Báo chí thời trí tuệ nhân tạo
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:16, 24/02/2018
Hiện nay, nhiều điện thoại đã có thể hiểu giọng nói. Ảnh minh họa
Từ nhận dạng tiếng nói
Đã có hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới được đưa vào các phần mềm nhận dạng, trong đó có tiếng Việt. Một nhà báo Việt Nam hiện nay có thể viết tin bài bằng giọng nói khi chạy xe trên đường hoặc trong điều kiện thời sự gấp gáp với một tác phẩm dài hàng ngàn chữ. Tốc độ viết ra chữ bằng giọng nói của các ứng dụng này phụ thuộc vào tốc độ đường truyền Internet và độ chính xác của việc nhận dạng tùy thuộc vào giọng đọc cũng như tốc độ đọc.
Trên bàn phím ảo dùng nhập văn bản của điện thoạidi động thông minh, chúng ta sẽ nhìn thấy biểu tượng một chiếc micro, nhấn vào đó và nói. Dòng văn bản sẽ xuất hiện gần như đồng thời nếu đường truyền Internet mạnh. Càng ngày, khả năng nhận dạng tiếng Việt của ứng dụng này càng được cải thiện.
Trong cuộc tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016, khi tín hiệu hình ảnh được truyền trực tiếp trên Youtube, dòng chữ phụ đề cũng được hiển thị gần như đồng thời nhờ phần mềm nhận dạng này.
Ứng dụng nhận dạng giọng nói giúp chúng ta có thể văn bản hóa lời nói được ghi âm hoặc lời nói phát ra từ radio, tivi. Phần mềm hết sức tiện lợi trong đời sống, sinh hoạt và càng ngày càng hoàn thiện để phục vụ nhân loại.
Việc dịch thuật hiện nay đã trở nên dễ dàng. Ảnh minh họa
Đến dịch thuật
Máy dịch là công cụ trí tuệ nhân tạo được xây dựng khá lâu và ngày nay, trong thời đại có sự cộng tác đại chúng, có thể nói, các công cụ dịch đã tiến hóa đến mức hoàn hảo. Chúng ta vẫn thường biết đến công cụ dịch miễn phí Google Translate trên mạng, nhưng thực tế, có những phần mềm dịch chuyên nghiệp được bán có chất lượng cao hơn hẳn.
Nhiều cơ quan báo chí, hãng thông tấn nước ngoài từ lâu đã ứng dụng máy dịch vào việc làm tin quốc tế. Tất nhiên, bên cạnh máy dịch vẫn còn có những biên tập viên nhưng nếu có công cụ này, hiệu suất công việc có thể tăng lên rất nhiều.
Bên cạnh việc giúp nhà báo xử lý được số lượng tin bài lớn và nhanh, máy dịch giúp tránh những lỗi, sơ sót con người thường mắc phải và thống nhất được cách dịch đối với những cụm từ, tên riêng nhất định, thống nhất cách viết hoa v.v..
Phần mềm dịch thuật miễn phí được Google tích hợp trên Internet cũng được nhiều sinh viên, nhà nghiên cứu ở Việt Nam tận dụng, nhưng có vẻ như lâu nay, phần mềm này chưa được sự cộng tác của số đông người Việt Nam nên chưa thực sự hoàn thiện. Trong khi đó, Google Translate đã làm việc khá tốt trong quá trình dịch từ tiếng Nhật qua tiếng Anh và ngược lại. Đã có một giáo sư thử nghiệm đưa hai đoạn dịch khác nhau của một tác phẩm nổi tiếng ở Nhật Bản lên mạng xã hội để khảo sát xem, công chúng nhận ra đâu là bản dịch của máy. Nhưng số đông đã đoán sai. Nói cách khác, phần mềm dịch miễn phí của Google ngày càng hoàn thiện hơn rất nhiều.
Google Translate đã trở thành một hệ thống hoàn toàn dựa trên trí tuệ nhân tạo để xử lý hầu hết luồng truy cập. Hệ thống hàng trăm ngôn ngữ đang tiếp tục được bổ sung với tốc độ 8 ngôn ngữ mỗi tháng cho đến cuối năm 2017. Có chuyên gia nói rằng: Hệ thống trí tuệ nhân tạo này có thể đưa vào những cải thiện qua một đêm tương đương những gì mà hệ thống cũ phải làm trong nhiều năm.
Một số nước đã dùng robot để viết báo gây ra những cuộc tranh luận. Ảnh minh họa
Robot có thể viết báo?
Trong vài năm gần đây, hình ảnh những chiếc xe tải không người lái ở Úc, xe giao hàng không người lái ở Mỹ... vận hành xuất sắc trong đời sống thực không còn làm ngạc nhiên nhiều người. Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã đi vào nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội: từ vận hành máy móc đến chẩn đoán bệnh tật; từ điều khiển ngôi nhà thông minh đến nhận dạng gương mặt, giọng nói, chữ viết; từ trả lời khách hàng đến đặt lịch, lên kế hoạch...
Có nhiều dạng ứng dụng trí tuệ nhân tạo người Việt Nam đã sử dụng, song không để ý. Phần mềm hướng dẫn đường đi trên ứng dụng Google Map có thể đưa ra thông báo bằng tiếng Việt cho tài xế xe hơi, trợ lý ảo Siri trên iPhone, iPad là những ví dụ. Ứng dụng robot trong dây chuyền sản xuất công nghiệp tự động hóa, khai thác mô hình “nhà máy thông minh” ở Việt Nam cũng đang có xu hướng phát triển mạnh.
Nhưng đối với nhà báo, chuyện nghe “choáng” nhất vẫn dùng robot thông minh làm báo cáo và... viết báo.
Cách đây hai năm, robot Toutiao của Trung Quốc đã sản xuất ra tới 450 tin trong 15 ngày diễn ra Olympic Rio 2016, tập trung vào các môn cầu lông và bóng bàn. Các tin này chỉ có độ dài khoảng 100 từ. Tin được đọc nhiều nhất là trận đơn nữ cầu lông mà phần thắng thuộc về Wang Yihan, người từng giành Huy chương Bạc tại Olympic London. Tin này hoàn thành chỉ 2 phút sau khi kết thúc trận đấu và có 50.000 lượt đọc.
Báo chí tự động hóa (hay báo chí robot) đang có những bước phát triển mới nhờ các việc tìm ra nhiều thuật toán có thể xử lý những khối dữ liệu khổng lồ. Năm ngoái, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trang PollyVote.com chạy một thuật toán, sử dụng nguyên tắc dự báo dựa trên dữ liệu, bằng chứng được liên tục đưa vào một hệ thống. Và thuật toán PollyBot đã viết và xuất bản hàng ngàn tin bài vào các trang web báo chí...
Robot báo chí giờ đây có thể tạo ra Infographic, đề xuất đề tài, xác minh thông tin từ công chúng truyền thông, xử lý nhanh thông báo về các sự kiện có tính chất báo chí trên diện rộng...
Bản chất của việc xử lý dữ liệu lớn (big data) ở các mạng xã hội để phân phối tin tức, quảng cáo đến đúng đối tượng cũng dựa vào trí tuệ nhân tạo.
Với xu thế khai thác trí tuệ nhân tạo trong cách mạng công nghiệp 4.0, không chỉ lao động chân tay mà lao động trí óc cũng có nguy cơ bị thay thế. Nghề báo cũng sẽ bị trí tuệ nhân tạo đe dọa bởi một lý do rất đơn giản: máy móc rất phù hợp cho những thông tin được phân loại. Nếu có thể sắp xếp mọi thông tin lên một bảng Excel thì cho dù nó phức tạp ra sao, trí tuệ nhân tạo cũng có thể phân tích và tạo ra những mẩu thông tin có ý nghĩa.
Báo chí thời trí tuệ nhân tạo đã tạo ra những cơ hội và những thách thức mới. Ảnh minh họa
Cơ hội hay thách thức?
Cuối năm 2016, Tập đoàn phần mềm nổi tiếng Adobe công bố một dự án mới của họ có tên là Adobe VoCo. Đây là một ứng dụng chỉnh sửa được giọng nói con người. Hiểu nôm na, tính năng của phần mềm này là dựa vào mẫu giọng nói của một người cụ thể, máy có thể đọc các văn bản mình gán vào bằng chính giọng của người ấy để tạo ra các file âm thanh.
Dự án Adobe VoCo này được các chuyên gia gọi là “Photoshop lời nói”. Khi nó mới được công bố, rất nhiều người bày tỏ lo ngại về chuyện ứng dụng này sẽ tác động tới an ninh (các mật mã sử dụng giọng nói), tới tin tức giả (tạo ra chứng cớ âm thanh giả) nên đã phản đối gay gắt. Và đến nay, dự án này phải tạm thời dừng lại.
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đem đến những phát triển lớn cho nhân loại, nhưng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo gần đây cũng dấy lên làn sóng lo xa như những chuyện trong các bộ phim viễn tưởng: loài người có bị tận diệt không? Lo... ít xa hơn thì đặt vấn đề bất ổn chính trị xuất phát từ những vấn đề kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, mỗi một khi con người đã dự báo được sẽ có những giải pháp hạn chế mặt trái. Trí tuệ nhân tạo sẽ không thể thay thế con người mà chỉ hỗ trợ họ làm việc hiệu quả hơn, đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. Dù có lo nhưng ai cũng cho rằng, xu thế công nghiệp 4.0 là tất yếu và con đường phía trước vẫn còn quá dài để nhân loại có thể tìm biện pháp thích hợp. Có trí tuệ nhân tạo, thế giới sẽ tốt đẹp hơn, hiệu quả hơn, con người được giải phóng để theo đuổi những công việc sáng tạo, nhân văn và thú vị hơn. Đó không chỉ là mơ ước./.