Chất vấn hai nhóm vấn đề tại Phiên họp thứ 22 của UBTVQH

Tin tức - Ngày đăng : 17:03, 03/03/2018

Ngày 1-3, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã ký ban hành Kế hoạch số 252/KH-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.
Chất vấn hai nhóm vấn đề tại Phiên họp thứ 22 của UBTVQH
(Ảnh minh họa: Trọng Đức/TTXVN)
Theo Kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức phiên chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề tại Phiên họp thứ 22. 

Nhóm vấn đề thứ nhất: các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm trả lời chính đối với nhóm vấn đề này. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. 

Nhóm vấn đề thứ hai: hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội. 

Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học-công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế​-xã hội. 

Nhóm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm trả lời chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Công ​Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục và Đào tạo cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. 

Dự kiến, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong trọn ngày 21-3 tại Phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội và được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Phiên chất vấn lần này thực hiện thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay” (đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 01 phút/lần; người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu Quốc hội, thời gian không quá 03 phút/lần); trường hợp đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận, tuy nhiên thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên. 

Sau hoạt động chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết hoặc kết luận làm cơ sở để giám sát việc thực hiện. 

Tham dự phiên họp chất vấn ngoài các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có sự tham dự của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương; lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… cũng như các cơ quan có liên quan đến lĩnh vực được chất vấn.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)