Ngân nga tiếng lòng người đục đá
Thơ - Ngày đăng : 14:57, 05/03/2018
Quen biết và tiếp xúc với Nguyễn Phú Cường đã lâu, nhưng quả thật, anh và tôi chưa một lần nói chuyện về thơ. Trong ý định, tôi hằng mong có dịp tìm hiểu kỹ và viết bài về sự nghiệp điêu khắc của anh - một sự nghiệp không chỉ người trong giới mà đông đảo công chúng đều ghi nhận, đánh giá cao. Sự nghiệp ấy đã được tôn vinh bằng Giải thưởng Nhà nước về văn hóa - nghệ thuật.
Chưa kịp thực hiện ý định ấy, thì một ngày gần đây, nhà điêu khắc mang tặng tôi tập thơ gồm 40 bài, có tên là Hoài niệm. Thật là thú vị và bất ngờ. Bất ngờ, nhưng không ngạc nhiên. Bởi vì, đã nhiều lần, anh làm tôi xúc động vì những trang văn khá sinh động của anh, được in trên một số tạp chí của ngành mỹ thuật. Mỗi lần như thế, tôi lại gọi điện cho anh, vừa bày tỏ niềm thích thú vừa chờ đợi nơi anh những thành quả mới. Cho đến gần đây, tôi không hề nghĩ anh là người làm thơ. Thế nhưng, không còn nghi ngờ gì nữa: với Hoài niệm, Nguyễn Phú Cường thực sự mang dáng dấp một thi sĩ. Thì ra Nguyễn Phú Cường không chỉ tạc tượng bằng đá, bằng đồng, anh còn tạc bằng ngôn ngữ nữa. Trong tập thơ này, đã hiển hiện nhiều gương mặt, nhiều bóng dáng những con người, những vùng trời, những miền quê mà anh yêu mến với tất cả niềm ơn nghĩa thiết tha.
Hoài niệm… tôi đọc đi đọc lại tập thơ này, suy nghĩ và đồng cảm với mỗi bài, mỗi câu, mỗi chữ anh viết. Và, qua những câu thơ này, tôi hiểu thêm anh, ít nhất cũng là cảm nhận một góc mới trong tâm hồn của nhà điêu khắc mang nhiều hoài bão, mang nhiều khát vọng. Hoài niệm, cái tên rất thích hợp cho tập thơ. Từ đầu chí cuối, đây là cả một chuỗi hoài niệm. Hoài niệm về chiến trường xưa, về đồng đội ở Trường Sơn, ở khu Chiến Sơn Long, ở Hòn Chiêng, ở Xê Băng Hiêng… Hoài niệm về những người đã khuất và những người từng chiến đấu bên anh: đó là Hoán, là Dinh, là Lịch, là Mười; đó là các chiến sĩ B1, C18E31, là tiểu đội nuôi quân… những hoài niệm thấm đẫm “tình rừng”, “tình quê”. Trở lại Trường Sơn, Nguyễn Phú Cường cảm nhận “Hang sâu đồng đội hiện về” và trăn trở mãi về tâm trạng “mắc lỗi với rừng/ một thời chiến tranh/ nuôi ta sống bằng măng tre rau đắng”, “mắc lỗi với đại ngàn Trường Sơn/ nơi chằng chịt những con đường máu lửa…”. Nguyễn Phú Cường da diết nhớ “rờm rợp những đoàn quân ra trận” nhưng nhiều đồng đội đã “không về”. Trong cuộc sống hôm nay, xô bồ hối hả, bị lôi cuốn theo “cơn lốc kim tiền” anh và không ít người đã không còn “thấy lại dáng Trường Sơn” nhưng khác nhiều người, Nguyễn Phú Cường thành thật nhận ra mình:
Khi hiện hữu làm xói mòn kỷ niệm
Là ta đang mắc lỗi với cuộc đời
Khi cuộc sống quay lưng vào quá khứ
Là ta đang phản bội lại chính mình.
Anh nhiều lần thú nhận mình đã mắc lỗi, nhất là vào ngày liệt sĩ, vào mùa Vu lan nhớ về đồng đội. Và mỗi lần như thế, anh lại “cúi đầu vái lạy các anh”, “cúi lạy Người”- những “chân linh liệt sĩ” và mong được “trả nghĩa” bằng những việc làm có ích để góp phần làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa. Với “lòng thành tâm hương”, “lòng thành tưởng niệm”, Nguyễn Phú Cường mãi mãi không quên:
Ngày chiến thắng
Giữa biển người phố thị
Ta tan vào trong nắng rợp cờ hoa
Đâu cũng thấy vết dép cao su
bụi đường lấm đỏ.
Và anh:
Bỗng nhận ra Trường Sơn
Trong màu đất phía thượng nguồn
Phía thượng nguồn ấy, có biết bao “câu chuyện cổ tích ngày xưa” - nơi “gọi tổng đài loa rít như sôi”, “nơi bom rơi đạn nổ tứ bề/ đảo chao hầm cóc/ ngả nghiêng đất trời/ mấy lần đá lở/ đất vùi” - nơi có tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Dinh “Ra đi mãi mãi không về/ Anh nằm lại giữ đường giây/ Giữa vòng vây địch phục” giữa “Hòn Chiêng mịt mù bầm dập/ chớp lửa chói lòa”.
Tất cả đó, đối với nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, là “tượng đài liệt sĩ”. Những tượng đài trong tâm hồn anh, trong nhịp sống của anh… và đã hóa thân vào hàng chục, hàng trăm tác phẩm điêu khắc của người nghệ sĩ. Và đây, trước những tượng đài bằng ngôn ngữ, anh thổ lộ:
Xin được khóc để nước mắt thấm vào mạch đất
Tưới mát cỏ mềm trên phần mộ xanh hơn.
Xin ký thác lòng tôi vào rừng cây che mát
Nơi anh nằm…
Và:
Để muôn đời anh trẻ mãi tuổi hai mươi
Vẫn trong dòng hoài niệm dường như dài vô tận, Nguyễn Phú Cường dành cho quê hương, cho cha mẹ, cho những người thân yêu nhất những tình cảm sâu nặng khó phai mờ. Người chiến sĩ Trường Sơn năm nào bâng khuâng tìm về cố hương, trở lại con ngõ hẹp, gặp lại thời thơ ấu với “những vết chân gầy chồng lấn vết chân trâu”, từng “tát cá tháng ba, đơm lờ tháng tám”, “lên núi chặt tre, đan thuyền dựng liếp”, một thời bắt ốc, thả mồi, hái từng ngọn rau sam, bứt từng quả ổi, từng đánh đáo, tắm truồng, bắt sáo, trèo non…
Đọc Nguyễn Phú Cường, cũng như anh, ta “đắm mình hoài niệm” về quê hương, về thời thơ ấu của mình, ta gặp lại dòng sông quê vơi đầy trong đục, với những điệp khúc buồn và vui, biến thành lời ca mà ai cũng có thể hát trong mơ theo nhịp mái chèo…Với Nguyễn Phú Cường, cái vườn nhà cũng trở thành “cuốn sử biên niên” lấp lánh những cánh hoa dâm bụt, những cánh chim chao lượn, những tiếng ve kêu nắng rát, những vết chém vào cây thuở nào…
Có lẽ, nhà điêu khắc làm thơ chỉ nhằm ghi lại những cảm xúc vụt đến từ tâm hồn mình, chứ không nghĩ mình sẽ là một thi sĩ. Nhưng, dù vụt đến, dù nhất thời, những cảm xúc ấy vẫn có sức gợi thật sâu xa, từ “vị mồ hôi của cha”, “nước mắt của mẹ”, đến cả trận đòn ngày xưa do nghịch đại…” Hoài niệm, với anh, không chỉ là hoài niệm, đó là tình thương yêu, là ơn nghĩa, là cả niềm ân hận. Viết về cha mẹ không nhiều, chỉ có vài bài rất ngắn, nhưng đó là những câu thơ được chắt lọc từ trái tim, từ tấm lòng của người con hiếu thảo, để làm nên cả một bức tượng đài bất diệt:
Mẹ nguyên vẹn
Mẹ trong con
Hòa vào trời đất
Đi cùng tháng năm
Vàng tơ
Rút ruột sợi tằm
Nối dài đời mẹ
Ngàn năm trường tồn
Cũng là hoài niệm, nhưng ở những bài thơ viết về tình yêu (như: “Một thời đắm say”, “Con đò nên ngãi”, “Đợi”, “Bóng nắng đường yêu”, “Nói với người yêu ta”, “Giọt mùa xuân”), Nguyễn Phú Cường như chuyển sang một giọng điệu khác: lãng mạn, ngọt ngào và ấm áp. Thơ tình yêu của anh thường gắn với con sông quê - “dùng dằng ở khúc quanh/ xoáy vào ruột đất”, nơi ấy có con đò nên ngãi/ có “chín khúc tình yêu/ bởi chín dòng sông/ chín lần đò chờ bến”, chàng trai đã “gọi chín lần chín tiếng hò lờ sông Cái” và đã “chín lũy thừa/ anh vục vào mặt sóng/ uống giọt mát lành như uống nghĩa tình em”. Thơ tình yêu của anh cũng đầy nắng. Ấy là “bóng nắng đường yêu”, phố giăng đầy bóng nắng, và những giọt nắng lóng lánh trên tóc của nàng theo gió bay bay… Trái tim người con trai nhiều phen thổn thức, cồn lên rạo rực, cháy bỏng đam mê, đã mòn thời gian đợi. Ấy là thuở đầu đời vụng dại, vò nhàu tuổi hoa. Nhưng, đúng là, như anh nói: “Năm tháng qua/ thời gian qua/ vẫn như mướp đắng nở hoa cuối mùa”…Vâng, đó là “tình khúc tuổi đôi mươi”, “tình khúc của con tim”, con tim trong trắng thẳng ngay/ trăm năm chỉ một vòng tay ân tình…
Cảm ơn Nguyễn Phú Cường đã giúp tôi hiểu anh hơn, quí anh hơn, bởi những bài thơ trong sáng, chứa chan tình nghĩa. Và, hơn lúc nào hết, nghĩ về những tác phẩm điêu khắc của anh, tôi thấy trên những hình thù bằng đá, bằng đồng ấy như lung linh nhiều hơn ánh sáng của tâm hồn nghệ sĩ. Phải chăng, trong sáng tạo, trong lao động nghệ thuật, nhịp trái tim anh lúc nào cũng rung động và anh nhìn xuyên phá không gian để tạo nên “những khuôn hình in dấu chân thời đại”. Như một “tuyên ngôn”, Nguyễn Phú Cường viết:
Với tài năng và trái tim trung thực.
Anh viết nên trang tình sử bằng hình
Còn hơn một “tuyên ngôn”, người tạc tượng ấy đã cất lên bài ca, một bài ca đầy khát vọng:
Biết đâu mạch sống sinh sôi
Ngầm trong lòng đá chờ ngày thăng hoa
Và:
Bàn tay tài hoa
Ký thác hồn vào đá
Thành mảng khối thi ca
Và, từ lưỡi thép âm vang, nghe có vẻ “lạnh lùng”, “khô khan”, nhưng qua thơ anh, người đọc đã cảm nhận:
Ngân nga tiếng lòng người đục đá.