Rộn ràng xuân trên những nẻo đường Thủ đô
Tin tức - Ngày đăng : 09:06, 01/03/2018
Một mùa xuân mới lại về, tiếng xuân náo nức lòng người, rạo rực đất trời khiến mỗi người, mỗi công dân Thủ đô đều hân hoan đón xuân trong niềm phấn khởi và kỳ vọng năm mới trước những đổi thay của Thủ đô Hà Nội thân yêu…
Tín hiệu vui
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất trong 7 ngày nghỉ lễ, từ ngày 14 đến 20/2 (tức 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng năm Mậu Tuất), lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 374.560 lượt, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là lượng khách du lịch quốc tế trong dịp Tết Nguyên đán đạt khoảng 124.500 lượt, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lượng khách lưu trú đạt gần 89.700 lượt, tăng 31% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán đạt khoảng 1.280 tỷ đồng, tăng 19% so với dịp Tết năm 2017.
Du khách đổ về chùa Hương sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2017
Theo số liệu cung cấp từ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an Thành phố Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán 2018 từ ngày 29/12/2017 đến 03/01/2018, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ 146 quốc gia và vùng lãnh thổ, lượng khách cơ bản tăng trưởng khá so với cùng kỳ, chủ yếu vẫn tập trung vào các thị trường khách du lịch trọng điểm của Hà Nôi bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Đài Loan, Úc, Malaysia và Thái Lan.
Tuy không tổ chức không gian đi bộ tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu vực phố cổ trong những ngày Tết Nguyên đán nhưng trong đêm giao thừa (ngày 15/2) và bắt đầu từ ngày mùng 3 Tết, lượng khách thưởng ngoạn không khí đón xuân tại đây khá tấp nập. Nhiều cửa hàng dịch vụ đã khai xuân phục vụ du khách. Các dịch vụ vẽ tranh truyền thần, ký họa chân dung, viết chữ bằng mực Tàu, nặn tò he… hấp dẫn du khách hơn cả. Một số điểm tham quan đón lượng khách đáng kể trong dịp này là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn…
Nét đẹp văn hóa lễ hội
Đến hẹn lại lên, dịp đầu năm mới các lễ hội lớn lại diễn ra với những nét văn hóa vô cùng độc đáo. Những công dân Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng dù bận rộn đến đâu cũng cố sắp xếp thời gian để tham dự, hẹn hò nhau đến hội xuân và cảm nhận văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu tháng Giêng năm Mậu Tuất (từ mùng 5, mùng 6 âm lịch), hàng loạt di tích, lễ hội quan trọng trên địa bàn TP. Hà Nội tưng bừng khai hội.
Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, vẫn giữ nét truyền thống với hai phần lễ và hội. Được bắt đầu từ 6h, đoàn tế lễ địa phương đã trang trọng thực hiện nghi thức truyền thống. Mở đầu buổi lễ kỷ niệm 229 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, TP. Hà Nội, các tỉnh, thành phố bạn và các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương, thể hiện tình cảm trân trọng, lòng biết ơn đối với các anh hùng dân tộc đã có cống hiến quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ghi nhận tại lễ hội đền Hai Bà Trưng năm nay có nhiều điểm mới. Các hoạt động dịch vụ được phân khu đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kinh doanh. Các ki-ốt hàng quán tham gia lễ hội đều do hội phụ nữ các xã trong huyện đăng cai, nhằm giới thiệu đến du khách các sản vật của địa phương. Chương trình nghệ thuật Lễ kỷ niệm 1978 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng được đổi mới nhưng vẫn đảm bảo kế thừa truyền thống lịch sử… Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, tại lễ hội năm nay, Ban tổ chức tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đổi mới để bảo đảm sự tôn nghiêm cũng như nhu cầu vui chơi, sử dụng các dịch vụ tại lễ hội. Một trong những giải pháp đáng chú ý là đã tách riêng các khu vực tâm linh, dịch vụ, vui chơi nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo nên cảnh quan thoáng đãng. Ngoài ra, Ban tổ chức tiếp tục kiểm tra, giám sát khâu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội.
Thông tin từ Ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2018, mùa lễ hội năm nay đã miễn phí vé thắng cảnh cho du khách trong 3 ngày (từ ngày 30 tháng Chạp năm 2017 và mùng 1, mùng 2 Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018). Trước thềm khai hội, từ mùng 3 - 5 Tết Nguyên đán, theo thống kê đã có khoảng hơn 120 ngàn du khách đổ về chùa Hương tham quan, vãng cảnh. "Năm nay, dự kiến lượng du khách đổ về chùa Hương sẽ tăng khoảng 5% so với năm ngoái", ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - Trưởng BTC Lễ hội chùa Hương thông tin.
Không còn tình trạng xô xát, ẩu đả, tranh cướp lộc, gây nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của người tham gia lễ hội… đó là những nét đổi mới đến từ lễ hội đền Sóc 2018. Theo Ban tổ chức lễ hội đền Sóc năm 2018, sau nghi thức tế lễ bắt đầu vào 6h45 (sớm hơn 1 giờ so với những mùa hội trước), vật phẩm dâng thánh sẽ được lưu lại đền Thượng để phát cho du khách vào khung giờ nhất định. Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Sóc năm 2018 chia sẻ, sự điều chỉnh trong công tác tổ chức lễ hội sẽ giúp đẩy lùi hiện tượng tranh cướp lộc đầy tính bạo lực thường xuất hiện trong các mùa lễ hội trước đây… trả lại không gian linh thiêng, văn minh, an toàn cho người tham gia lễ hội.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) hiện cả nước có khoảng 8.000 lễ hội lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực còn một số nét đẹp văn hóa của số ít lễ hội đầu năm trước đây đang bị biến tướng như: diễn ra sự ẩu đả, tranh giành, giẫm đạp thậm chí đã có đổ máu chỉ để cướp lộc, đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, “buôn thần, bán thánh”, nâng giá bắt chẹt khách thập phương hay các hành vi ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng…
“Để giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp của lễ hội, bên cạnh việc xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; chấm dứt nạn bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức. Các đơn vị tổ chức cần sắp xếp lại các hàng quán, bảo đảm sự tôn nghiêm của di tích và phải có sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội. Từ đó, nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội, của cả cộng đồng và xã hội đối với những hoạt động có ý nghĩa nhân văn này…” - PGS.TS văn hóa Phạm Ngọc Trung chia sẻ.
Năm mới - khí thế mới
Bước sang năm 2018, là năm bản lề quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, tiếp tục triển khai thực hiện 08 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020 trên các lĩnh vực và triển khai có hiệu quả chủ đề: “Năm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”.
Đề cập những nhiệm vụ cần tập trung ngay những ngày đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ của năm 2018, thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 34/CTr-UBND của UBND Thành phố thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, Nghị quyết của HĐND thành phố về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, công việc theo chương trình công tác đã đề ra. Đồng thời, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội lưu ý các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay những ngày làm việc sau Tết, bảo đảm chất lượng và tiến độ...