Bắc Ninh: Đảm bảo an toàn trường học và tiếp tục đổi mới, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục

Tin tức - Ngày đăng : 21:31, 03/12/2021

Đó là chủ đề mà ngành Giáo dục tỉnh Bắc Ninh đã đề ra trong năm học 2021 - 2022 nhằm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Bắc Ninh: Đảm bảo an toàn trường học và tiếp tục đổi mới, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục

Nhiều phương hướng đã được đề ra

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết năm học 2021-2022 toàn ngành tiếp tục thực hiện nghiêmtúc và có hiệu quảtrong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh về công tác giáo dục. Trong đó chú trọng đẩy mạnh đổi mới phương pháp, hình thức dạy học; tăng cường kỷ cương, nề nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục và dạy học.

Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục chuẩn bị các điều kiện và thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo kế hoạch; xây dựng trường chuẩn quốc gia; chỉ đạo bảo đảm an ninh, an toàn - xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.

Đồngthời,tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng cảnh quan trường học; công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong trường họcđặc biệt là dịch Covid-19; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý và dạy học.

Đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể…

Ông Nguyễn Hữu Bình, phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, theo đó các đơn vị cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với từng địa phương. Đặc biệt chú trọng việc phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài. Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các kỹ năng cần thiết nhằm thích ứng với dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa; xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến dùng chung, hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học, tăng cường khả năng tự học cho học sinh, sinh viên. Có phương án phù hợp chia sẻ với người học trong bối cảnh học sinh, sinh viên phải học trực tuyến tại nhà do ảnh hưởng của dịch bệnh; quan tâm đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học.

Đối với giáo dục mầm non: Triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 51/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 và chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025” theo Kế hoạch số 626/KH-BGDĐT ngày 30/6/2021 của Bộ GDĐT. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1; khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi. Từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, nhân viên nấu ăn và trình trạng nhóm lớp trẻ độc lập tư thục chưa được cấp phép.

Đối với giáo dục phổ thông: Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 1, lớp 2, lớp 6; chuẩn bị các điều kiện thực hiện dạy học môn Tin học và Công nghệ, môn Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022 - 2023; tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương và lựa chọn sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 3, lớp 7, lớp 10. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục bắt buộc đối với cấp tiểu học. Bảo đảm cung cấp kịp thời sách giáo khoa cho học sinh, kể cả học sinh khuyết tật thực hiện giáo dục hòa nhập, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học.

Đối với giáo dục thường xuyên: Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Xây dựng kế hoạch về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở; đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động; thực hiện kết hợp dạy văn hóa phổ thông với dạy nghề.

Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 17/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện và áp dụng các quy định của pháp luật về tự chủ trong giáo dục. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong giảng dạy và học tập. Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục các cấp học. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục.

Triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định của Trung ương và của Tỉnh. Tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế và tuyển dụng giáo viên, bảo đảm “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”. Có giải pháp phù hợp để hỗ trợ giáo viên, người lao động trong ngành Giáo dục bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là giáo viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập

Tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất trường học; thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục. Huy động các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục và thực hiện hỗ trợ học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tự do, không để bất cứ học sinh, sinh viên nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường huy động, thu hút các nguồn tài trợ, viện trợ, các dự án của các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, gắn với đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học; đẩy mạnh thực hiện các hình thức dạy, học trực tuyến qua mạng và trên truyền hình, nhất là trong tình hình phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường các hình thức hội họp, tập huấn, đào tạo bồi dưỡng trực tuyến qua mạng.

Cùng với đó để tạo động lực trong công tác giáo dục, đào tạo cần phát động và triển khai hiệu quả các phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong quản lý, dạy và học đảm bảo thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; kịp thời khen thưởng các tổ chức, tập thể, cá nhân có thành thích, sáng kiến trong quản lý, dạy và học, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn có thể kéo dài.

Với những phương hướng và nhiệm vụ giải pháp cụ thể mong rằng năm học 2021-2022 ngành Giáo dục tỉnh sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của Bắc Ninh trong những năm tới đây.

Mạnh Hà - Nguyên Hương