Hà Nội gắn biển 4 di tích "12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không"

Tin tức - Ngày đăng : 10:34, 15/12/2017

Ngày 16-12 tới, tại Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội, Sở VH-TT Hà Nội sẽ tổ chức Lễ cắt băng khánh thành gắn biển lưu niệm 4 địa điểm bắn rơi máy bay Mỹ bảo vệ Hà Nội, giai đoạn 1965-1972.
ảnh 1

Các trận địa phòng không được lệnh sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội tháng 12-1972

4 địa điểm bắn rơi máy bay Mỹ bảo vệ Hà Nội giai đoạn 1965-1972 được gắn biển lưu niệm lần này gắn liền với chiến công của quân và dân Thủ đô. Trong đó cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh phòng không Hà Nội (nay là Sư đoàn Phòng không 361) làm nòng cốt đã đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đỉnh cao là chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội tháng 12-1972. Đó là trận địa Đại Đồng (Đại Mạch, Đông Anh); trận địa Thượng Thụy (Đức Thượng, Hoài Đức); trận địa Thanh Mai (Thanh Mai, Thanh Oai); trận địa Phú Thụy (Phú Thị, Gia Lâm).  

Tại 4 trận địa này, với cách đánh thông minh, được nghiên cứu kỹ lưỡng và có hệ thống, lực lượng phòng không Thủ đô đã bắn rơi nhiều “pháo đài bay” B52. Trận địa Đại Đồng (Đông Anh) - trận địa phòng không đánh trả các cuộc tiến công của không quân Mỹ từ hướng Đông - Đông Bắc, 4 “pháo đài bay” B52 bị bắn hạ, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ.

Trận địa Thanh Mai - trận địa phòng không đánh trả các cuộc tiến công của không quân Mỹ từ hướng Tây Nam, trong cuộc chiến 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, đã có 2 “pháo đài bay” B52 bị bắn hạ, trong đó có 1 chiếc rơi tại chỗ. Trận địa Phú Thụy (Gia Lâm) - trận địa phòng không đánh trả các cuộc tiến công của không quân Mỹ từ hướng Đông Nam đã có 3 “pháo đài bay” B52 bị rơi tại chỗ. 

ảnh 2

Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 77 Trung đoàn tên lửa 257 bắn rơi 4 máy bay B-52 tại Hà Nội trong 12 ngày đêm tháng 12-1972

Trận địa Thượng Thụy (Hoài Đức) - trận địa phòng không đánh trả các cuộc tiến công đường không của không quân Mỹ từ hướng Tây Bắc có 6 chiếc máy bay Mỹ bị bắn hạ, trong đó có 1 “pháo đài bay” B52. Đặc biệt, tại trận địa này, vào lúc 19h44 ngày 18-12-1972, Tiểu đoàn 78 đã phóng 2 quả tên lửa đầu tiên, mở màn chiến dịch phòng không bảo vệ Thủ đô. Tại mỗi trận địa đều ghi dấu tinh thần hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương. 

Chính vì thế, việc gắn biển lưu niệm các địa điểm bắn rơi máy bay Mỹ của Sở VH-TT Hà Nội lần này là một việc làm hết sức ý nghĩa, nhắc nhở mỗi thế hệ người Hà Nội nói chung và người dân Việt Nam nói riêng về một thời kỳ lịch sử đau thương nhưng hào hùng của Thủ đô. 


Chiến công của quân và dân Thủ đô 45 năm trước đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” chấn động cả thế giới. Ý nghĩa của các trận đánh ấy cần được các thế hệ nhắc nhớ đến mai sau để khơi gợi lòng tự hào, xây dựng niềm tin nhằm giúp mỗi người dân Hà Nội nói chung và mỗi cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn 361 khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. 

Thanh Xuân/ANTĐ