Kể chuyện vua Lê Thánh Tông làm thơ và câu đối
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:41, 01/03/2018
Vua Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442). Sinh ra và lớn lên ở ngoài cung cấm nên từ nhỏ vua đã sống gần dân luôn chăm chỉ học hành, dáng vóc đoan chính, đĩnh đạc thông tuệ hơn người… Được truyền ngôi năm 18 tuổi, Lê Thánh Tông là một đức vua hiền từ, nhân hậu, một nhà văn hóa lớn… Cuộc đời hoạt động của vua Lê Thánh Tông sôi nổi và tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực; được cả quân lẫn dân đương thời tôn kính: “Vua như từ trời cao siêu xuống nuôi dạy dân, anh minh quyết đoán”. Là người ham đọc s
Thật vậy, trong suốt 38 năm (1460 – 1497) trị vì, đức vua Lê Thánh Tông đã làm được nhiều việc lớn, cho dân an, quốc thịnh, và để nhân dân đặt nhiều niềm tin đức vua quang minh chính đại như: Mở khoa thi kén chọn hiền tài, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, mở mang ngành nghề, mở rộng giao lưu buôn bán, ban hành chế độ quân điền thực túc binh cường, coi trọng bảo vệ biên giới nhắc nhở quan dân phải giữ gìn từng tấc đất núi sông, ban hành Bộ luật Hồng Đức được nhiều triều đại sau áp dụng, minh oan cho Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ Chi viên.
Sách tranh kể chuyện về vua Lê Thánh Tông
Trong bài viết này tôi kể thêm một số câu chuyện về vua Lê Thánh Tông luôn thích làm thơ và câu đối để thấy được những nỗi ưu tư cũng như sự quan tâm, gần dân của đức vua.
Câu chuyện thứ nhất
Khi nghĩ đến việc chăm lo cho dân cho nước, vua viết:
Lòng vì thiên hạ những lo âu
Thay việc trời dám trễ đâu
Trống rời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chẳng thôi chầu
Khi giá lâm về viếng các bậc tiền vương ở xứ Thanh, vua có đóng giả thành ông đồ vào thăm quan bản địa (là anh Võ). Ông già quét dọn trang huyện đường đã thách đố “ông đồ” làm thơ vịnh cái chổi. “Ông đồ” suy tư và tức khắc đọc luôn:
Lời chúa vâng truyền xuống ngọc giai
Cho làm lệnh tướng quét trần ai
Một tay vùng vẫy trời tung gió
Bốn cõi tung hoành đất sạch gai
Ngày vắng rủ mây cùng Bắc Hán
Đêm thanh tựa nguyệt chốn lâu đài
Ôm lòng gốc rễ lâu cùng dãi
Mòn mỏi lưng còn một cái đai.
Thực là đức vua thơ văn thật kỳ tài; mỗi bước đi của vua đã có thơ, trong thơ như có cả nhạc và họa…
Câu chuyện thứ hai
Huyền thoại còn truyền rằng: Một ngày giáp Tết, vua Lê Thánh Tông giá lâm về chốn thôn dã. Thấy cô thôn nữ “khuôn trăng đầy đặn”, vóc người đẹp xinh, đang lúi húi đãi gạo để gói bánh, liền đọc một vế câu đối vui với các tùy tùng: “Gạo trắng nước trong, mến cảnh, lại càng thêm mến cả…” Đám tùy tùng còn đang ngơ ngác, cô gái xinh đẹp ngừng đãi gạo đáp: “Đất lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo cho…” Hai câu đối của vua và cô thôn nữ đều như vu vơ, lấp lửng mà thành đôi câu đối rất chỉnh. Vua khen câu đối của cô thôn nữ hay, con người này biết lo cho đời và tỏ ý muốn vời về kinh…
Vào một dịp xuân khác vua Lê Thánh Tông đi vãn cảnh Văn Miếu qua chùa Ngọc Hồ. Vua đọc hai câu thơ để làm đề tài cho các thi nhân Hội Tao Đàn ngâm vịnh:
Tới nơi thấy cảnh thấy người
Tuy vui đạo Phật chưa nguôi lòng thiền
Bỗng từ đám đông vãi già, vãi trẻ ở sân chùa có một vị nữ khôi ngô ứng khẩu luôn một bài, trong đó có hai câu tương đồng ý nghĩa với hai câu thơ của vua:
Chày kinh một tiếng tan niềm tục
Hồn bướm ba canh lẩn sự đời.
Vua Lê Thánh Tông thấy hay định vời nàng về kinh, nhưng đến chợ Cửa Nam thì nàng biến mất… Vua nghĩ nàng là tiên nữ giáng trần, cho xây miếu thờ gọi là “lầu Vọng Tiên” ở đó. Thiên tình sử này đã đi vào văn học Việt Nam với điển tích “hồn bướm mơ tiên”.
Câu chuyện thứ ba
Vua Lê Thánh Tông khi vi hành thường cải trang để ra các trấn ven đô. Có lần, vua đi xem dân sắm Tết. Vào một nhà cửa khép hờ, bếp lạnh tanh vua ân cần hỏi: Sao Tết nhất đến nơi mà nhà đây chẳng có gì chuẩn bị cho Tết? Chủ nhà buồn bã bẩm: Nhà cháu làm cái nghề nhơ bẩn, không dám phô bầy cho dơ dáy thêm! Vua lại hỏi nghề gì mà xấu xa? Chủ nhà đáp: Nhà cháu không có ruộng, chỉ có đôi gơ (thứ để đựng phân) nhặt phân về bán cho nông dân bón ruộng theo chiếu khuyến nông của vua!... Sau chuỗi cười sảng khoái, vua vui vẻ nói: “Đó là nghề hữu ích, không coi là hèn mạt! Việc làm ấy rất nặng nhọc, rất đáng khen!” Vua sai tùy tùng đưa giấy hồng điều, bút mực rồi ban tặng cho nhà ấy đôi câu đối:
Thân nhất nhung y, đởm thế gian chi nan sự
Đế tam xích kiếm thu thiên hạ chi nhân tâm!
Rồi vua giảng giải là: Khoác áo ngoài vào, có thể đảm đương việc khó của thế gian! Cần ba thước kiếm (que gắp phân) thu hết lòng dạ ở trần gian (gắp mọi thứ phân). Vợ chồng chủ nhà hiểu ý nghĩa của việc mình làm thêm phấn khởi… Dân làng thấy vậy vui lây và trân trọng việc làm ấy…
Lại một dịp vào xuân Mậu Tuất (1487), vua đến một nhà ven đô, không nghèo lắm nhưng cũng không có câu đối mừng xuân. Hỏi ra mới biết nhà này làm nghề thợ nhuộm vì chồng chết chưa đoạn tang. Vua an ủi, chồng mất đã mất rồi. Phải vui vẻ hành nghề, đó là nghề làm đẹp cho mọi người… Rồi vua tặng cho đôi câu đối:
Thiên hạ thanh, hoàng giai ngã thủ
Triều trung chu, tử tổng ngô gia
Nghĩa là:
Màu vàng màu xanh làm đẹp khắp thiên hạ
Màu đỏ màu tím trong triều đình… tất cả do nhà ta hết!
Nhận câu đối người quả phụ vui lại như Tết.
Gần 40 năm trị vì đất nước, vua Lê Thánh Tông luôn được dân yêu mến, kính trọng. Sử sách đã dành nhiều trang ghi chép về đức vua có lòng nhân, có tâm sáng, để lại cho đời nhớ ghi một đấng minh quân bất tử.