Văn học, nghệ thuật với các vấn đề của đất nước hôm nay: Dấn thân tạo dấu ấn mới
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:05, 19/12/2021
Chuyển động cùng đời sống
Trước nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, văn học, nghệ thuật với thế mạnh là một lĩnh vực đặc biệt tinh tế và hấp dẫn đã hiện diện bằng những sáng tác tiêu biểu, có dấu ấn, ảnh hưởng nhiều mặt, nhiều chiều đến tư tưởng, thẩm mỹ, đạo đức, lối sống của con người hôm nay.
Trong 2 năm qua, cùng với các lực lượng, văn học, nghệ thuật với “vũ khí” là tác phẩm góp phần kết nối triệu trái tim người Việt Nam chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Hai đợt phát động sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã quy tụ hàng trăm ca khúc có sức sống trong cộng đồng, như: “Vững một niềm tin”, “Hành khúc chống dịch” hay ca khúc cùng vũ điệu “Ghen Cô Vy” đã lan tỏa khắp thế giới. Hàng chục chương trình nghệ thuật trực tuyến “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”, “Tiếng hát át Covid” hay phim truyền hình “Ngày mai bình yên”, phim tài liệu “Ranh giới”, cùng hàng trăm MV (video âm nhạc), tiểu phẩm sân khấu…, góp phần động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch và tuyên truyền phòng, chống dịch bằng nghệ thuật…
Đóng góp xây dựng con người Việt Nam, văn học, nghệ thuật có nhiều tác giả, tác phẩm ghi dấu ấn: Truyện dài “Làm bạn với bầu trời” (Nguyễn Nhật Ánh), tập thơ “Nguồn” (Trần Quang Quý), ca khúc “Dâng người ngàn hoa chiến công” (Chẩm Hồng Giang), ảnh “Mái ấm thiên thần” (Kim Chi) hay các phim “Song lang”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Hạnh phúc của mẹ”; các vở sân khấu “Kẻ trộm” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Bệnh sĩ” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Bộ cảnh phục” (Nhà hát Tuổi trẻ)…
Với vấn đề bảo vệ biên giới, biển đảo, nhiều tác phẩm: “Ngang qua bình minh”, “Lòng tôi biên giới” (văn học); “Nụ cười chiến sĩ” (sân khấu); “Biển, Tổ quốc tôi” (âm nhạc); “Tuần tra trên đảo”, “Đường biên” (mỹ thuật); “Tự hào Việt Nam” (nhiếp ảnh); “Truyền thuyết đảo xa” (điện ảnh)… được thể hiện với ngôn ngữ hiện đại, cách tiếp cận mới mẻ, phù hợp với khán giả hiện nay.
Thời gian qua cũng ghi dấu nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam bước ra thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Có thể kể đến là sách tranh “Chang hoang dã: Gấu” được xuất bản tại 6 quốc gia; phim “Cha cõng con”, “Mắt biếc”… chiếu tại hệ thống rạp quốc tế; hàng trăm buổi diễn ca múa nhạc, nghệ thuật truyền thống Việt Nam được tổ chức tại nhiều quốc gia. Vấn đề đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng là mảng đề tài quan trọng với nhiều bộ phim tài liệu giá trị…
Là người yêu nghệ thuật, chị Phạm Thùy Linh (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Những vấn đề thời sự, thông điệp ý nghĩa về cuộc sống được truyền tải bằng truyện, thơ, hay âm nhạc, phim ảnh, sân khấu…, giúp công chúng dễ tiếp nhận, ghi nhớ và để lại nhiều dư âm”.
Phát huy sức mạnh của văn học, nghệ thuật
Sự phát triển của công nghệ với những hình thức giải trí, thư giãn hấp dẫn đang tạo thách thức cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong nhiệm vụ phản ánh hiện thực đời sống, góp phần truyền đạt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam… Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, bên cạnh tập trung sáng tác, lực lượng văn nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật, cơ quan quản lý đã rất nhanh nhạy, vận dụng hiệu quả công nghệ, nền tảng số để lan tỏa tác phẩm đến công chúng.
Để bám sát những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước đúc kết thành tác phẩm, theo Giáo sư Phong Lê, cần sự dấn thân, nhập cuộc bằng tâm huyết, trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của văn nghệ sĩ, nhất là thế hệ trẻ - chủ thể chính của thời đại hôm nay. Cùng chung quan điểm, Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ chia sẻ: "Muốn phát huy hiệu quả tài năng, trí tuệ của đội ngũ sáng tác trẻ, thì phải đầu tư đào tạo nghiêm túc, chuyên nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cần hiện đại hóa hệ thống rạp chiếu phim, sân khấu, nhà triển lãm, xây dựng kênh phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật quốc gia trên nền tảng số...".
Muốn quảng bá, giới thiệu tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng như hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan đề xuất, các tác giả phải lựa chọn nội dung phù hợp, thể hiện được tinh hoa, nét đặc sắc của Việt Nam để hấp dẫn khán giả quốc tế. Nhà nước cũng cần có những cơ chế, thủ tục thuận lợi, tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị đưa tác phẩm ra thế giới.
Để phát huy sức mạnh của văn học, nghệ thuật trước những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn đề nghị, các ngành, địa phương tạo thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo; xây dựng cơ chế cung cấp thông tin, bảo đảm văn nghệ sĩ hiểu rõ quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước với những vấn đề quan trọng của đất nước; có chính sách quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị, thời sự đến công chúng…