Quan niệm "từ thiện" của tướng Hiệu
Du lịch - Ẩm thực - Ngày đăng : 07:33, 13/12/2021
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu dâng hương tại đền thờ ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phòng, tỉnh Quảng Trị 2019.
Một buổi trưa, tôi được Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu mời ở lại ăn trưa cùng ông và bạn bè. Rất giản dị, “có gì ăn nấy vui là chính” - tướng Hiệu nói.
Khi tôi đứng dậy chuẩn bị sắp bát đũa ở ngăn dưới của tủ đứng, vô tình, mắt tôi chạm phải tấm biển từ thiện của Hội Phật giáo Việt Nam. Tôi vô tư hỏi: “Sao ông không treo tấm biển này lên tường cho mọi người dễ dàng nhìn thấy mà để ở trong góc tủ?”
“Ồ, không cần đâu! Với tôi làm từ thiện đơn giản lắm!”.
Và thế là câu chuyện “từ thiện” được mở ra.
Tướng Hiệu nói: “Từ thiện với tôi chỉ đơn giản là làm việc tốt. Từ thiện là làm việc tốt xuất phát từ lòng thương người, là giúp đỡ những người yếu thế, kém may mắn. Điều ấy xuất phát từ sự tự nguyện, xuất phát từ cái tâm mà ra”
Với ông, từ thiện đúng nghĩa là bản thân mong muốn làm việc “cho đi” mà không mong hồi đáp.
Nếu có khả năng thì ta làm việc lớn như rất nhiều người đã và đang làm tốt. Ngày nay khi cuộc sống trở nên khá giả hơn thì có nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động từ thiện. Điều ấy là vô cùng quý giá bởi "lá lành đùm lá rách". Tuy nhiên, không nhất thiết là phải cứ có tiền mới làm được từ thiện.
“Trước đây, tôi làm từ thiện chỉ có mình biết. Từ thiện với tôi là không có lý do. Vì vậy, không cần ai biết. Đó là nhu cầu tự thân thôi thúc khi nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh. Điều ấy là tự nhiên nên đâu cần động cơ, mục đích gì. Chỉ cần làm việc thiện đó không phạm pháp, thì tôi làm” - tướng Hiệu nói.
Ngừng lại một lát, ông tiếp: “Sau này tôi nghĩ khác một chút. Tôi muốn giáo dục cho con cháu, cho những người thân hiểu về ý nghĩa của việc từ thiện. Tôi muốn thông qua việc làm từ thiện để dạy chúng về lòng trắc ẩn, về tấm lòng từ bi để giúp chúng hình thành nhân cách tốt. Muốn chúng tiếp thu điều ấy thì bản thân người lớn phải là những tấm gương để chúng noi theo. Thế nên, sau này khi làm từ thiện tôi đã để chúng biết mình làm gì, ở đâu, cụ thể ra sao.”
Vào những dịp kỷ niệm ngày Quốc phòng toàn dân, ngày Thương binh Liệt sĩ hằng năm ông đều tham gia tích cực công tác thiện nguyện. Đặc biệt vào ngày giỗ trận tại các chiến trường xưa, ông cùng phu nhân và nhiều cựu quân nhân lên đường làm công tác tri ân đồng đội, Mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ. Hằng năm, những ngày giáp Tết, ông bận rộn với việc giúp đỡ, hỗ trợ, tham gia các chuyến đi trao quà Tết cho học sinh nghèo.
Ngày 27/7 hằng năm là ngày sinh nhật ông nhưng suốt 72 năm tướng Hiệu chưa một lần tổ chức lễ sinh nhật mình. Thay vào đó, ông tổ chức các chuyến đi dọc đất nước để tri ân đồng đội. Năm 2019, do có đại dịch, ông bà mới ở lại Hà Nội và tổ chức bữa tiệc sinh nhật đầu tiên trong đời mình ở tuổi 73.
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu và đoàn viếng đài liệt sĩ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị 2019.
Những công việc từ thiện ông làm rất hiệu quả. Năm 2003, ông đã kêu gọi các nhà hảo tâm và có đóng góp một phần tài chính nhỏ của mình để xây đài tưởng niệm ở Gia Bình, Gio An, Quảng Trị; kêu gọi xây dựng đồi Gio An 82 - nơi kỷ niệm trận đánh lịch sử năm 1967; xây dựng đền thờ và khu tâm linh tại cao điểm 31 Phúc Xá Cửa Việt - nơi từng có 1 tiểu đoàn đã hy sinh; các khu tưởng niệm ở Ngô Xá Tây, Triệu Phong, Quảng Trị, Thanh Hương giáp Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Trong số các công trình này có công trình lớn nhất là Trung tâm hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội ở Thành cổ Quảng Trị. Đặc biệt ông còn kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các cựu chiến binh trong và ngoài quân đội xây dựng khu tưởng niệm gần 2500 liệt sĩ, có đền thờ và gắn bia 2500 liệt sĩ của Trung đoàn 27 - Triệu Hải, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Gần đây nhất khi quê hương Hải Hậu bị dịch Covid-19 hoành hành, có nhiều gia đình khó khăn, y tế tỉnh thiếu cơ sở vật chất, ông đã đứng lên kêu gọi được 2 doanh nghiệp hỗ trợ gửi tiền trực tiếp về tỉnh để trang bị cơ sở vật chất, giúp đỡ bệnh nhân Covid-19 kịp thời.
Tướng Hiệu kể: “Tôi thấy day dứt vì không thể giúp đỡ tất cả những hoàn cảnh khó khăn. Sức người có hạn, nhất là ở cái tuổi này. Tuy nhiên, tôi vẫn làm trong khả năng của mình để hỗ trợ một phần mang lại những hiệu quả nhất định”.Theo ông, làm từ thiện không nhất thiết phải giàu có, dư dả về mặt tài chính: “Khi không có tiền mặt, công tác từ thiện vẫn có thể thực hiện bằng cách đóng góp vật chất đơn giản như sách báo, quần áo cũ... Không có vật chất thì có thể góp bằng công sức, phụ giúp các hoạt động từ thiện. Với tôi, dâng hương tại các khu tưởng niệm cũng là hoạt động tốt từ tâm; viết sách cũng là hoạt động hướng thiện mang tính nhân văn”.
Viết sách là cách tướng Hiệu để lại cho đời sau những kinh nghiệm quý giá. Đó là một kho báu kiến thức đa dạng từ nghệ thuật quân sự tới khoa học về môi trường, đến những giải pháp cho thiên tai, địch họa (nội xâm và ngoại xâm) và những triết lý sống thông thái từ chính trải nghiệm của ông. Ông đã trực tiếp viết và xuất bản 9 cuốn sách, trong đó bao gồm những cuốn như Vị tướng với mùa thu vàng, Vị tướng thành Nam, Vị tướng 9 năm ở nhà con Rồng… và cuốn thứ 10 ông đang thực hiện Một số vấn đề nghiên cứu về Quốc phòng Việt Nam.
Ông quan niệm: “Thêm một bữa ăn cho ai đó, tạo điều kiện cho họ nương nhờ, giúp một người khuyết tật qua đường, giúp người mù tả về khung cảnh bình minh hay hoàng hôn, để họ có thể tưởng tượng trong tâm trí của mình về thiên nhiên… thì cũng chính là làm điều tốt lành rồi. Mang lại niềm vui cho người khác, thì suy cho cùng cũng là cho chính mình”. Bất cứ ai, dù giàu hay nghèo đến cỡ nào, cũng đã và đang nhận “từ thiện” của vũ trụ và thiên nhiên. Đó là nguồn oxygen dồi dào miễn phí. Mẹ thiên nhiên đã quá hào phóng ban tặng cho loài người, cho nên “người với người sống để thương nhau” và làm từ thiện là cội nguồn cho cuộc sống thêm bội phần ý nghĩa.
Trước khi kết thúc buổi nói chuyện, tướng Hiệu từ tốn nói với tôi nhưng cũng như nói với chính mình: “Khi làm điều tốt, có thể vì điều ấy quá nhỏ bé nên không thể làm cho người khác cảm nhận sự khác biệt, không thể thay đổi được hoàn cảnh của họ lâu dài. Thế nhưng ít nhất tại thời điểm đó, khoảnh khắc đó làm cho họ cảm thấy tốt đẹp hơn lúc trước, thì cũng chính là ta đã tích đức đó thôi!”
Sau những gì được biết về vị tướng này, tôi phải thú nhận, rằng “ông ấy thật “giàu có!”. “Giàu có” ở đây không phải về mặt vật chất, mà đó là về mặt tâm hồn. Ai đó đã từng nói rằng “muốn biết một người giàu có hay không hãy nhìn vào cách họ đối xử với mọi người”. Theo nghĩa này, thì chẳng phải tướng Hiệu là một con người giàu có hay sao?