Hiểu để chủ động bảo vệ chính mình

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:44, 21/02/2018

Để người tiêu dùng hiểu được quyền của mình trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND triển khai "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm 2018. Mục tiêu chính của chương trình là định hướng và phát huy ý thức tôn trọng quyền người tiêu dùng của doanh nghiệp; xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng.
Hiểu để chủ động bảo vệ chính mình
Tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm giúp người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình. Ảnh: Tuấn Bùi


Khi người tiêu dùng không dám lên tiếng

Nhắc lại vụ việc Tập đoàn Khaisilk vi phạm pháp luật, ông Phan Thế Thắng, Phó Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương) cho biết, đây không phải là lần đầu tiên người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi nghiêm trọng. Thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận, giải quyết nhiều trường hợp người tiêu dùng phản ánh về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng… không bảo đảm như cam kết. Điển hình là nhiều trang web lợi dụng việc mua bán hàng qua mạng đã giao hàng không đúng như thông tin giới thiệu; thậm chí lừa đảo nhận tiền nhưng không giao hàng. Một số công ty tài chính tư vấn, thông tin không rõ ràng về các dịch vụ tài chính, hợp đồng vay trả góp... dẫn đến tranh chấp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Những vụ việc này cho thấy, quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng bị xâm phạm nghiêm trọng, nhưng đáng nói là không ít người lại chọn phương án “im lặng” và bỏ qua vụ việc. 

Nguyên nhân của tình trạng trên một mặt là do người tiêu dùng e ngại, nếu khiếu kiện đơn vị vi phạm sẽ mất thời gian giải quyết, trong khi giá trị hàng hóa thiệt hại không lớn; mặt khác, cũng có không ít người chưa nắm rõ quyền lợi của mình, không biết gửi khiếu nại tới cơ quan nào, trình tự thủ tục xử lý ra sao? Ngoài ra, chính các doanh nghiệp sản xuất khi có sản phẩm bị gian lận cũng im lặng, không dám lên tiếng, bởi lo ngại ảnh hưởng đến thương hiệu. Bà Nguyễn Thị Lan Anh (trú tại đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên) chia sẻ, người tiêu dùng rất cần những thông tin từ phía doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và nhà sản xuất để nhận biết được nguồn gốc hàng hóa, phân biệt hàng thật - hàng giả. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rất cần thiết.

Tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm

Để người tiêu dùng hiểu được quyền của mình khi bị doanh nghiệp xâm hại trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND triển khai "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm 2018. Trong đó, mục tiêu lớn nhất là tuyên truyền, phổ biến, thực thi các văn bản pháp luật của Nhà nước, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của các đối tượng có liên quan. Đồng thời định hướng và xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân khi tham gia giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, năm 2017, các doanh nghiệp tham gia chương trình "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" đã quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là trong các dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng, ghi rõ nguồn gốc hàng hóa. Doanh nghiệp không chỉ chú trọng đến cạnh tranh về giá cả, mà còn tập trung nhiều đến các việc bảo hành sản phẩm, kéo dài thời hạn bảo hành, tư vấn miễn phí... Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp đã công bố dấu hiệu nhận biết, phân biệt hàng giả - hàng thật; kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng có nguồn gốc chính hãng, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn với người tiêu dùng, niêm yết rõ ràng các thông tin liên quan đến sản phẩm…

Thực hiện kế hoạch năm 2018, "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" sẽ có chủ đề “Kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững”. Từ tháng 4 đến tháng 7-2018, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các quận, huyện, doanh nghiệp, trường học. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tiếp. Cụ thể, từ ngày 16 đến 22-3 sẽ diễn ra 2 hoạt động lớn là “Tuần tri ân doanh nghiệp vì người tiêu dùng” tại 60 điểm thuộc các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống dịch vụ và cửa hàng cung ứng sản phẩm; và sự kiện “Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng” với 50 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa liên quan đến đời sống. Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội khẳng định, hiểu rõ và thực thi Luật Bảo vệ người tiêu dùng không chỉ giúp ích cho người tiêu dùng, mà doanh nghiệp cũng có lợi khi tăng mức tiêu thụ sản phẩm.

Thanh Hiền/HNM