Lương hưu lao động nữ: Đã hứa xin chớ nuốt lời!

Tin tức - Ngày đăng : 10:58, 29/12/2017

Với những thiệt thòi, nhiều người lao động băn khoăn rằng liệu có nên thay đổi suy nghĩ từ đóng BHXH để hưởng lương hưu sang hưởng BHXH một lần?
"Tôi thật sự không hiểu lý do tại sao từ ngày 1-1-2018, quyền lợi của lao động nữ (LĐN) bị cắt giảm và thời gian đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa (75%) phải kéo dài đến 30 năm? Điều này quá thiệt thòi cho LĐN. Rất nhiều người không đồng tình với sự thay đổi đột ngột này, trong đó có cả các bộ, ngành liên quan. Vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong kỳ họp vừa rồi nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn chưa có động tĩnh gì? Chỉ còn vài ngày nữa là bước qua năm mới, tôi mong Quốc hội sớm có quyết định chính thức để trả lại công bằng cho LĐN" - bà Nguyễn Thị Lệ Bằng - giáo viên Trường Tiểu học Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TP HCM), không giấu được lo lắng khi ngày 1-1-2018 đã gần kề.

Sốc càng thêm sốc

Trước thông tin đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời chính thức về việc có dừng thực hiện khoản 2, điều 56 Luật BHXH hay không, chị Nguyễn Thị Vân, công nhân (CN) Công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), bộc bạch: "Tôi thấy Luật BHXH rất "buồn cười". Khi mời gọi người lao động (NLĐ) tham gia thì hứa hẹn sẽ được hưởng 75% lương hưu khi đóng BHXH đủ 25 năm đối với LĐN và 30 năm đóng với lao động nam nhưng sau đó lại tự ý thay đổi. Làm sao có thể chấp nhận chuyện chỉ sau một đêm, lương hưu đã bị giảm đến 10%?".

Luong-huu-lao-dong-nu-Da-hua-xin-cho-nuot-loi

Lao động nữ sẽ chịu nhiều thiệt thòi nếu quy định về tỉ lệ lương hưu không được sửa đổi Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chị Vân và rất nhiều đồng nghiệp ở công ty băn khoăn rằng với những thiệt thòi như vậy, liệu họ có nên thay đổi suy nghĩ từ đóng BHXH để hưởng lương hưu sang hưởng BHXH một lần hay không? "Chúng tôi rất nóng lòng chờ đợi sự điều chỉnh hợp lý từ Quốc hội, giống như lần điều chỉnh điều 60 Luật BHXH trước đây" - chị bày tỏ.

Khi dư luận rộ lên chuyện giảm lương hưu LĐN từ ngày 1-1-2018, là người bị tác động bởi chính sách, chị Phan Thị Mỹ Lý, CN Công ty Mía đường Tây Ninh, đã bày tỏ ý kiến không đồng tình và mong các cơ quan chức năng sớm sửa đổi. Thế nhưng, đến nay, khi chỉ còn vài ngày nữa là hết năm nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng có động thái gì, chị Mỹ Lý thổ lộ: "Sự im lặng này càng làm cho chúng tôi bị sốc hơn. Lương hưu của tôi rất thấp, nếu bị giảm phần trăm theo cách tính mới thì không còn bao nhiêu. LĐN gặp nhiều khó khăn hơn nam giới trong việc tiếp tục theo đuổi công việc khi lớn tuổi. Dư luận đã không đồng thuận thì cơ quan chức năng phải xem xét lại thấu đáo và phản hồi kịp thời để tránh gây bức xúc cho NLĐ".

Ở góc độ người sử dụng lao động, bà Phan Thị Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong, cho rằng đối xử với LĐN như vậy là thiếu công bằng. Luật BHXH điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mà không có lộ trình thì chắc chắn sẽ tác động mạnh đến LĐN. "Tôi và nhiều anh em CN thiết tha mong Quốc hội sớm có nghị quyết tạm hoãn thực hiện chính sách này" - bà Minh Thu nói.

Đừng để NLĐ rời bỏ BHXH

Cách tính lương hưu của LĐN theo Luật BHXH thay đổi đột ngột ngay trong năm 2018 chứ không có lộ trình như nam giới, dẫn đến những LĐN đóng BHXH dưới 30 năm có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nhưng nghỉ hưu năm 2017 (cao nhất lên đến 10%). Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của LĐN.

Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM), cho rằng nếu không sửa luật thì sẽ gây tâm lý bất an cho NLĐ, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cũng như chính sách an sinh xã hội của đất nước. "Tôi được biết Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội xem xét ra nghị quyết tạm dừng thực hiện khoản 2, điều 56 và khoản 2, điều 74 Luật BHXH. Thế nhưng, đến nay, Quốc hội vẫn chưa ban hành nghị quyết về vấn đề này. Tôi đề nghị vẫn áp dụng cách tính lương hưu đối với LĐN từ ngày 1-1-2018 như hiện tại" - ông Kiệt đề xuất.

Theo ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Triple (huyện Củ Chi, TP HCM), LĐN là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi khi vừa làm việc ngoài xã hội vừa phải đảm đương thiên chức làm mẹ. Việc cắt giảm tỉ lệ hưởng lương hưu đối với LĐN quá đột ngột là sự bất bình đẳng, không thể chấp nhận được. "Nếu không quan tâm sửa Luật BHXH, chúng ta đừng trách NLĐ rời bỏ mạng lưới an sinh xã hội. Tôi mong Quốc hội xem xét, ra nghị quyết giãn lộ trình thực hiện điều 56 Luật BHXH từ 10 - 20 năm" - ông Hải nhấn mạnh.

Là người sâu sát NLĐ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 12, TP HCM - cho rằng sự thay đổi về cách tính tỉ lệ lương hưu đối với LĐN từ năm 2018 trở đi là quá đột ngột. Vừa qua, LĐLĐ quận đã ghi nhận nhiều ý kiến của NLĐ về vấn đề này.

Bà Nga băn khoăn: "Chúng tôi thông tin cho NLĐ biết những bất cập ấy đã được UBND TP HCM và các bộ, ngành chức năng, Chính phủ ghi nhận, trình phương án đề xuất Quốc hội điều chỉnh, đề nghị họ bình tĩnh chờ đợi. Thế nhưng, năm 2018 đã cận kề, NLĐ rất nóng lòng mà Quốc hội vẫn chưa nói gì khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn trong công tác vận động, thuyết phục họ. Tôi mong Quốc hội sớm cho NLĐ câu trả lời để họ yên tâm làm việc và tiếp tục cống hiến cho xã hội". 

Nhóm PV/NLĐ