Thị trường ô tô Việt Nam trở nên khó đoán
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 11:58, 22/02/2018
Đầu năm 2018 là một khoảng thời gian khá “đặc biệt” của thị trường ô tô Việt Nam khi nguồn cung không đủ cầu…
Khoảng thời gian “đặc biệt”
Khoảng thời gian đầu năm 2018, có thể coi là những ngày tháng “đặc biệt” của thị trường ô tô Việt Nam. Vì chỉ cách đây vài tháng (những tháng cuối năm 2017), khách hàng vẫn thờ ơ với hầu hết các mẫu xe từ nhập khẩu đến lắp ráp. Hầu như tất cả các thương hiệu ô tô đều giảm giá để kích cầu, tuy nhiên, kết quả thu lại vẫn không được như mong đợi.
Kết quả cuối cùng là, tính đến hết tháng 12-2017, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 272.750 xe các loại - giảm 10% so với cùng kì năm 2016 (304.427 xe).
Nhưng, chỉ bước sang năm 2018 ít ngày, thị trường ô tô đã hoàn toàn thay đổi. Lượng khách tìm đến các showroom, đại lý để tìm mua xe bất ngờ tăng cao do nhu cầu mua xe đi Tết của người dân.
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường năm 2017. |
Theo các chuyên gia nhận định, thời gian cuối năm 2017 người dân vẫn còn tâm lý chờ đợi đến đầu năm 2018 để mua được các mẫu xe nhập khẩu giá rẻ từ ASEAN khi thuế nhập khẩu giảm từ 30% xuống 0% nên doanh số giảm sút. Tuy nhiên, khi bước sang năm 2018 giá các mẫu xe bắt đầu được các hãng công bố và không rẻ như kỳ vọng của người dân; đồng thời, các mẫu xe nhập khẩu thuộc diện hưởng thuế ưu đãi 0% từ ASEAN cũng khó về Việt Nam vì vướng các quy định mới của Chính phủ nên những người có nhu cầu mua xe thực sự và đang dự định bắt đầu tìm đến các đại lý, showroom để mua xe.
Theo đại diện của Toyota Việt Nam (TMV), nguồn cung xe nhập khẩu dịp đầu năm bị hạn chế do chưa đáp ứng đủ các quy định của 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã được Chính phủ ban hành
“Theo các quy định mới về hoạt động nhập khẩu ô tô tại Nghị định 116 của Chính phủ có hiệu lực từ 1-1-2018, TMV và nhiều hãng xe đã gặp phải một số khó khăn trong việc nhập khẩu ô tô do chưa đáp ứng đủ. Có thể lấy ví dụ, Nghị định 116 đã yêu cầu tiến hành thử nghiệm và đánh giá chất lượng bởi các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, tuy nhiên vẫn yêu cầu cần có Giấy chứng nhận chất lượng cho kiểu loại xe nhập khẩu vào Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp. Vì vậy, hiện tại, TMV không thể nhập khẩu và buộc phải quyết định tạm dừng việc nhập khẩu xe. Đồng thời, các nhà sản xuất nước ngoài như Toyota Thái Lan, Nhật Bản hay Indonesia cũng không thể xuất khẩu sang Việt Nam” - đại diện TMV cho biết.
Honda CR-V. |
Bên cạnh đó, nhiều hãng vẫn phải chấp nhận nhập xe trước thời điểm hưởng thuế ưu đãi 0% (1-1-2018) để có xe bán và giữ thị phần. Như Honda Việt Nam (HVN) đã nhập một lượng nhỏ mẫu xe CR-V ngay trước thời điểm 1-1-2018 bất chấp việc giá bán của những chiếc xe này sẽ cao hơn rất nhiều so với dự kiến (hơn tới gần 200 triệu đồng).
Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải Quan, trong tháng đầu tiên của năm 2018 chỉ có hơn 15 chiếc ô tô dưới 9 chỗ được nhập khẩu vào Việt Nam. Thậm chí, tổng lượng xe nhập khẩu cũng giảm hơn rất nhiều so với thời điểm này năm ngoái. Trong tuần cuối cùng của tháng 1-2018 (từ 26-1 đến 1-2) cả nước chỉ có 23 ô tô nguyên chiếc các loại được mở tờ khai hải quan, với tổng trị giá đạt gần 1,66 triệu USD.
Tính đến thời điểm đầu tháng 2-2018 gần như hầu hết các mẫu xe nhập khẩu ăn khách đều đã hết hàng. Các giao dịch hiện tại của các mẫu xe như Honda CR-V, Toyota Fortuner, Toyota Land Cruiser Prado… đều đã kết thúc. Các giao dịch còn lại chỉ là xe lướt hay chuyển cọc chứ các đại lý đã đều lắc đầu khi được hỏi về các mẫu xe nhập.
“Mùa xuân” đến sớm cho xe lắp ráp trong nước
Khi nguồn cung xe nhập khẩu gặp khó khăn do vướng mắc các điều kiện trong nghị định 116/2017, xe lắp ráp bắt đầu “lên ngôi” và tận dụng tối đa cơ hội này. Các mẫu xe lắp ráp ăn khách như: Mazda CX-5, Honda City, Hyundai Santa Fe hay Hyundai Grand I10 gần như không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
Cũng chưa bao giờ những mẫu xe CKD lại được “săn lùng” như thời điểm này. Đến cả những mẫu xe trước đây thường xuyên nằm trong danh sách các mẫu xe kén khách như: Nissan X-Trail hay Chevrolet Captiva cũng được quan tâm trong thời điểm đầu năm 2018.
Anh Mạnh Hùng (Nam Từ Liêm - Hà Nội) cho biết: “Tôi muốn mua 1 chiếc xe SUV để đi Tết nhưng chẳng còn mấy xe để lựa chọn. Ban đầu định lấy chiếc Honda CR-V mới nhưng dù có giá cao thì xe cũng đã hết. Giờ quay sang CX-5 cũng không có xe giao trước Tết”.
Tuy nhiên, niềm vui không hoàn toàn trọn vẹn cho các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước. Cả Thaco và Hyundai Thành Công đều đang gặp khó khăn khác nhau về nguồn cung ứng phụ tùng lắp ráp. Vì vậy, 2 nhà sản xuất và lắp ráp ô tô lớn kể trên đã phải hoãn các đơn hàng giao xe cho đại lý.
Xe nhập khẩu vẫn chưa hẹn ngày về nước
Mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã ra thông tư số 03/2018 hướng dẫn thực hiện Nghị định 116, đây cũng là thông tin mà các nhà nhập khẩu chờ đợi. Tuy nhiên, thông tư này đã “xát thêm muối” vào lòng các nhà nhập khẩu.
Hầu hết các mẫu xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN (đối tượng được hưởng thuế nhập khẩu 0%) chưa thể hưởng lợi do các doanh nghiệp chưa đáp ứng được quy định mới trong Nghị định 116 và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT, trong đó có quy định bắt buộc phải có Giấy chứng nhận kiểu loại (VTA).
Đại diện Ford Việt Nam cho biết: “Tuy đã có thông tư hướng dẫn nhưng như trước đây đã trao đổi với các bên liên quan để chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như yêu cầu của Nghị định 116 là không dễ dàng do các giấy tờ cần thiết không hề có tại các quốc gia khác. Chúng tôi sẽ phải làm rất nhiều việc để có được các giấy tờ này và cũng chưa biết có thể có hay không. Do đó không thể nói trước về thời gian nhập khẩu xe trở lại”.
Còn theo đại diện TMV, hiện tại, không chỉ riêng TMV mà các thành viên khác của VAMA đều gặp khó khăn do quy định về Giấy chứng nhận kiểu loại và cho đến nay vẫn chưa có giải pháp, trừ việc tiếp tục kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn. Do vậy, TMV chưa thể chắc chắn, liệu việc dừng hoạt động nhập khẩu xe sẽ kéo dài trong bao lâu.
Như vậy nhiều khả năng các mẫu xe nhập khẩu chỉ có thể trở lại thị trường Việt Nam nửa sau của năm 2018. Từ nay đến thời điểm đó các mẫu xe lắp ráp vẫn không hề có đối trọng trên thị trường. Điều này sẽ chỉ khiến thị trường ô tô thêm bất ổn và khó đoán.
Việc góp mặt trở lại của các mẫu xe nhập khẩu quá muộn sẽ khó cứu vãn được toàn bộ thị trường vốn đã sụt giảm mạnh trong năm vừa qua. Hiện nay Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) hiện cũng không đưa ra dự đoán chính thức nào cho thị trường ô tô năm 2018. Thị trường ô tô được dự đoán, sẽ chỉ thực sự sôi động khi có sự góp mặt trở lại của các mẫu xe nhập khẩu.