Quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018: Đổi mới để bảo đảm an toàn, văn minh

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 02:09, 22/01/2018

Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi hình ảnh phản cảm, bạo lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018. Trước yêu cầu này, nhiều địa phương đã tích cực, chủ động lên phương án đổi mới cách thức tổ chức, đồng thời siết chặt công tác quản lý nhằm đem lại một mùa lễ hội văn minh, an toàn, tiết kiệm, giàu ý nghĩa.
Quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018: Đổi mới để bảo đảm an toàn, văn minh
Suối Yến đã được nạo vét, khơi thông dòng chảy, sẵn sàng cho mùa lễ hội 2018. Ảnh: Bá Hoạt

Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng

Là một trong những nơi đầu tiên triển khai kế hoạch tổ chức lễ hội năm 2018, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương 2018 Nguyễn Văn Hậu cho biết: Đến nay, về cơ bản công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Suối Yến đã được nạo vét, khơi thông dòng chảy; hạ tầng giao thông từ thị trấn Đại Nghĩa xuống khu vực chùa Hương được mở rộng gấp đôi, góp phần hạn chế ùn tắc cục bộ. Hệ thống nhà vệ sinh công cộng miễn phí được sửa chữa, bổ sung và thay mới; người dân trong khu vực diễn ra lễ hội được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng làm du lịch… Các phần việc còn lại như sơn thuyền, phân luồng giao thông, sắp xếp hàng quán… sẽ hoàn thành trước ngày 2-2 (15 tháng Chạp năm Đinh Dậu). Đặc biệt, để không tái diễn hiện tượng chen lấn, tranh cướp lộc, Ban Tổ chức đã họp với Ban Trị sự chùa Hương, đề nghị không phát lộc tại lễ hội. 

Quyết tâm đẩy lùi bạo lực, hành vi phản cảm, cải thiện hình ảnh lễ hội trong mắt du khách, Ban Tổ chức Lễ hội đền Sóc năm 2018 đã quyết định đẩy sớm thời gian hành lễ cũng như thay đổi hình thức rước lễ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội đền Sóc năm 2018 Lê Hữu Mạnh, phần lễ sẽ tiến hành từ 6h45 và không rước lộc qua đền Thượng, đền Hạ, đền Mẫu như các năm trước. Thay vào đó, Ban Tổ chức đã họp bàn với các làng để có hình thức lễ tạ phù hợp, bảo đảm giữ nghi thức truyền thống mà không gây mất an ninh, trật tự, nguy hiểm cho người tham dự cũng như làm thay đổi tính chất, ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội.

Dù còn hơn 3 tháng mới diễn ra lễ hội, song Ban Tổ chức Lễ hội chùa Thầy đã bắt đầu lên phương án chuẩn bị. Các phần việc chính gồm: Khôi phục nghi thức tế lễ của các thôn trong xã, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tạo điểm nhấn cho phần hội; lập kế hoạch phân luồng giao thông; lắp đặt nhà vệ sinh công cộng, duy trì mạng wifi miễn phí; quản lý trật tự hàng quán; lập biển chỉ dẫn các điểm tham quan cũng như lên phương án ngăn chặn triệt để tình trạng đeo bám, làm phiền du khách… đã rốt ráo triển khai.
Năm nay, Lễ hội Đống Đa cũng được lên kịch bản sớm, từ việc phân luồng giao thông, chuẩn bị bãi đỗ xe đến giám sát, ngăn chặn việc bán hàng rong, tổ chức cờ bạc trá hình, bói toán..., sẵn sàng cho ngày khai hội sáng mùng 5 tháng Giêng năm Mậu Tuất.

Trong khi đó, nhiều quận, huyện, dù không có lễ hội lớn vẫn chủ động xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội. Các nhiệm vụ được lưu ý đặc biệt là bài trừ mê tín dị đoan, ngăn chặn nạn cờ bạc, hành vi bạo lực, phản cảm…

Trả lại ý nghĩa đích thực cho lễ hội

Quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018: Đổi mới để bảo đảm an toàn, văn minh
Lợi dụng trò chơi để đánh bạc vẫn xảy ra ở nhiều lễ hội trong năm 2017. Ảnh: Linh Ngọc

Để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm Mậu Tuất, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo về thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, yêu cầu Giám đốc Sở VH-TT, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã… phân công cán bộ trực tiếp theo dõi diễn biến trong lễ hội trên địa bàn nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội, đặc biệt với lễ hội lớn. Sở VH-TT Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố lập đội kiểm tra liên ngành, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thời gian trước, trong và sau lễ hội; tổ chức gặp mặt đại diện chính quyền những địa phương có lễ hội lớn để bàn giải pháp khắc phục hạn chế trong mùa lễ hội trước với mối quan tâm chung là xóa bỏ nạn đeo bám, chèo kéo khách… 

Năm nay, cơ quan quản lý tiếp tục “nói không” với những hội chọi trâu không là lễ hội truyền thống. Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động khẳng định: Phải ngăn chặn những vấn đề tiêu cực để trả lại ý nghĩa đích thực của lễ hội. Những hoạt động khơi dậy lòng tham như tranh cướp lộc, đốt vàng mã quá nhiều… cần loại bỏ. Khi thay đổi hình thức hành lễ, đơn cử như bỏ nghi thức rước lộc, phát lộc…, địa phương phải thỏa thuận với cộng đồng cũng như có phương án thay thế phù hợp để không làm giảm ý nghĩa tâm linh.

Nói về vấn đề thay đổi nghi thức rước lộc, phát lộc, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Huy bày tỏ: “Chúng ta nên hoan nghênh vì bản chất lễ nghi ở đền Gióng là người dân làm lễ và rước lễ lên đền, bày tỏ niềm tôn kính với đức thánh. Tất cả nghi thức đều có sự thay đổi so với xưa, nhưng không được thay đổi bản chất. Cướp lộc không phải là nghi thức truyền thống mà là mới phát sinh. Theo tôi, sau khi tế lễ, nên để giò hoa tre trong đền, coi đó như lễ vật, hết hội thì hóa, đồng thời có giải pháp ngăn chặn việc độc quyền lễ vật để tránh hệ lụy khác”.

Đồng tình nhận xét trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình cho rằng: “Những chuyện dở khóc, dở cười ở nhiều di tích là hệ quả của việc một bộ phận người dân có cái nhìn chưa đúng về tục đi lễ đầu năm, coi đây là dịp để “hối lộ thánh thần”, tranh giành “lộc rơi, lộc vãi”… Những hành vi không chuẩn mực đã và đang làm biến tướng, giảm đi phần nào giá trị, ý nghĩa của phong tục tốt đẹp, nếu không được chấn chỉnh, định hướng kịp thời sẽ có nguy cơ loang rộng, ngấm sâu, làm thay đổi tính chất, ý nghĩa lễ hội. 

Cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền các địa phương, người dân cũng cần trang bị cho mình kiến thức, tâm thế khi tham gia lễ hội nhằm góp phần đẩy lùi những hành động vô ý thức, hành vi phản cảm, bạo lực… làm phai nhạt nét đẹp văn hóa, đi ngược lại truyền thống của dân tộc. 

Thanh Thủy/HNM