Tổng Công ty Đầu tư Hà Thanh: Xây dựng công trình khi chưa được cơ quan chức năng cho phép?
Tin tức - Ngày đăng : 13:25, 05/01/2018
Ngày 2/11/2017, Công ty Việt mỹ ký Hợp đồng chuyển nhượng tài sản số 01/2017/HĐ với Tổng Công ty Hà Thanh, theo đó tài sản gắn liền với đất đã chuyển nhượng là: Toàn bộ khối lượng mặt bằng đã san lấp 5.000m2; nhà văn phòng xây thô; trạm biến áp (chưa qua sử dụng); hệ thống tường rào vây quanh lô đất. Tổng giá trị chuyển nhượng là 500.000.000 đồng. Tuy nhiên, Hợp đồng chuyển nhượng trên chưa được công chứng, chứng nhận theo quy định của pháp luật. Ngày 28/8/2017, Công ty việt Mỹ có công văn số 68/2017/CV/VM trả lại khu đất trên.
Tổng Công ty Đầu tư Hà Thanh xây dựng công trình khi chưa được cơ quan chức năng cho phép
Theo kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, hiện khu đất trên đã được xây dựng các hạng mục công trình như: nhà xưởng sản xuất, nhà điều hành, nhà kho, nhà xe, bàn cân điện tử, trạm trộn, cầu xe – băng tải, bể nước, ao xử lý nước, sân bê tông, cổng vào. Việc Tổng Công ty Hà Thanh đang sử dụng tài sản trên vào mục đích sản xuất kết cấu kiện bê tông và trạm trộn là trái với mục đích sử dụng mà UBND tỉnh Thanh Hóa cho Công ty Việt Mỹ thuê tại Quyết định số 3923/QĐ-UBND ngày 5/12/2008.
So với hợp đồng chuyển nhượng tài sản thì hầu hết toàn bộ tài sản gắn liền với đất là do Tổng Công ty Hà Thanh tự ý đầu tư xây dựng để phục vụ hoạt động sản xuất cấu kiện bê tông và trạm trộn khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng, vi phạm pháp luật về xây dựng.
Một góc trạm trộn bê tông của Tổng Công ty đầu tư xây dựng Hà Thanh
Liên quan đến nội dung này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Việc Tổng Công ty Hà Thanh tự ý mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền hàng năm và sử dụng tài sản tại khu đất nói trên để đưa vào hoạt động sản xuất cấu kiện bê tông và trạm trộn khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và cho thuê đất là vi phạm pháp luật về đất đai”.
Ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo nội dung của Nghị quyết thì tất cả các cơ quan Nhà nước phải tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải “thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật,… tôn trọng pháp luật”. Có nghĩa là Nhà nước tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật.
Tổng Công ty Hà Thanh tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng các hạng mục công trình trên đất khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng vẫn đầu tư, sản xuất là vi phạm pháp luật, không tôn trọng pháp luật, làm việc theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu” tự ý làm, khi bị cơ quan chức năng phát hiện mới xin phép.
Việc để xảy ra vi phạm trên còn liên quan đến trách nhiệm trong quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, môi trường của UBND huyện Triệu Sơn và UBND xã Dân Lực. Bởi lẽ các cơ quan này đã không kịp thời phát hiện, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm của Tổng Công ty Hà Thanh.
Báo Người Hà Nội tiếp tục thông tin đến bạn đọc!