Nhà thơ Bằng Việt
Tin tức - Ngày đăng : 07:44, 12/12/2017
Với người nổi tiếng, việc thoát khỏi cái bóng quá lớn của mình là không dễ, nhất là khi người đó, giống như truyện của Andersen, sống bằng chính cái bóng của mình. Không hẳn là anh ta không sản sinh ra được một cái gì đó. Đơn giản chỉ là vì nguồn cảm hứng sáng tạo trong anh không còn hoặc không đủ để anh làm ra một tác phẩm bằng hoặc vượt chính mình. Mà đấy là người nổi tiếng “tử tế” đấy!
“Oẳn tù tì”, từ lúc khơi nguồn đến khi hoàn thành bản thảo chỉ khoảng 3 tháng, từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2015, sau đó anh Bằng Việt chỉnh sửa, bổ sung, thậm chí còn loại bớt một vài bài để định hình ở con số 41. Các nhà thơ cũng hay thích một vài con số cầu hên lắm. Thì ngay tên gọi của tập thơ đã đầy may rủi rồi.
41 bài thơ trọn vẹn một khả năng sáng tác. Nhưng có một điều hoàn toàn cách biệt so với các tập trước đó, là có 38 bức ảnh minh họa đi kèm, cả ảnh bìa cũng là một bức ảnh 2 em bé gái miền núi đang chơi “một…hai…ba”. Những ai đã quá quen với bìa sách do các họa sĩ làm không khỏi cảm thấy bìa sách này nhiều màu và thực tế quá. Nhưng đấy chính là dụng ý của tác giả khi lấy cái thực của cuộc sống muôn màu muôn vẻ dựng thành văn chương. Các minh họa cũng vậy. Trong sách ta thấy Đảo Trường Sa Lớn cạnh bài Quốc gia biển. 3 năm trước, Bằng Việt đi thăm Trường Sa, khi về anh làm bài thơ này với bài “Internet giữa Trường Sa”. Lúc đó anh đã mong chúng ta phải là Quốc gia biển, thoát cái “…sức rướn tiểu nông chưa bật dậy xứng tầm” đi. Hay ở bài “Tư duy vỉa hè”, chuyện lát đá không hợp lắm với sinh hoạt người dân phố cổ thì báo đài đã nói từ lâu. Bây giờ người ta vẫn tiến hành. Bằng Việt làm thơ trước, “thôi xao” rất kỹ, xong vác máy ảnh ra Bờ Hồ chụp (tôi nói vác máy cho nó nhọc nhằn cái việc sáng tạo, chứ thực ra anh chụp ở “con di động”). Xem cái khấc giữa gạch và đá của một đoạn vỉa hè vì người ta mới chắp vá đến thế, mới thấy câu thơ “vẫn đội ngũ tham mưu – 15 năm hậu thuẫn/vòi vọi tầm cao tư duy vỉa hè” quá thực!
Bài “Chuyện khó tin về Marilyn Monroe” lại khác. 2 bức ảnh, một là cô đào lúc mới dựng ở Quảng Tây lộng lẫy như lúc là người tình của Tổng thống Mỹ; một đổ kềnh tơ hơ ở bãi rác, mới thấy tư duy vỉa hè ở Tàu cũng rứa. Ảnh minh họa bài “Thư giãn cùng hoang dã” là một cô gái trẻ xinh đẹp tóc dài da trắng nude giữa 2 con voi với chú thích “Lời kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã” khơi gợi lòng ta một triết lý nhân bản không gợn tà dâm. Chính đó là cái giỏi của Bằng Việt khi chọn ảnh này để có bài thơ với 3 phác thảo ngắn. Tôi xin trích Phác thảo 1: “Yếu đuối thừa tự tin,/ Hữu tình thừa vụng dại!/Tinh tế phô trần trụi,/Hoang dã phô hiền lành!”. Câu kết nói voi, câu trên kết nói người con gái trẻ. Tinh tế cặp với trần trụi, không ám dục, thì tinh tế quá còn gì!
Những bức ảnh khác đều cố gắng minh họa cho thơ, là một phần của thơ, để thơ đi thẳng vào cuộc đời như một mảng thực của nó. Và thơ Bằng Việt, ở tập này vượt những câu nệ khuôn thước để bộc lộ những tư duy chia sẻ, phản biện, hay đúc kết chiều sâu tư tưởng của anh. Chúng ta đều biết, Bằng Việt đã định hình ở thơ thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thơ dịch, thơ thời kỳ đổi mới. Thoát được lối sáng tác định hình nhưng vẫn giữ được hồn thơ quả không đơn giản. Nếu sa vào cách biểu hiện thì thể loại bất định, máy móc; nếu sa vào tư duy thì con chữ rối tung, “bất khả tri” – (chữ của Cant). Phải không quan tâm đến cái gì cả, mà chỉ vì công việc sáng tác, nhưng là một sáng tác lấy bạn đọc là phương hướng, lấy độc lập tri thức là tối thượng, câu thơ mới hấp dẫn và vẫn nói được một cái gì đấy về đời, về người, về đời sống sinh động và muôn mặt ở bên ngoài kia, cái mà nội tâm Bằng Việt cứ thường nhật mà day dứt.
Cho nên anh buồn. Cái việc “lực bất tòng tâm” làm một nhà thơ tên tuổi, một trong những đại biểu hàng đầu của thơ Việt Nam nửa thế kỷ qua ưu tư và chạnh lòng. Anh đã có nỗi buồn lớn lao cùng dân tộc thời những năm đánh Mỹ, một nỗi buồn trong vắt. Anh đã có nỗi buồn chia sẻ thời Hậu chiến, thời Bao cấp. Anh đã có nỗi buồn ngậm ngùi thời Đổi mới. Giờ đây, Bằng Việt vẫn buồn, nhưng là nỗi buồn chiêm nghiệm. Ai trong đời cũng đều phải có những trải qua nhất định giữa chung riêng, ta bạn, được mất, nhưng ở Bằng Việt, nó cứ đọng mãi trong tâm trí anh, và khi thoát ra thành thơ, thì thật là cảm động. Những bài thơ: Vài kỷ niệm về Lê Đạt, Trần Huyền Trân, Ân hận với Nguyễn Tuân, Trịnh Quý và tôi, Chia sẻ cùng nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hồn Trương Ba – da hàng thịt là những chuyện thực, nhưng mỗi câu chuyện đều làm ta phải tự vấn về lẽ sống, về ứng xử, hay thậm chí là cách sống. Còn “Những bài Ukraina 50 năm sau”, “Người tử tiết về Liên bang Xô Viết”, “Nguyễn Bá Thanh” là nỗi buồn cao thượng tỉnh thức. Tôi muốn dừng lại một chút ở bài “Hồn Trương Ba – da hàng thịt”. Năm 1968 Bằng Việt và Lưu Quang Vũ in chung tập “Hương Cây - Bếp Lửa”. 2 anh thân nhau từ đấy, chưa kể còn có mối gắn kết gia đình. Dù thơ và cách thức sống và suy lý khác nhau, nhưng cả hai rất nể phục nhau. Vở kịch nổi tiếng cả trong và ngoài nước của Lưu Quang Vũ nay được Bằng Việt lấy làm điểm xuất phát của cảm hứng. Nhà thơ đùa với nhà viết kịch như thể chuyện cách xa là ảo, chuyện thực là những tương đồng. Cái khổ của hồn là phải dựa vào thể xác, nhưng không phải xác nào cũng chứa được hồn, (hay tinh thần, hay tâm trí thì cũng vậy). Chuyện nội dung và hình thức, trong dân gian là Tiếng sáo Trương Chi, là chuyện Trương Ba,… khơi gợi lại ở trong thơ một vấn đề muôn thuở. Bài thơ buồn một phương cách suy lý.
Cũng phải nói là trong thơ Bằng Việt mới, cảm hứng tôn giáo chiếm phần đáng kể. Trước thơ anh hay lấy từ nhạc, phim, họa, văn chương, cảm xúc chân – thiện – mỹ với những gì đẹp đẽ, sang trọng và thuần khiết. Giờ thì anh, bằng xuất phát nhân bản, khơi nơi chúng sinh một lòng tin, một đức tin, phê phán cái ác, cái lạc hậu bằng tho và hình ảnh. Chùm bài “Hiếu sát ở Chùa Hương”, “Đến Phật còn phải đổ”, “Biến tấu về ngày tận thế” minh chứng cho điều đó.
Ở một chiều suy tư khác, bài thơ “Viết trước lời “Ai điếu” Mê Kông” muốn nói về quy hoạch thủy điện trên sông đã “lợi bất cập hại”, không những thế, nước lại thành một toan tính khác: “Bây giờ, đè nghiến dòng sông - là đập, đập, đập!/ Mấy chục “đập bậc thang” khiến sông hóa ao nhà!/ (Để đánh cược, gia ơn, khóa dòng…khi phát lệnh,/ Ép dòng chảy tội tình quên gốc gác bao la…)”. (Những ngày này đang chứng kiến một dự án cắt sông Hồng thành 6 con đập thủy điện. Cái tư duy ấy vẫn là tiểu nông, chỉ nhìn đến trán, không bao giờ hiểu được trời xanh). Cùng mạch nêu thảm họa thiên tai gây ra bởi con người tự hại còn có bài “Nếu băng tan đến độ”. Chua chát thay, khi “Trận Đại hồng thủy xa xưa lộn kiếp trở về…/ Ngồi trên con thuyền Nôê/ nhân loại khi ấy bấu víu vào đâu/ với mọi học thuyết, đảng phái và giáo lý”.
Khái quát lại về Thiên – Địa – Nhân, Bằng Việt muốn nối lại dòng suy ngẫm của mình có từ lâu, nhất là bài “Chấp theo lối cũ là không đúng”. Ở bài thơ lấy cảm hứng từ việc được sử ghi về Phật Hoàng Trần Nhân Tông, biểu cảm một lời khuyên răn. Nhưng có lúc con người phải đứng trên đôi chân của mình thật vững, rồi mới có thể giúp được cộng đồng, nhân loại, hay tất cả chúng sinh chứ. Bài “Cổ tích về người thấu thị” thuần lý kiểu Bằng Việt, mà với riêng tôi, là thật tâm đắc. Câu chuyện bắt đầu về một thày tu 3 năm ở chùa, lòng ham chưa thỏa, xin trụ trì cho đi học võ. Đây là cảnh giới thứ nhất về sức mạnh. Thành tài, thày võ khuyên nên đi học triết. Đây là cảnh giới cao nhất về tư duy. Học đến thành người nhìn được các sự vật hiện tượng thấu suốt, bèn nói với Thày: “…/ “Thày ơi, mắt con như kiếm sắc,/ Đủ bóc mẽ thẳng tưng mọi sự vật trên đời,/Này giáo lý, kinh cầu…, mọi “tô tem” trong bộ tộc/Thày cho con xé toang màn u tối ra thôi” nhưng chính thày lại khuyên điều tưởng như phi lý mà lại là minh triết: “/ Thày Triết ngồi Thiền, ngoảnh mặt lại cõi trần mê đắm,/Ái ngại bảo thày tu: “Tai vạ đến nơi rồi!/Con chọc đui mắt đi, trả giá cho Cái Biết,/Thành người hát xẩm mù, qua hết kiếp rong chơi…” – (Cái mạnh ưu thế đôi khi là dị biệt, khó hòa được với lòng đố kỵ, nhất là khi đố kỵ biến thành cái ác có quyền lực. Bài học cảnh tỉnh này đi với một bài học Hômerơ của lớp “trí thức tinh hoa” không phải là lời khuyên bình dân).
Bài kết “Chi chi chành chành” theo thể đồng dao hàm ẩn đa ý, đa nghĩa. Gớm ghê thay là cái bác đồng dao này. Mỗi lần xuất hiện, y như rằng nó gây một chú ý dư chấn. Tôi chỉ nói thế thôi, nhưng cái kết này là tâm trí “thấu thị”. Người của một thời “dàn hàng gánh đất nước trên vai” giờ vẫn như xưa, vẫn như một “Người lính thơ thời đại”!