Nhân lực sẽ góp phần tạo nên luồng gió mới
Tin tức - Ngày đăng : 12:24, 15/12/2017
Hội thảo Môi trường kinh doanh quốc tế tại Việt Nam
Theo các chuyên gia tham dự hội thảo, hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, được xem là khá cởi mở trong giao thương và là nước có nền kinh tế hướng đến xuất khẩu mạnh mẽ nhất ASEAN.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Trưởng bộ môn Kinh doanh quốc tế ĐH RMIT, cho biết trong hai thập kỉ qua Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Tuy vậy, để thành công và hội nhập, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng Việt Nam phải giải quyết nhanh chóng hai vấn đề: thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vấn đề dân số chưa giàu đã già. “… Năm 2035, Việt Nam phải là nước phát triển trước khi dân số già, không thì chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào theo kịp nền kinh tế thế giới với xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và thành tựu khoa học kỹ thuật ngày một cao”.
Vậy đâu là giải pháp?
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, một trong những yếu tố quan trọng để hội nhập thành công và tạo dựng được môi trường kinh doanh quốc tế tốt là nguồn lực con người: “Nước nào dựa vào nguồn nhân lực do mình đào tạo ra thì thành công (như Nhật Bản, Hàn Quốc). Nước nào dựa vào tài nguyên để phát triển là thất bại”.
Hội thảo do đại học RMIT Việt Nam tổ chức có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu
Bên cạnh đó, để có thể kiến tạo nền kinh tế vững mạnh nhờ đứng trên “đôi chân” nguồn nhân lực của chính mình, các trường đại học trong nước cũng như quốc tế hoạt động tại Việt Nam cần có kế hoạch trang bị cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức cần thiết, và hiểu biết sâu sắc về các xu hướng kinh doanh trên toàn thế giới.
Trong hội thảo cùng chuyên đề được RMIT tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 11 vừa qua, ông Trần Du Lịch đã đánh giá cao môi trường đào tạo chuẩn quốc tế của RMIT Việt Nam - nơi hiện đang cung cấp nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, góp phần đáp ứng phần nào nhu cầu thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập và kỷ nguyên số.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung cho biết thêm, chương trình Kinh doanh quốc tế của RMIT đã và đang chú trọng phát triển kỹ năng quản lý qua các tình huống thực tế và phân tích các xu hướng kinh doanh trên thế giới cho sinh viên theo học ngành này. Sinh viên còn được tìm hiểu về luật quốc tế, marketing toàn cầu, khởi nghiệp và kinh tế vĩ mô bên cạnh việc tích lũy nền tảng kiến thức vững chắc về kinh tế, tài chính và quản trị. “Bằng những ví dụ thực tiễn và cập nhật, các giảng viên dày dạn kinh nghiệm sẽ dẫn dắt, giúp sinh viên làm quen với những mô hình kinh doanh cũng như môi trường làm việc quốc tế khác nhau. Đặc biệt, chương trình thực tập trực quan kéo dài 12 tuần sẽ cho các em cơ hội áp dụng những gì đã học vào môi trường làm việc mang tính quốc tế thực thụ”, Tiến sĩ Trung kết lời./.