Ngành Giáo dục Thủ đô Hà Nội: Quan tâm rèn đức, luyện tài cho các thế hệ tương lai
Tin tức - Ngày đăng : 14:43, 05/02/2018
Năm 2017, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục “gặt hái” nhiều kết quả tích cực về mọi mặt. Chất lượng giáo dục không ngừng đổi mới phát triển chuẩn hóa, hiện đại hóa; học sinh Thủ đô giành nhiều thành tích ấn tượng trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế… Nhân dịp đầu xuân mới, phóng viên báo Người Hà Nội có buổi trò chuyện với TS. Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để hiểu thêm nỗ lực phía sau những “thành quả” này cũng như nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội tr
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
PV: Thưa ông, trong năm 2017 vừa qua, ngành giáo dục Thủ đô đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đó?
TS. Chử Xuân Dũng: Với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ GD & ĐT, UBND Thành phố Hà Nội, ngành GD & ĐT Hà Nội đã tích cực, chủ động, triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được những kết quả toàn diện. Kết quả, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2017, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng, với 146 giải, trong đó có 11 giải Nhất, tạo tiền đề cho việc lựa chọn, xây dựng các đội tuyển học sinh giỏi tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.
Đặc biệt, tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2017, học sinh Hà Nội đã đạt được những thành tích xuất sắc, nổi bật, giành được 138 giải và Huy chương (39 Huy chương Vàng, 42 Huy chương Bạc, 44 Huy chương Đồng, 13 Bằng khen). Đây là thành tích tốt nhất từ trước đến nay của các đoàn học sinh giỏi Thủ đô, dẫn đầu cả nước, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Thành phố Hà Nội và xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Giáo dục Thủ đô đã tích cực, chủ động đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế với nhiều hoạt động mang lại hiệu quả giáo dục cao.
Với những kết quả đã đạt được trong năm 2017, ngành giáo dục Hà Nội, các đơn vị, trường học và nhiều cá nhân là giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành đã được Đảng, Nhà nước, Bộ GD & ĐT, Thành phố ghi nhận, biểu dương và trao tặng những danh hiệu, phần thưởng xứng đáng. Thành tích đã đạt trong năm vừa qua của ngành giáo dục đã được ghi nhận là sự kiện tiêu biểu trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2017. Từ đó tiếp tục khẳng định sự cố gắng, quyết tâm phấn đấu của ngành GD & ĐT Thủ đô trong việc nỗ lực cố gắng phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, tạo những bước chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả giáo dục, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
PV: Để có được những thành tựu đó, lãnh đạo và cán bộ, nhân viên ngành giáo dục Thủ đô đã thực hiện như thế nào thưa ông?
TS. Chử Xuân Dũng: Trong những năm học vừa qua, ngành GD & ĐT Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hà Nội xác định nhiệm vụ then chốt là tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2017 - 2022 của toàn ngành là nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thiết thực, bám sát thực tiễn.
Ngành GD & ĐT Thủ đô đã phối hợp với các sở ban ngành tham mưu cho Thành phố ban hành Quyết định số 2315/QĐ-UBND, ngày 17/4/2017 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Điểm mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức (trước đây, Hà Nội đã tập trung và làm tốt công tác bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và viên chức). Nhờ vậy, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Đây là yếu tố giữ vai trò then chốt, góp phần tạo nền tảng cho ngành GD & ĐT Hà Nội phát triển bền vững.
Bên cạnh đó ngành giáo dục Thủ đô còn đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đổi mới mạnh mẽ cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục tăng cường mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, các cơ sở giáo dục nước ngoài, tranh thủ tối đa hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ.
PV: Được biết, bên cạnh việc giáo dục, truyền tải kiến thức, các thầy cô giáo tại các nhà trường trên địa bàn Thủ đô cũng rất quan tâm đến công tác rèn luyện đạo đức, lối sống, văn hóa của người Hà Nội cho các em học sinh. Công tác này được cụ thể hóa như thế nào?
TS. Chử Xuân Dũng: Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội là một trong những nét riêng của giáo dục Thủ đô. Năm 2017, Hà Nội tiếp tục triển khai giảng dạy đại trà bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội" nhằm hướng dẫn kỹ năng sống có văn hóa cho học sinh phổ thông, định hướng và chỉ dẫn hành vi cá nhân trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử thanh lịch, văn minh cho các em. Từ việc dạy và học bộ tài liệu, học sinh Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, lối sống, ứng xử, giao tiếp… góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học sinh.
Bước vào năm học 2017 - 2018, Sở GD & ĐT Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức dạy thí điểm bộ tài liệu chuyên đề “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông Thành phố Hà Nội”. Theo kế hoạch, bộ tài liệu sẽ được giảng dạy thí điểm tại 6 quận, huyện trên địa bàn Thành phố là quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm và các huyện Đông Anh, Thanh Trì và Gia Lâm. Thời gian thực hiện dự kiến bắt đầu từ học kỳ II năm học 2017 - 2018. Có thể nói, đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh Thủ đô, góp phần hạn chế học sinh vi phạm pháp luật về ATGT.
PV: Thưa ông, để duy trì và phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được, trong năm 2018 này ngành giáo dục Thủ đô sẽ có kế hoạch và định hướng hoạt động như thế nào?
TS. Chử Xuân Dũng: Năm 2018, cùng với việc tập trung thực hiện tốt 9 nhiệm vụ trọng tâm, 5 nhóm giải pháp của năm học 2017 - 2018, toàn ngành cần chú trọng triển khai có hiệu quả, sáng tạo và đổi mới những nội dung sau: Tập trung rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng trường Chuẩn quốc gia, tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất để phục vụ các hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Chú trọng đến việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên và nâng cao kỹ năng quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý.
Đồng thời, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Hà Nội sẽ chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về GD & ĐT nhằm tranh thủ các nguồn lực, vận dụng có chọn lọc và sáng tạo kinh nghiệm các mô hình giáo dục tiên tiến đi đôi với phát huy nội lực, giữ vững bản sắc dân tộc, độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa; bổ sung học liệu, biên soạn các bộ tài liệu giảng dạy tại các trường phổ thông. Cụ thể như bổ sung tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh; giáo dục ATGT cho học sinh phổ thông Hà Nội; Đề án nâng cao năng lực tiếng Anh của học sinh Hà Nội,...
PV: Xuân Mậu Tuất 2018 đang đến gần, qua báo Người Hà Nội ông có muốn chia sẻ và gửi gắm điều gì đến các thầy cô giáo và các em học sinh Thủ đô không?
TS. Chử Xuân Dũng: Năm học 2017 - 2018 là năm thứ 7 thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 27-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Kế hoạch 140/KH-UBND của UBND Thành phố thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Tôi mong muốn và tin tưởng toàn thể đội ngũ nhà giáo Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp, luôn nêu cao tấm gương đạo đức trong sáng của người thầy, cùng quyết tâm, thống nhất hành động để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; các em học sinh Thủ đô tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, thanh lịch, văn minh, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, sẵn sàng để trở thành những công dân toàn cầu, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Ngành GD & ĐT Thủ đô quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 và các chỉ tiêu công tác của Thành phố đã đề ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!