộc sống của người dân không bị xáo trộn, phường Đồng Mai liên tục tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm cho nhân dân trước, trong và sau khi thu hồi đất; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ phát triển kinh tế gia đình. Trên tinh thần đó, nhiều người trong độ tuổi lao động tích cực học nghề và tìm được việc làm phù hợp. Nhiều gia đình chủ động chuyển sang kinh doanh, buôn bán, tự tạo việc làm.
Đối với những hộ còn một phần đất nông nghiệp, Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Đồng Mai đã phối hợp với các đơn vị chức năng mở nhiều lớp tập huấn, dạy nghề trồng rau sạch, hoa màu cho nhân dân, giúp các hộ có thể tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Sau quá trình thử nghiệm thành công, hàng chục hộ gia đình ở tổ dân phố 15, 16 và 17 phường Đồng Mai phát triển mô hình trồng rau an toàn, trồng hoa ly làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Đoàn Viết Tưởng, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Mai khẳng định, giải pháp hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ không chỉ giúp lao động sau thu hồi đất có việc làm mang lại thu nhập nuôi sống bản thân, gia đình, mà còn góp phần ổn định trật tự xã hội. Bởi lẽ, khi người dân ly nông nhưng không ly hương, tất yếu họ giữ được lối sống, nếp sống cùng các phong tục, tập quán tốt đẹp. Những yếu tố này được ví như “tường thành” chống lại sự thâm nhập của tệ nạn xã hội.
Đào tạo nghề theo nhu cầu
Theo thống kê, 14/17 phường thuộc quận Hà Đông có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi với hàng vạn lao động phải chuyển đổi việc làm. Với nhiều giải pháp đã triển khai, đến thời điểm này, 80% lao động bị thu hồi đất trên địa bàn quận Hà Đông có việc làm, cuộc sống tương đối ổn định. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, cao gấp 1,5 lần so với mức trung bình của TP Hà Nội và gấp 3 lần trung bình cả nước. Tỷ lệ thất nghiệp đô thị giảm còn 6,5%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình chung. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,3%, trong đó một số phường cơ bản không còn hộ nghèo.
Những kết quả quận Hà Đông đạt được trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống cho nhân dân được các cơ quan chức năng ghi nhận, đánh giá cao. Tuy vậy, quận Hà Đông vẫn còn nhiều lao động làm việc ở khu vực phi chính thức nên công việc thiếu tính bền vững, người lao động chưa được thụ hưởng đầy đủ chính sách an sinh xã hội.
Để giải quyết vấn đề này, bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Quán kiến nghị các đơn vị chức năng nghiên cứu mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện; tăng kinh phí hỗ trợ và kéo dài thời gian đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần thực thi giải pháp hỗ trợ việc làm cho lao động bị thu hồi đất sau khi học nghề.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Trọng Hữu, Phó Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Đồng Mai mong muốn các ngành, địa phương liên kết xây dựng hệ thống bao tiêu sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp ở khu vực có nhiều diện tích đất bị thu hồi. Đặc biệt, việc tổ chức dạy nghề phải đúng người, đúng đối tượng, phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng làm việc của người lao động, tránh tình trạng đào tạo ồ ạt, gây lãng phí.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Hà Đông cho biết, năm 2018, quận Hà Đông sẽ hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu cho 2.000 lao động, giải quyết việc làm cho 3.000 người; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,3%, giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 6%... Để đạt mục tiêu này, các ngành chức năng quận Hà Đông tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề; tạo điều kiện cho các hộ thuộc diện thu hồi đất vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh…