Giảng viên thỉnh giảng sẽ có nhiều cơ hội như giảng viên cơ hữu?

Tin tức - Ngày đăng : 12:09, 29/01/2018

Theo dự thảo thông tư mới, chỉ tiêu của các trường ĐH bao gồm tính cả toàn bộ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng với một tỷ lệ giới hạn.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Các tiêu chí trong dự thảo thông tư mới có một số thay đổi so với thông tư hiện hành, chẳng hạn bỏ hoàn toàn tiêu chí quy định quy mô sinh viên (SV) chính quy tối đa của cơ sở giáo dục ĐH.

Nội dung thay đổi nhiều nhất so với quy định hiện hành là các nguyên tắc xác định chỉ tiêu, theo hướng tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH. Theo đó, các trường ĐH tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các tiêu chí được quy định, công bố công khai và chịu trách nhiệm giải trình về chỉ tiêu tuyển sinh, các tiêu chí, chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.

Giảng viên thỉnh giảng sẽ có nhiều cơ hội như giảng viên cơ hữu?
Theo dự thảo thông tư mới, chỉ tiêu của các trường ĐH bao gồm tính cả toàn bộ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng với một tỷ lệ giới hạn. (ảnh minh họa)

Tính cả thỉnh giảng vào việc xác định chỉ tiêu

Theo quy định hiện hành, các trường chỉ được căn cứ vào số lượng giảng viên (GV) cơ hữu để xác định chỉ tiêu (cùng với các tiêu chí khác như diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo, quy mô sinh viên chính quy tối đa).

Còn dự thảo này cho phép được tính cả toàn bộ GV cơ hữu và GV thỉnh giảng với một tỷ lệ giới hạn, trừ các ngành đào tạo giáo viên. Cụ thể, số lượng GV thỉnh giảng quy đổi tối đa được xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo khối ngành.

Với khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, riêng các ngành đào tạo giáo viên trường không được tính GV thỉnh giảng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, còn đối với ngành khoa học giáo dục thì tính tối đa bằng 5% tổng số GV cơ hữu quy đổi. Tỷ lệ 5% này cũng được áp dụng cho hầu hết các khối ngành còn lại, trừ khối ngành nghệ thuật tỷ lệ này là 30%. Trường hợp số lượng GV thỉnh giảng quy đổi thấp hơn quy định thì các trường xác định chỉ tiêu theo số GV thỉnh giảng thực tế đã quy đổi.

Đào tạo tiến sĩ được xác định theo ngành

Chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ được xác định theo ngành đào tạo đối với các đại học, học viện, các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học có đào tạo trình độ tiến sĩ (gọi chung là cơ sở giáo dục đại học).

Chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ tối đa theo ngành của cơ sở giáo dục đại học được tính bằng quy mô đào tạo tối đa theo năng lực đội ngũ giảng viên cơ hữu ngành phù hợp cộng với số nghiên cứu sinh dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm trừ đi số lượng nghiên cứu sinh đang đào tạo của ngành đó.

Chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ tối đa theo ngành của cơ sở giáo dục đại học được tính bằng quy mô đào tạo tối đa theo năng lực đội ngũ giảng viên cơ hữu ngành phù hợp.

Số lượng nghiên cứu sinh, học viên cao học tối đa trên 1 giảng viên cơ hữu được tính như sau:

a) Đối với cơ sở giáo dục đại học:

Chỉ tiêu
Giảng viên cơ hữu ngành phù hợp
GS
PGS
TS
Chỉ tiêu nghiên cứu sinh tối đa trên 01 giảng viên
5
4
3
Chỉ tiêu học viên cao học tối đa trên 01 giảng viên
7
5
3

b) Đối với Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ:
Chỉ tiêu
Giảng viên cơ hữu ngành phù hợp
GS
PGS
TS
Chỉ tiêu nghiên cứu sinh tối đa
3
2
1

Dự thảo thông tư thêm một nội dung mới quy định về nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo giáo viên. Theo đó, căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH, CĐ, trung cấp vừa tuân theo quy định chung vừa phải theo nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo và địa chỉ sử dụng nhân lực của địa phương, các tổ chức giáo dục, có các minh chứng kèm theo.

VOV