Cần có những nghiên cứu văn hóa dân gian mang giá trị khoa học và tính nhân văn sâu sắc

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 16:48, 18/12/2017

Ngày 17-12, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập (1967-2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã đến dự.
Cần có những nghiên cứu văn hóa dân gian mang giá trị khoa học và tính nhân văn sâu sắc
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN


Hội những người sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy văn hóa - văn nghệ dân gian Việt Nam – gọi tắt là Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam họp Đại hội sáng lập vào ngày 21 và 22-11-1966 và được Bộ Nội vụ thay mặt Chính phủ ra Quyết định số 82/NV ngày 1-3-1967 công nhận. 

Khi được thành lập, Hội Văn nghệ dân gian là thành viên của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. 

Trong hơn 30 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, văn hóa văn nghệ dân gian nước nhà tiếp tục phát triển, đội ngũ nhà nghiên cứu và văn nghệ sỹ trưởng thành nhanh chóng. Hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian ngày càng phong phú. Tôn chỉ mục đích của Hội là “Sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã thực sự trở thành một trong những đội quân chủ lực góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa - văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc. 

Hiện nay, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam có trên 1.400 hội viên, số công trình do hội viên của Hội đã hoàn thành lên đến gần 4.000 công trình. Đặc biệt, được sự quan tâm của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, Dự án “Công bố, phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” được thực hiện. Trong 10 năm, Dự án đã xuất bản được 2.500 trong số gần 4.000 công trình đã nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam; trong số 2.000 đơn vị được thụ hưởng thành quả của Dự án, có hơn 400 đơn vị là các đồn bộ đội biên phòng, thư viện các huyện miền núi biên giới, hải đảo, các trường phổ thông dân tộc nội trú...

TTXVN