Phụ nữ xung kích phòng cháy, chữa cháy

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 08:40, 19/12/2021

Công tác phòng cháy, chữa cháy tưởng chừng như chỉ dành riêng cho phái mạnh, nhưng thực tế ở một số nơi nhiệm vụ đó lại được chị em phụ nữ thực hiện hiệu quả. Điều này bước đầu được khẳng định qua hoạt động của “Tổ phụ nữ xung kích trong công tác phòng cháy, chữa cháy” thuộc Chi hội phụ nữ số 6, phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình).
Phụ nữ xung kích phòng cháy, chữa cháy
Các thành viên “Tổ phụ nữ xung kích trong công tác phòng cháy, chữa cháy” phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) nhận mặt nạ chống độc và giấy chứng nhận tập huấn phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng

Tổ dân phố số 6, phường Vĩnh Phúc bao gồm một khu tập thể cũ khép kín, do đó công tác phòng, chống cháy, nổ được đặc biệt chú trọng. Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 6 Lê Thị Dương Hạnh cho biết: Chi hội có 79 hội viên, chủ yếu là cán bộ hưu trí. Chi hội được Hội Liên hiệp phụ nữ phường lựa chọn làm mô hình điểm “Tổ phụ nữ xung kích trong công tác phòng cháy, chữa cháy” (Tổ xung kích) vào tháng 10-2021, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm sau 1 năm triển khai mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy.

Phó Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 6, Tổ trưởng Tổ xung kích Nguyễn Thị Hữu cho biết: “Tổ gồm 10 thành viên, với nhiều lứa tuổi. Các thành viên của tổ được trang bị quần áo bảo hộ, mặt nạ chống độc; được tham gia tập huấn và cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Tổ có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát nạn; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, hội viên, nhân dân thực hiện quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy; kịp thời phối hợp triển khai chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn”.

Là thành viên Tổ xung kích, bà Vũ Thị Kính chia sẻ: “Ban đầu mới tham gia tập huấn, thấy lửa cháy to, chúng tôi cũng rất sợ, lóng ngóng không biết cách mở bình cứu hỏa. Nhưng sau khi được cán bộ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hướng dẫn, chúng tôi đã sử dụng thành thạo và rất tự tin khi thao tác”. Một thành viên khác là bà Nguyễn Thị Thành cho biết: “Phụ nữ là người gắn bó với bếp núc, nên nếu có nguy cơ cháy, chúng tôi sẽ nhận thấy đầu tiên. Tham gia Tổ xung kích, chúng tôi nắm được cách phòng ngừa nguy cơ cháy, chữa cháy, thoát hiểm an toàn, bảo vệ gia đình và cộng đồng”.

Dù còn trẻ, bận rộn công việc, nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng hăng hái tham gia Tổ xung kích. “Là đảng viên trẻ, tôi nhận thấy mình cần có trách nhiệm đóng góp cho tổ dân phố. Khi tham gia Tổ xung kích, tôi không chỉ được trang bị kiến thức, chuẩn bị cho mình tinh thần, cách xử lý khi xảy ra sự cố cháy, nổ mà còn biết cách sử dụng điện tiết kiệm, an toàn hơn”, chị Thúy chia sẻ.

Tăng thêm gắn bó, đoàn kết

Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy chi bộ, cùng với việc tuyên truyền, vận động thường xuyên của Tổ xung kích, nhận thức về phòng, chống cháy, nổ của người dân trong tổ dân phố được nâng cao, tự giác chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Đến nay, 100% gia đình cán bộ, hội viên Chi hội phụ nữ số 6 đều tự trang bị phương tiện chữa cháy và bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Tích cực tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người dân, bà Nguyễn Thị Thành cho biết, bà thường xuyên nhắc nhở bà con về việc bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng điện, thắp hương thờ cúng; mỗi gia đình cần chuẩn bị các tình huống để thoát nạn...

Được Công an phường Vĩnh Phúc và thành viên Tổ xung kích đến hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy tại nhà, chị Đỗ Mỹ Hường, người dân sinh sống tại tổ dân phố số 6 cho biết, từ khi trang bị bình cứu hỏa, gia đình chị yên tâm hơn, có ý thức phòng ngừa cháy, nổ.

Ai cũng có công việc riêng, nhưng mỗi hội viên phụ nữ đều nhận thấy trách nhiệm và niềm vui khi tham gia Tổ xung kích. Bà Vũ Thị Kính cho hay: “Đi tuyên truyền tới các gia đình, tôi nhận thấy bà con hiểu mình hơn, gần gũi hơn, từ đó không chỉ chủ động phòng ngừa cháy nổ mà còn tích cực tham gia các phong trào địa phương”.

Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 6 Lê Thị Dương Hạnh khẳng định, mỗi thành viên của Tổ xung kích không chỉ là một tuyên truyền viên, mà còn là nòng cốt triển khai thực hiện mô hình thiết thực, hiệu quả. “Ở tổ dân phố số 6, chúng tôi như một đại gia đình. Hoạt động của Tổ xung kích càng tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó trong khu dân cư”, bà Hạnh chia sẻ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Vĩnh Phúc Ngô Thùy Linh cho biết: Mô hình “Tổ phụ nữ xung kích trong công tác phòng cháy, chữa cháy” từ khi thành lập đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo hội viên và nhân dân. Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ phường sẽ nhân rộng mô hình ra 18 chi hội, góp phần xây dựng ngôi nhà an toàn, môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn. Nếu người dân ai cũng tự nâng cao ý thức, có sự chuẩn bị về tâm lý, kỹ năng, thiết bị phòng cháy, chữa cháy như chị em Chi hội phụ nữ số 6 phường Vĩnh Phúc sẽ giúp tổ ấm của mình hạn chế ở mức thấp nhất, ngăn chặn kịp thời nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy.

HNM