Vở kịch hát “Hà Nội xưa và nay”: Gắn kết tình yêu Hà Nội
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 23:10, 29/11/2017
Tối 30-11, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long sẽ ra mắt vở kịch hát “Hà Nội xưa và nay” tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô. Đây là sản phẩm nghệ thuật tập thể mà các nghệ sĩ của Nhà hát ấp ủ nhiều năm nay và cũng là con đường mà đơn vị nghệ thuật của Thủ đô muốn hướng tới để tiếp cận thị trường.
Các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long sẽ cùng tham gia trong "Hà Nội xưa và nay". (ảnh: một tiết mục trình diễn của Nhà hát) |
Gợi nhớ miền ký ức
NSƯT Tấn Minh – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, người chịu trách nhiệm nghệ thuật đồng thời cũng là một trong những nghệ sĩ tham gia biểu diễn trực tiếp trong chương trình cho biết, “Hà Nội xưa và nay” được ấp ủ từ nhiều năm nay. Nếu nói về giá trị thì đó là sự sáng tạo vô giá mà tập thể các nghệ sĩ của Nhà hát đã cùng nhau “xắn tay” thực hiện với hy vọng duy nhất tạo nên một thương hiệu nghệ thuật của Thủ đô mang màu sắc riêng. Chương trình “Hà Nội xưa và nay” là sự tổng hòa của nhiều loại hình biểu diễn: hát, múa, trình diễn, sắp đặt với một câu chuyện riêng được kể xuyên suốt. Bởi thế, những người thực hiện gọi “Hà Nội xưa và nay” là một vở kịch hát chứ không đơn thuần là một chương trình ca múa nhạc được sắp xếp riêng lẻ các tiết mục như thường thấy.
Theo nghệ sĩ Mạnh Tiến, người chịu trách nhiệm đạo diễn âm nhạc cùng nhạc sĩ trẻ Dương Cầm, “Hà Nội xưa và nay” gồm 3 phần: Hà Nội xưa, Hà Nội nay và Hà Nội của tương lai. Ở đó là những câu chuyện nối dài, gợi cho nhiều người nhớ về Hà Nội của một thời thanh bình, mộc mạc với những tiếng rao, tiếng tàu điện… Hà Nội xưa không chỉ đơn thuần mang đến sự hoài niệm mà nó gợi nhớ tới những nét đẹp văn hóa Tràng An, thông qua những di sản nghệ thuật như: xẩm chợ, hát ả đào... Các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long sẽ tái hiện lại những nét di sản ấy thông qua những tiết mục như: hát xẩm, ca khúc “đêm ả đào”, múa “thiền”...
NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cũng là nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp trong chương trình. |
Hà Nội nay và Hà Nội tương lai lại là những phác họa mạnh mẽ về những chuyển mình, thay đổi của Hà Nội với nỗ lực trở thành một đô thị văn minh, thanh lịch. “Câu chuyện Hà Nội với mạch dài cảm xúc để các nghệ sĩ nương vào đó sáng tạo và dàn dựng các tiết mục sao cho thể hiện được tinh thần của một vở kịch hát. Phần âm nhạc sẽ được chúng tôi phối lại toàn bộ để mang đến những sắc màu mới lạ trên cái nền quen thuộc”, nhạc sĩ trẻ Dương Cầm chia sẻ.
Vì là vở kịch hát đầu tiên của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, nên phần dàn dựng “Hà Nội xưa và nay” khiến nhiều người băn khoăn. Dù khá kiệm lời chia sẻ phần dàn dựng với mục đích mang đến sự bất ngờ cho khán giả, nhưng đạo diễn trẻ Hoàng Công Cường cũng tiết lộ đôi chút bí mật, đủ để kích thích sự tò mò. Theo lời đạo diễn trẻ, sân khấu của “Hà Nội xưa và nay” sẽ được diễn ra liên hoàn. Các nghệ sĩ khi xuất hiện cũng theo nhiều cách riêng chứ không theo kiểu xếp hàng từ “cánh gà” đi ra. Những người thực hiện còn có ý tưởng tạo mùi hương hoa sữa ngay tại hàng ghế khán giả để người xem cảm nhận rõ nét những nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội.
Cách tiếp cận mới ra thị trường
“Hà Nội xưa và nay” quy tụ 100% nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát, trong đó có những tên tuổi như: NSND Hoàng Anh Tú, NSƯT Thanh Thanh Hiền, NSƯT Khánh Hòa… và một số nghệ sĩ trẻ nổi bật như ca sĩ Khánh Linh, Ngọc Ký, Lô Thủy, Minh Thu, nhạc sĩ Dương Cầm... Ngoài ra, chương trình còn có sự góp mặt của những nghệ sĩ khách mời như đạo diễn Hoàng Công Cường, biên đạo múa Trần Ly Ly và ca sĩ Mỹ Linh. Hơn 20 tiết mục trong chương trình sẽ có những tiết mục dàn dựng mới hoàn toàn, cũng có một vài tiết mục là “đặc sản” của Nhà hát, từng giành những giải thưởng trong các kỳ Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc cũng như từng tham dự những liên hoan nghệ thuật quốc tế như tiết mục múa “Tễu”, “Thiền”...
Tiết mục xẩm của NSND Hoàng Anh Tú cũng được dàn dựng lại để đưa vào chương trình. |
NSƯT Tấn Minh cho biết, đến nay, các nghệ sĩ tham gia chương trình với mục đích chung tay vì sản phẩm nghệ thuật dành cho Thủ đô. Ngay cả những khách mời cũng không đòi hỏi về thù lao, bởi lẽ, với các nghệ sĩ sản phẩm này đúng nghĩa là “cuộc chơi nghệ thuật”. “Chúng tôi muốn mang “Hà Nội xưa và nay” ra thị trường để “đo” độ hưởng ứng của khán giả. Khi thị trường âm nhạc Hà Nội đang hội tụ nhiều “món ăn” thì có lẽ một dư vị vừa quen vừa lạ của vở kịch hát “Hà Nội xưa và nay” sẽ là sản phẩm nghệ thuật độc đáo đủ để lôi kéo những người yêu Hà Nội đến thưởng thức”, NSƯT Tấn Minh chia sẻ.
Trong bối cảnh nhiều đơn vị nghệ thuật nhà nước đang khá “loay hoay”, vật lộn khi ra thị trường thì cách làm của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long được xem như một sự mạnh dạn khi tự tìm cho mình hướng đi mới vừa đáp ứng thị trường, vừa không mất đi “bản ngã”.