Mức tăng thuế thuốc lá bao nhiêu là phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá

Tin tức - Ngày đăng : 17:31, 26/12/2017

Một trong các nhóm giải pháp được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, tăng thuế thuốc lá là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm sử dụng thuốc lá và qua đó giảm thiểu được gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây ra và tiết kiệm cho xã hội một khoản chi phí đáng kể.
Mức tăng thuế thuốc lá bao nhiêu là phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá
Gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây ra 


Tại Việt Nam, theo điều tra năm 2015, tỷ lệ nam giới  hút thuốc là 45,34% (trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc), hút thuốc lá gây ra các tổn thất lớn về sức khoẻ và kinh tế. Theo thống kê tại Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc là 96,8%. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cũng cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Cùng với các tổn thất về sức khoẻ, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các tổn thất về kinh tế và là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam cho thấy năm 2015, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá là 31 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sửa dụng thuốc lá gây ra là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm.

Mức tăng thuế thuốc lá bao nhiêu là phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá

Tác hại của thuốc lá

Thuế thuốc lá thấp, giá thuốc lá rẻ tại Việt Nam là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hút thuốc lá cao tại Việt Nam. Theo luật thuế hiện hành, thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá bằng 70% giá xuất xưởng. Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN và rất thấp so với các nước phát triển (tại Thái lan thuế thuốc lá là 670% giá xuất xưởng). Chính vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc loại rẻ nhất so với trên thế giới và trong khu vực. Giá trung bình một bao Malboro 20 điếu ở Việt Nam chỉ vào khoảng 1,1 USD, chỉ cao hơn một chút so với giá ở Campuchia (khoảng 1 USD) và thấp hơn rất nhiều so với tất cả các nước còn lại trong khu vực ASEAN. Trong khi thuế và giá thuốc lá còn thấp, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam không ngừng gia tăng trong những năm qua nên so với tương quan thu nhập, giá thuốc lá đang ngày càng trở nên dễ mua hơn, sức mua thuốc lá của người dân ngày càng gia tăng. Từ năm 2005 đến 2016 thu nhập danh nghĩa theo đầu người (GDP) đã tăng gấp 4,7 lần trong khi giá thuốc lá chỉ tăng 2,2 lần. Phân tích sức mua thuốc lá bằng chỉ số “Giá thuốc lá tính theo phần trăm thu nhập quốc dân trên đầu người” cho thấy, nếu như năm 2005 người dân phải bỏ 9% thu nhập để mua 100 bao thuốc lá Vinataba 20 điếu, thì tỷ lệ này đã giảm dần và đến năm 2016 người dân chỉ còn phải bỏ ra 4,3% thu nhập để mua 100 bao thuốc lá cùng loại.

Ngày 18/6/2012, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định: Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Ngày 25/1/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 229/2013/QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”, nêu rõ mục tiêu đến năm 2020 là giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới từ 47,4% xuống 39%; tức là giảm 6,3% so với năm 2015. Kinh nghiệm quốc tế cũng như khuyến cáo của Ngân hàng thế giới, Tổ chức Y tế thế giới cho thấy thuế là biện pháp quan trọng nhất, có hiệu quả nhất, đóng góp tới 50-60% vào việc giảm tỷ lệ hút thuốc.

Mức tăng thuế thuốc lá bao nhiêu là phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá

Thanh niên tuyên truyền về tác hại thuốc lá

Phương án 1 áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá 75% và bổ sung mức thu tuyệt đối thêm 1.000 đồng/bao 20 điếu Việc bổ sung thuế suất tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá theo kinh nghiệm các nước sẽ có hiệu quả cao hơn trong việc phòng ngừa sử dụng thuốc lá trong giới trẻ và người nghèo thu nhập thấp, giúp giảm khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá hiện có trên thị trường nội địa,  giúp hạn chế việc chuyển giá giữa nhà sản xuất và các công ty phân phối. Các cơ quan thu thuế dễ dàng hơn trong việc thu thuế từ các công ty thuốc lá, vì thuế suất tuyệt đối sẽ tính trên số lượng bao thuốc lá bán ra trên thị trường, góp phần làm minh bạch trong quá trình thu thuế. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới, nếu bổ sung thuế suất tuyệt đối chỉ là 1000 đồng/bao vào năm 2020 thì tỷ lệ hút thuốc sẽ chỉ giảm được 1,6% vào năm 2020 còn rất thấp so với mục tiêu của Chính phủ là giảm 6,3% vào năm 2020, đồng thời nguồn thu của Chính phủ sẽ chỉ tăng khoảng 3.949 tỷ đồng vào năm 2020. Cũng theo tính toán của các chuyên gia, cần cân nhắc bổ sung thuế suất tuyệt đối ở mức càng cao càng tốt, cụ thể: Nếu thu 2.000đồng/một bao vào năm 2020 thì nguồn thu của Chính phủ sẽ tăng khoảng 6.352 tỷ đồng vào năm 2020, tỷ lệ hút thuốc ước sẽ giảm được 3% vào năm 2020. Nếu thu 5.000 đồng/ một bao vào năm 2020. Với phương án này thì nguồn thu của Chính phủ sẽ tăng khoảng 10.800 tỷ vào năm 2020, tỷ lệ hút thuốc ước sẽ giảm được 6.5% vào năm 2020.  

Về phương án 2: tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình: từ ngày 01/01/2020 tăng từ mức thuế suất 75% lên 80%; từ ngày 01/01/2021 tăng từ mức thuế suất 80% lên mức 85%. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế khuyến cáo không nên thực hiện phương án này vì việc áp dụng riêng thuế theo tỷ lệ và tiếp tục tăng thuế theo tỷ lệ sẽ tiếp tục làm gia tăng khoảng cách về giá giữa các loại sản phẩm thấp cấp  và cao cấp, làm các sản phẩm thấp cấp  phổ biến trên thị trường nội địa, đồng thời với đề xuất mức tăng thuế chỉ 5% cho mỗi lần tăng thuế không có tác động tới việc  giảm tiêu dùng thuốc lá.

Ngày 25/1/2017, Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình đã yêu cầu: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng.

Đăng Chung