Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng: Người “vẽ bằng ánh sáng”
Thơ - Ngày đăng : 14:42, 09/02/2018
Tôi tìm đến căn gác nhỏ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng ở phố Trần Quốc Toản trong một chiều cuối năm. Lão nghệ sĩ đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu. Ở tuổi 100, dù trí nhớ không còn như xưa nhưng khi nhắc đến chặng đường mà mình đã đi qua lão nghệ sĩ vẫn tràn đầy cảm xúc…
Men say từ thuở hoa niên
Đó là những năm 1935, khi ấy Lê Vượng mới 17 tuổi. “Hồi ấy, cậu ruột tôi mua lại hiệu ảnh của cụ Khánh Ký, nên cứ rảnh rang tôi lại đến hiệu ảnh của cậu. Hè năm 18 tuổi, tôi được cậu cho đi chơi ở Lào, Campuchia và cả Thái Lan” – Lê Vượng nhớ lại. Mê mẩn cảnh đẹp kỳ thú ở những nơi mình đã qua, Lê Vượng quyết định mua máy ảnh cùng mấy cuộn phim để lưu giữ cảnh sắc ấy. Kết thúc chuyến đi, hai cậu cháu đã in một cuốn sách trong đó phần lời do người cậu viết, còn ảnh do Lê Vượng chụp. Và men say với “nghệ thuật vẽ bằng ánh sáng” cũng đã ngấm vào Lê Vượng kể từ ngày đó. Sau này, trong những năm kháng chiến khi về dạy học ở Thanh Hóa, Lê Vượng còn mở hiệu ảnh “Việt Nam ảnh quán” để phụ gia đình vượt qua khó khăn đồng thời giúp ông giữ được niềm đam mê nhiếp ảnh…
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng - Ảnh: Đặng Thủy
Năm 1954, Hà Nội giải phóng, Lê Vượng về làm biên tập và sáng tác ảnh tại NXB Mỹ thuật – Âm nhạc. 8 năm làm việc ở đây, ông đã rong ruổi khắp mọi vùng miền trên cả nước. Những tác phẩm ông chụp trong thời gian này đã được in trong nhiều bộ bưu ảnh, sách ảnh nghệ thuật. Sau này, khi Viện Bảo tàng Mỹ thuật được thành lập (năm 1962), ông được điều về với nhiệm vụ xây dựng hệ thống tư liệu ảnh phục vụ cho nghiên cứu mỹ thuật. Vậy là Lê Vượng lại tiếp tục mải miết với những chuyến đi điền dã nghiên cứu thực địa tại các di tích cổ. Biết bao cuốn phim, biết bao bức ảnh ông chụp về đình, chùa, miếu, lăng, tẩm… trong thời gian này vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như một minh chứng cho những giá trị văn hóa của nước Việt.
Vẽ bằng ánh sáng
Lê Vượng bảo rằng, đến với nghề ảnh ông chịu ảnh hưởng nhiều từ họa sĩ Lê Phổ cũng là cậu ruột của ông. Họa sĩ Lê Phổ hơn Lê Vượng 10 tuổi nhưng hai cậu cháu lại vô cùng thân thiết. Hồi còn nhỏ, ông thường sang phòng Lê Phổ xem cậu vẽ tranh, cùng cậu đi mua toan, mua màu, mua phim. Những mảng màu, đường nét, hình khối; những chuyện trò về nghề đã in đậm trong tâm trí của cậu bé Lê Vượng để rồi khi cầm máy những khoảnh khắc được ông ghi lại ít nhiều đều mang yếu tố hội họa. Những tác phẩm “Thu hồ Gươm”, “Bến sông Hồng”, “Lán nghỉ”, “Lúa thì con gái”, “Ngày mùa”, “Tần tảo”, “Hạt nắng”, “Tịch mịch”, “Vô đề”… là một ví dụ. Dù ảnh màu hay đen trắng, dù chụp đồng quê hay chốn thị thành, dù chụp phong cảnh hay tĩnh vật thì Lê Vượng đều cho thấy một góc nhìn rất riêng, rất hội họa.
Có người nói rằng tâm hồn của Lê Vượng là sự hòa hợp tư chất của hai họa sĩ bậc thầy là họa sĩ Lê Phổ và họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Nếu như họa sĩ Lê Phổ “giúp ông từ tuổi hoa niên nhận ra vẻ đẹp của những vệt màu ấn tượng, đài các, quý phái” thì họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung lại cho ông “thói quen cẩn trọng trong nhận thức, tư duy thẩm mỹ, để hình thành một Lê Vượng hài hòa trong vị thế nghệ sĩ tài năng”. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung ngày đó là giám đốc Viện Bảo tàng Mỹ thuật – nơi mà Lê Vượng gắn bó trong suốt gần 20 năm. Bởi vậy nhắc đến Nguyễn Đỗ Cung là Lê Vượng lại bùi ngùi xúc động. “Hồi ấy cứ đi chụp ảnh về là tôi lại mang “khoe” với anh Cung. Có bức ông ấy khen tôi, nhưng có bức ông ấy góp ý về bố cục, màu sắc” – Lê Vượng nhớ lại. Chính sự chỉ bảo chân tình cùng những lời động viên, khuyến khích của người “thủ trưởng” Nguyễn Đỗ Cung đã truyền cho Lê Vượng cảm hứng, nhiệt huyết trong sáng tạo nghệ thuật.
Một góc phố cổ Hà Nội - Ảnh: Lê Vượng
Xem ảnh của Lê Vượng dễ dàng cảm nhận được những nét riêng, khó có thể trộn lẫn với các tác giả khác. Điều này được thể hiện rõ qua chủ đề được tác giả chọn lựa; sự hài hòa trong bố cục, đường nét, ánh sáng. Nói như nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc thì: “Lê Vượng không chạy theo một trường phái nào cả. Ảnh của ông tìm cái đẹp cổ điển, chân phương, rất gần với hội họa do bố cục, đường nét, màu sắc”. Và không đơn thuần là phản chiếu cuộc sống, mỗi bức ảnh tác giả còn như muốn chuyển tải những thông điệp, những triết lí sâu xa.
Dặm dài, mải miết đam mê
Đi qua trọn một thế kỷ, mải miết trên khắp nẻo đường, Lê Vượng đã có một “gia tài” đồ sộ không chỉ những bức ảnh về cảnh sắc, văn hóa truyền thống, đời sống con người nước Việt mà còn của bao vùng đất trên thế giới mà ông đã có dịp đặt chân qua. Lê Vượng ví von mình như người đãi cát tìm vàng, như con ong cần mẫn tạo mật ngọt cho đời. Mật ngọt ấy ông chắt chiu từ cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ ẩn hiện trong làn sương sớm, áng mây lững lờ, vệt nắng trải dài trên vách tường đất; từ những khuôn hình người Việt cần cù, nhân hậu, ứng xử văn hóa, có chiều sâu tâm thức… Tất cả hòa quyện ngưng đọng thuần khiết trên từng tác phẩm mà Lê Vượng gọi đó là khoảnh khắc đẹp. Bộ ảnh “Những sắc màu dân tộc” là một minh chứng. Nó được ông thực hiện trong gần 10 năm, với hơn 70 bức ghi lại những nét riêng độc đáo của 54 dân tộc Việt.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, đồng nghiệp của ông tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến cách làm việc của Lê Vượng qua những chuyến đi nghiên cứu về vùng dân tộc. Ông vô cùng kỹ tính. Một cô gái người H’Mông với trang phục đẹp, ông giơ tay định chụp, chợt thấy cô ta dùng vải hoa Trung Quốc ở ống tay áo, ông bỏ đi. Trong lễ hội cồng chiêng, đua voi ở Tây Nguyên, các chàng Ê Đê đóng khố, phô những cặp đùi khỏe mạnh, rám nắng, ông thích lắm, định chụp thì phát hiện anh ta để lộ quần ngắn ra ngoài khố. Ông đề nghị anh sửa lại trang phục...”.
Còn NSNA Lê Cường, con trai của nghệ sĩ Lê Vượng thì lại không thể nào quên hình ảnh của cha mình ngày ngày khoác máy ảnh, rong ruổi trên chiếc xe đạp lang thang khắp phố phường để ghi lại nhịp sống của đất, của người Hà Nội. Thói quen ấy đã được Lê Vượng duy trì đều đặn chỉ đến khi tuổi cao sức yếu không thể đi được ông mới chịu ngồi yên. Cũng bởi vậy mà Lê Vượng đã có được một kho ảnh vô giá về Hà Nội, về Thủ đô qua nhiều giai đoạn.
Năm 2018, Lê Vượng bước sang tuổi 100. Ông đón tuổi mới với cả những niềm vui năm cũ: Dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/2017) ông vinh dự là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được Thành phố Hà Nội vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú. Trước đó (năm 2016) ông đã được trao Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội. Cả cuộc đời gắn bó với nhiếp ảnh, nhận được không ít những giải thưởng nhiếp ảnh danh giá trong nước và quốc tế, nhưng khi nhận Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội, lão nghệ sĩ vẫn có chút bâng khuâng. Yêu Hà Nội thì rõ, có cả một kho ảnh về Hà Nội như ông cũng không phải mấy người, nhưng để “ghi danh” tình yêu ấy trong lòng công chúng hẳn rằng không dễ. Lê Vượng bảo rằng chụp ảnh cũng là cuộc săn tìm, chờ đợi khoảnh khắc mà chỉ bền bỉ chưa đủ, cần cả niềm đam mê.
Ở tuổi xưa nay hiếm, khi đôi chân không còn rong ruổi trên những dặm dài đất nước, niềm đam mê ấy dường như vẫn chưa vơi bớt trong ông. Mỗi lúc nhớ nghề ông lại lật giở những bức ảnh mình chụp thuở nào. “Tôi thèm được đi như các bạn” – Ông nói khi chúng tôi ra về.
Tạm biệt ông, tôi vẫn không quên được hình ảnh của lão nghệ sĩ với mái tóc bạc trắng trong căn gác nhỏ ăm ắp những kỷ vật. Những câu chuyện xưa chuyện nay, chuyện đời chuyện nghề lại càng khiến tôi cảm hơn về một con người luôn nặng tình nghệ thuật và thiết tha với Hà Nội, với đất nước quê hương…