Trai làng cởi trần rước quả pháo khổng lồ ở làng Đồng Kỵ
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 20:59, 19/02/2018
Sáng 19-2 (mùng 4 tết), hàng nghìn người dân địa phương và khách thập phương đã tham dự lễ hội rước pháo truyền thống của làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh).
Từ sáng sớm, các bậc cao niên làng Đồng Kỵ đã có mặt tại nhà văn hóa trong lễ phục để chuẩn bị khai màn cho mùa lễ hội ở vùng Kinh Bắc.
8h sáng, hai quả pháo khổng lồ được đưa ra sân nhà truyền thống. Trai làng dùng nước gừng vệ sinh cho pháo và linh vật. Trước đây, lễ rước sử dụng pháo thật. Từ khi có lệnh cấm, pháo chỉ còn là mô hình bằng sắt hoặc gỗ.
Gần 500 thanh niên trai tham gia rước kiệu với điều kiện gia đình không có tang.
Hai quả pháo dài 6 m và 5,8 m, đường kính hơn một mét được trang trí hình Long, Lân, Quy, Phượng. Mỗi quả gồm 80 người khiêng và đội dự bị rước từ Nhà Truyền thống đến Đình làng trên quãng đường gần một km.
Theo phong tục cổ truyền, cứ đi một đoạn vài chục mét, đoàn rước lại dừng lại hò dô vui vẻ lấy khí thế.
Tham gia đoàn rước còn có đội múa lân, rồng, đội rước kiệu, hoa...
Khi quả pháo cuối cùng được đưa vào cửa đình, cũng là lúc các ông quan đám vào trong hậu cung làm lễ tế.
Trong lễ hội có 12 ông quan đám tham gia với các nhiệm vụ khác nhau, trong đó 4 ông quan đám đỏ (mặc trang phục màu đỏ) là những người đứng ra đại diện cho làng làm lễ tế.
Bốn người đàn ông 51 tuổi, đại diện cho 4 giáp trong làng sẽ vào vai quan đám đỏ, với điều kiệu đây phải là người đức độ, gia đình nề nếp, con cái thành đạt. Các trai làng khoẻ mạnh sẽ thay nhau kênh kiệu quan đám đi vòng quanh sân đình; hàng chục người còn lại sẽ giữ chân hò reo trong tiếng cổ vũ động viên của người dân và khách thập phương.
"Theo truyền thuyết, 4 ông quan đám tượng trưng cho 4 vị tướng đánh giặc chiến thắng trở về, mở tiệc khao quân và đốt pháo", ông Nguyễn Văn Chắt (Ban tổ chức lễ hội) cho biết. Điệu múa của quan đám nhưng mang lại hào khí và niềm vui cho hàng nghìn người dân tham dự.
Hội pháo làng Đồng Kỵ tưởng nhớ ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng đã đánh giặc và được ghi tên trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 1-2016.