Diễn đàn Hội nhập Kinh tế quốc tế Việt Nam 2017

Tin tức - Ngày đăng : 23:01, 20/12/2017

Sáng 20-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế (Ban Chỉ đạo) tổ chức Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế (HNQT) dự và phát biểu ý kiến.
Diễn đàn Hội nhập Kinh tế quốc tế Việt Nam 2017
Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017: Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới. (ảnh. VOV)

Cùng dự có các đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo; Trần Tuấn Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Công thương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, địa phương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; hiệp hội doanh nghiệp (DN), tập đoàn, tổng công ty...

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo đã phối hợp các bộ, ngành tổ chức diễn đàn; đề nghị cần làm tốt hơn công tác dự báo, chủ động hơn trong HNQT. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã chủ động hội nhập, đạt được nhiều kết quả tích cực: kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, thu hút kỷ lục vốn đầu tư FDI; môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn, ứng xử của chủ DN FDI với người lao động ngày càng tốt hơn; thu hút mạnh khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; nhiều thị trường mới được mở ra; chúng ta đã cơ cấu lại nền kinh tế ở một số ngành, lĩnh vực…

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ các bất cập, tồn tại. Sức cạnh tranh chưa bắt kịp với hội nhập. Khu vực DN trong nước và các doanh nghiệp FDI chưa có sự liên kết hiệu quả. Nhận thức và hành động của một số ngành, địa phương, đặc biệt của người dân, DN về hội nhập chưa đầy đủ, nên hành động chưa đủ quyết liệt để chuyển tình thế phù hợp với HNQT.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT). Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, tư tưởng bảo hộ thương mại đang xuất hiện ở một số nước, Việt Nam vẫn quyết tâm HNKTQT, đồng thời cần tập trung phát huy nội lực.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần Việt Nam tự cường trong HNQT để vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội. Chính phủ Việt Nam coi HNKTQT là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ Chính phủ kiến tạo để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn. Những rào cản, thủ tục, chi phí không cần thiết cần sớm xóa bỏ. Chính phủ luôn xác định DN là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực DN tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để DN ngày càng phát triển. “DN mà có niềm tin thì sẽ phát triển”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến, phản hồi của các DN về các vấn đề chính sách để cùng tháo gỡ những khó khăn đối với DN. Tuy nhiên, cần thúc đẩy các DN chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các FTA để xây dựng phương án kinh doanh, sáng tạo vượt qua thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội từ HNKTQT.

Các DN nhỏ và vừa cần tăng cường liên kết thông qua các hiệp hội, ngành hàng để bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình cạnh tranh và đối phó những rào cản mới trong thương mại quốc tế. Trong thực thi các hiệp định FTA, Chính phủ sẽ có những biện pháp phù hợp với những lĩnh vực tạm thời còn khó khăn của nền kinh tế để từng bước vươn lên.

Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung triển khai Chương trình hành động về HNKTQT mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các phương diện. Phối hợp tốt hơn nữa giữa các BNĐP gắn liền với chương trình hành động trong cải cách, nhất là tạo điều kiện cho kinh doanh. Ban Chỉ đạo cần phát huy và tăng cường hơn nữa kết nối, điều phối các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả HNKTQT. Đặc biệt, cần rà soát các thỏa thuận HNKTQT, nhất là cam kết trong các FTA; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế; phối hợp chặt chẽ các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về HNKTQT để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập.

Trong đó, tập trung nghiên cứu các vấn đề mới như tác động của việc tham gia các FTA thế hệ mới, xu hướng chuyển dịch trọng tâm hợp tác trong các khung khổ khu vực và toàn cầu như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, tác động của tình hình kinh tế chính trị thế giới tới tiến trình HNKTQT của Việt Nam...

Cần đẩy mạnh công tác dự báo, không để Việt Nam rơi vào thế bị động, bất ngờ trong HNKTQT. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về tình hình hội nhập và có những hướng dẫn cụ thể để DN và người dân nắm bắt, hiểu biết và có hành xử đúng trong hội nhập. “Tiến trình hội nhập nói chung, đặc biệt là HNKTQT cần phải có quyết tâm cao, với sự sáng tạo, nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành”, Thủ tướng nêu rõ.

Tại diễn đàn, Thủ tướng kêu gọi và hoan nghênh sự ủng hộ, hợp tác của các đối tác và cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

* Sau phiên khai mạc, diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung HNKTQT của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để Việt Nam tiếp tục hội nhập thành công theo các chủ đề: Tổng quan tiến trình HNKTQT của Việt Nam: Hành trình vươn ra biển lớn; Việt Nam trước những xu thế trong kinh tế và thương mại quốc tế; Nâng cao hiệu quả HNKTQT trong bối cảnh hiện nay.

Tin, ảnh: Hà Thanh Giang/Nhandan