Nhà Văn Việt Nam: Đồng hành cùng đất nước là đồng hành cùng những vấn đề sống còn của dân tộc
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 12:17, 02/03/2018
“Các nhà văn Việt Nam đồng hành cùng đất nước”
Sẵn sàng cho Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI năm 2018
Trước đó, từ 8h30 ngày 1/3 (tức ngày 14 tháng Giêng), tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), các hoạt động thi, trình diễn thơ, biểu diễn nghệ thuật của các câu lạc bộ thơ trong khuôn khổ hoạt động Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 cũng đã diễn ra sôi nổi.Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16
Ngày Thơ Việt Nam của chúng ta đã bước sang năm thứ 16. Suốt chặng đường 15 năm qua, công chúng yêu thơ nước ta đã làm được một việc chưa từng có đó là: đưa thú thưởng ngoạn thơ ca tao nhã của một nhóm nhỏ trong một thính phòng trở thành cuộc giao tiếp rộng lớn tại các quảng trường trên cả nước; tạo nên sự cộng hưởng đẹp đẽ giữa nhà thơ và công chúng yêu thơ. Ở đó, các thi sĩ thấy bạn đọc của mình và bạn đọc tham gia với thi sĩ bằng tình yêu và kinh nghiệm sống. Việc một quốc gia trong một năm và hàng năm dành riêng một ngày để tôn vinh các giá trị thơ ca là một việc làm hiếm có trên thế giới.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bồi hồi nhớ lại: Cách đây 15 năm, trong tờ trình các cơ quan Đảng và Nhà nước xin phép tổ chức Ngày Thơ Việt Nam chúng tôi chọn sự kiện Bác Hồ (năm 1948) Đinh Hợi đúng vào Rằm tháng Giêng Bác viết bài thơ Nguyên Tiêu. Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 của chúng ta tổ chức đúng vào dịp Kỷ niệm 70 năm bài thơ Nguyên Tiêu bất hủ của Bác ra đời. Bác đã để lại nhiều di sản bất hủ cho dân tộc ta, cho đất nước ta trong đó có bài thơ Nguyên Tiêu. Chúng ta cùng có mặt tại Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 này và cùng có mặt trên tất cả các địa điểm cả nước đồng tâm gửi tới những lời biết ơn vô hạn đến Bác Hồ kính yêu cả chúng ta.
Ngày Thơ năm nay được tiến hành với chủ đề: “Nhà văn đồng hành cùng đất nước”. Đồng hành cùng đất nước là đồng hành cùng những vấn đề sống còn của dân tộc của nhân dân, đồng hành với những người lao động, sáng tạo vô cùng vất vả và cao thượng trên tất cả các lĩnh vực đời sống. Đó là đồng hành với những con người đang đứng ở đầu sóng ngọn gió trong sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc của chúng ta. Đó chính là những nhân vật trung tâm của văn học trong thời kỳ đổi mới. Đấy cũng chính là cảm hứng không bao giờ quên, không bao giờ vơi cạn không chỉ của nhà thơ mà còn của cả tất cả những người lao động văn học trên cả nước.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 thu hút hàng nghìn người tham dự. Đây thực sự là cuộc gặp gỡ lớn của những người yêu thơ
Thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam tôi nhiệt liệt chào mừng đoàn đại biểu Hội nhà thơ Nhật Bản sang thăm và tham dự Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16. Xin nhiệt liệt chào mừng và cám ơn các vị khách quý những người đã nồng nhiệt, thủy chung đồng hành với chúng tôi trong 15 năm qua và hôm nay lại có mặt tại đây đem đến cho các nhà thơ tình cảm và sự khích lệ không gì so sánh được. Thật đúng là: ‘Nhân dân là bể, văn nghệ là thuyền/ Thuyền xô sóng dậy, sóng đẩy thuyền lên’ như nhà thơ Tố Hữu đã viết. Với ý nghĩa đó, nhà thơ Hữu Thỉnh đã long trọng tuyên bố khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16.
Tiến tới đưa Ngày thơ Việt Nam dần trở thành Ngày văn học Việt Nam
Năm nay cũng là năm đầu tiên Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ. Có các nhà thơ tiêu biểu đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản sẽ gặp gỡ, giao lưu với công chúng yêu thơ Việt Nam ở hai sân thơ. Ngoài ra còn có sự tham gia của hơn 60 câu lạc bộ thơ trên khắp cả nước với nhiều hoạt động trình diễn, giới thiệu thơ. Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức có triển lãm chân dung, hình ảnh các nhà văn Việt Nam đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tại Ngày Thơ năm nay có khoảng 10 “ki- ốt thơ” tại sân Văn Miếu chủ đề thơ lục bát, thơ Facebook, thư pháp…
Bên cạnh đó, khu vực dành cho thơ thiếu nhi với sự tham gia tổ chức của CLB Đọc sách cùng con và Ban Văn học thiếu nhi sẽ được đầu tư như một điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam. Sân thơ trẻ tại Ngày thơ Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người yêu thơ bởi nơi đây thường hội tụ những gương mặt trẻ, tiết mục trình diễn thơ mới lạ, độc đáo.
Một số tác giả tham gia đọc thơ, có sự xuất hiện của các tác giả từ Bắc tới Nam như: Hoàng Anh Tuấn (sinh năm 1984 hiện là công an huyện Bảo Yên, Lào Cai), Trương Xuân Thiên (sinh năm 1979, hiện sinh sống làm việc tại Thanh Hóa), Tạ Anh Thư (giảng viên ngữ văn Đại học Thủ dầu 1 Bình Dương). Các tác giả là tân hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có Lý Hữu Lương (sinh năm 1988, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Thy Nguyên (sinh năm 1981, hiện sinh sống và làm việc tại Hải Phòng)...
Theo Ban Tổ chức, các hoạt động trên là bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới việc đưa Ngày thơ Việt Nam dần trở thành Ngày văn học Việt Nam, góp phần tôn vinh thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương.