Thơ chúc Tết của Bác Hồ - Lắng hồn thiêng sông núi

Tin tức - Ngày đăng : 23:09, 15/02/2018

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhận mình là nhà văn, nhà thơ. Nhưng với tài năng văn chương, với tấm lòng nhân ái bao la và nhất là với quan niệm dùng văn học làm vũ khí cách mạng, Bác đã để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp văn chương vô cùng phong phú, trong đó phải kể tới chùm thơ chúc Tết của Người. Những vần thơ độc đáo đó chính là đóa hoa xuân ngát hương mà Bác dành tặng cho dân tộc Việt Nam. Để mỗi khi Tết đến xuân về, lòng ta lại bồi hồi, khôn nguôi nhớ Bác.
Trong 24 năm giữ cương vị là người đứng đầu đất nước, Bác đã viết 22 bài thơ chúc Tết. Nhưng điều thú vị là không phải đến khi trở thành Chủ tịch nước, Bác mới làm thơ chúc Tết mà Người bắt đầu viết ngay từ mùa xuân đầu tiên trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1942. Năm 1943, Bác viết bài “Chào xuân”. Năm 1946, Bác tiếp tục có thơ chúc Tết gửi tới đồng bào đăng trên báo. Nhưng phải đến giao thừa năm 1947, lần đầu tiên trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, Bác Hồ đã đọc thơ chúc Tết gửi đến toàn thể chiến sĩ, đồng bào. Từ đó, hằng năm, giao thừa lắng nghe thơ Bác đã trở thành thói quen, một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ta; trở thành nét đẹp trong dòng chảy văn hóa truyền thống Việt Nam.

Thơ chúc tết của Bác Hồ - Lắng hồn thiêng sông núi

Bác Hồ đọc thơ chúc Tết năm 1947 trên đài tiếng nói VN

Những năm kháng chiến, dù trong hoàn cảnh ngục tù, trên chiến trường, ở hậu phương hay trong vùng địch tạm chiếm, đồng bào, chiến sĩ luôn tìm cách để được lắng nghe những lời thơ chúc Tết của Bác Hồ qua máy thu thanh gửi từ Thủ đô Hà Nội, trái tim thân yêu của cả nước. Giữa tiếng đạn nổ, bom rơi, vẫn ngân vang những lời thơ tha thiết của Bác. Những lời thơ ấy đã thổi luồng sinh khí mới vào cuộc kháng chiến, tiếp thêm sức mạnh để quân dân ta đánh thắng kẻ thù.        

Thơ chúc Tết của Bác Hồ ngắn gọn, súc tích và mộc mạc như chính cuộc đời, con người Bác nhưng mang nhiều ý nghĩa lớn lao. Trước hết, thơ Bác là lời chúc tốt đẹp đầu năm theo phong tục truyền thống của dân tộc. Ở bài thơ nào, Bác cũng không quên gửi những điều chúc tốt đẹp tới đồng bào. Những lời chúc ấy đặc biệt hơn bởi nó ra đời trong những năm bom đạn, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước cho nên trong mỗi lời chúc của Người bao giờ cũng hướng tới niềm tin chiến thắng:

Xuân về xin có một bài ca

Gửi chúc đồng bào cả nước ta:

Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi

Tin mừng thắng trận nở như hoa!

 (Thơ chúc Tết xuân Đinh Mùi 1967)

Những lời chúc có khi được Bác đặt ở giữa bài thơ, cũng có khi lại hào sảng ở đoạn kết nhưng phần lớn được Người đặt trang trọng ngay ở phần đầu, để đem không khí Tết tươi vui, niềm hân hoan cách mạng đến với muôn nhà trong thời khắc đầu tiên của năm mới.

Thơ chúc Tết của Bác còn là sự tổng kết những thắng lợi cách mạng năm qua và đề ra phương hướng cho đất nước trong năm tới. Mỗi bài là một bản tổng kết lịch sử bằng thơ, thể hiện tấm lòng yêu nước thiết tha, sự quan tâm sâu sắc của Bác với sự nghiệp cách mạng dân tộc.

Thơ chúc Tết của Bác còn thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, cổ vũ toàn dân đoàn kết phấn đấu cho thắng lợi cuối cùng. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến còn khó khăn, gian khổ nhưng từ chiến khu Việt Bắc những lời thơ xuân năm 1946 của Bác đã truyền ngọn lửa niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào:


Bao giờ kháng chiến thành công

Chúng ta cùng uống một chung rượu đào

Tết này ta tạm xa nhau

Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy

                                                   (Thơ chúc Tết năm 1946)

Đến xuân 1954, niềm tin chiến thắng ấy đã trở thành hiện thực khi dân tộc ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.

Với trí tuệ sáng suốt, tầm nhìn chiến lược và nghệ thuật quân sự tài tình, thể hiện phẩm chất của bậc “Đại trí”, thơ Bác còn là đường lối, chiến lược, chiến thuật cách mạng mà Người đã vạch ra cho dân tộc ta. Trong thơ xuân 1968, Bác viết: “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Đến xuân 1969, Bác chỉ rõ mục tiêu chiến lược “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”:

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào

Tiến lên chiến sĩ đồng bào

Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn!

                                        (Thơ chúc Tết năm 1969)

Điều quan trọng hơn cả là bài học về tinh thần đoàn kết toàn dân. Đoàn kết là truyền thống quý báu, là nguồn sức mạnh to lớn giúp dân tộc ta có thể đánh thắng mọi kẻ thù. Nhận thức rõ điều đó, Bác đã khơi dậy và phát huy hết giá trị của khối đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp cách mạng. Người nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết cũng là tư tưởng lớn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Bác, thể hiện xuyên suốt, thống nhất trong toàn bộ các sáng tác trong đó có chùm thơ chúc Tết của Người.

Bằng những cách diễn đạt khác nhau, tinh thần đoàn kết dân tộc đã được Bác nhắc tới trong tất cả các bài thơ xuân. 14 lần tiếng gọi “đồng bào” được Bác nhắc tới. Nó gợi lên trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam bao điều trân quý. Hai tiếng “đồng bào” thân thương ấy gợi nhắc về nguồn gốc dân tộc gắn liền với truyền thuyết cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ và câu chuyện bọc trăm trứng nở ra một trăm người con, những cư dân đầu tiên của dân tộc Việt Nam anh hùng. Hai tiếng “đồng bào” để nhắc nhở mỗi người dân về tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng bảo vệ, dựng xây đất nước. Đúng như lời Bác dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trong những thời khắc trọng đại, Bác đều không quên nhắc tới hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời khắc lịch sử ấy, Bác đã dừng lại, hướng về phía nhân dân, tha thiết rằng: “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?” Và giờ đây trong thời khắc giao thừa, cả dân tộc lại được lắng nghe những “lời non nước” ấy.

Trong niềm vui chiến thắng hay nhiệm vụ cách mạng gian lao, Bác đều không quên gắn kết hai miền Nam - Bắc để gắn chặt thêm mối đoàn kết toàn dân:

Bắc  Nam như cội với cành

Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng

Rồi đây thống nhất thành công

Bắc Nam ta lại vui chung một nhà

                                           (Thơ chúc Tết năm 1964)

“Vui chung một nhà” đó là niềm vui chiến thắng của tinh thần đoàn kết. Cả nước đánh giặc, cùng sẻ chia những gian khổ hi sinh. “Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng/ Tiền tuyến hậu phương, toàn dân cố gắng”(Thơ chúc Tết năm 1966), “Rồi trăm họ ấm no sung sướng... Nghìn thu danh vọng Rồng Tiên” (Thơ chúc Tết năm 1945). Những lời thơ xuân của Bác hay chính là lời Cha già dân tộc gửi tới những người con thân yêu. Cả nước ra trận mang theo lời chúc Tết thiêng liêng của Bác cùng với niềm tin chiến thắng: “Bao giờ kháng chiến thành công/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào”(Thơ chúc Tết năm 1946). Trong lời chúc của Bác ta như sống lại với những ngày lịch sử đã xa, được gặp lại cha ông mình:


Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới

Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào

          (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)

Cả hồn thiêng sông núi, cả bề dày lịch sử dân tộc như lắng đọng lại trong vần thơ chúc Tết của Bác, nâng bước hành quân trong những cuộc trường chinh. Bài học về tinh thần đoàn kết dân tộc không chỉ có ý nghĩa trong những năm bom đạn mà còn là bài học cách mạng sâu sắc cho hôm nay trước những âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Bác viết thơ chúc Tết gửi tới đồng bào. Những vần thơ, Bác chỉ khiêm tốn nhận rằng: “Mấy lời thân ái, nôm na/ Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân” nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn, thể hiện nhân cách cao đẹp của một bậc “Đại nhân, đại trí, đại dũng”. Những vần thơ ấy là sự kết tinh cả cuộc đời bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, là sự thể hiện cho ham muốn đến tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” của Bác Hồ.

Bác đã đi xa, gần 50 năm qua chúng ta không còn được trực tiếp nghe Bác đọc thơ chúc Tết nhưng âm hưởng hào hùng, nồng ấm ân tình trong những vần thơ của Bác thuở nào sẽ còn vang mãi với non sông. Bởi lẽ thơ Bác Hồ là tiếng gọi mùa xuân về:

Bác ơi! Tết đến giao thừa đó

Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần

Ríu rít đàn em vui pháo nổ

Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân

          (Theo chân Bác - Tố Hữu)

Hôm nay cả nước đang nỗ lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kì mới, mỗi vần thơ chúc Tết của Bác thuở nào vẫn là lời hiệu triệu, lời hịch giục giã toàn Đảng, toàn dân tiến lên giành những thắng lợi mới để “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”.

Đức Trung