Mùa xuân gõ cửa gia đình nhà thơ Trà Mi

Thơ - Ngày đăng : 15:03, 05/03/2018

Xuân Mậu Tuất (2018) đã đến. Sau thời khắc tưng bừng đón giao thừa bên hồ Gươm lịch sử, chúng tôi - nhóm phóng viên báo Người Hà Nội quyết định "xông đất" gia đình nhà thơ Trà Mi. Sở dĩ chúng tôi chọn chị vì Trà Mi là người Hà Nội khá tiêu biểu.
Mùa xuân gõ cửa gia đình nhà thơ Trà Mi
Gia đình nhà thơ Trà Mi du xuân
Trong khu phố cổ Hà Nội, Trà Mi chào đời đúng ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Suốt cuộc đời chị gắn bó với nghề dạy học, nhưng nghiệp văn chương theo chị từ thuở cắp sách đến trường, cho đến khi tạm dừng công việc “trồng người” (2009) chị mới chuyên tâm làm thơ. Thơ của Trà Mi được giới thiệu trên các báo, tạp chí Trung ương và Thủ đô. Năm Hà Nội 1000 tuổi chị xuất bản tập thơ đầu tay mang tên "Thơ tình Trà Mi”, được đông đảo công chúng yêu thơ và bạn bè nồng nhiệt đón nhận.

Ngôi nhà 4 tầng của gia đình nhà thơ Trà Mi nằm trong ngõ 84 phố Ngọc Khánh ngập tràn sắc xuân. Đó là xuân sum họp hạnh phúc với đầy đủ các thành viên trong gia đình. Dù bận rộn công việc quản lý một công ty ở TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Anh Dũng – chồng chị (nguyên là một nhà giáo) cũng về nhà ăn Tết. Càng đặc biệt  hơn khi nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng Hoàng Tùng – người con duy nhất của anh chị cũng không tham gia show diễn ở Sài Gòn để về bên ba mẹ ngày xuân sum vầy.

Cũng như mọi gia đình ở Hà Nội, chị sắm sửa Tết đủ bộ: cành đào Nhật Tân, quất Tứ Liên và mâm ngũ quả thật phong phú. Từ thuở bé đến giờ Trà Mi chỉ thích đào phai, phải chăng những cánh đào mỏng manh, phơn phớt hồng ấy có cái gì quyến rũ và gắn bó với chị. Chậu quất nhỏ dáng thế đẹp mắt làm sao, cành lá vươn cao mềm mại rồi buông thả từng chùm quả lúc lỉu tròn mọng. Thứ quất đó nghe nói chỉ trồng được ở Tứ Liên, nơi kết tụ phù sa sông Hồng. Năm nào cũng vậy Trà Mi sắm 2 chậu quất, một cho gia đình mình, một biếu cụ thân sinh, năm nay ba của chị đã ngoài 80 tuổi. Tết đến xuân về chị cũng không quên bát hoa thủy tiên. Thật tuyệt vời hoa thủy tiên nở đúng lúc giao thừa, tỏa hương man mác nhè nhẹ gợi nhớ đến mẹ chị - người phụ nữ tảo tần từng kể cho chị nghe sự tích hoa thủy tiên. Gọi là mâm ngũ quả nhưng mâm ngũ quả nhà chị năm nay lại dễ đến chục loại quả, trong đó có quả dưa hấu nổi bật dòng chữ “Chúc mừng năm mới” của anh Dũng mang về cùng nắng ấm phương Nam.

Thật trùng hợp thú vị, năm Mậu Tuất này con trai của chị cũng tuổi Tuất. Chị kể, Tùng say mê kịch từ ngày chưa biết chữ. Học xong 12 năm phổ thông, Tùng chỉ có duy nhất một nguyện vọng thi vào Đại học Sân khấu Điện ảnh và sau bốn năm miệt mài Tùng đỗ thủ khoa, được vinh danh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2005.

Tốt nghiệp, Hoàng Tùng trở thành nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ và làm phó đoàn kịch thể nghiệm mà nghệ sĩ nhân dân Lan Hương làm trưởng đoàn. Hơn mười năm đam mê ánh đèn sân khấu Hoàng Tùng đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể: Huy chương Vàng hội thi sân khấu – vai người chiến sĩ công an giao thông vở “Từ một ngã tư”, Huy chương Bạc vai đúp  Mã Giám Sinh và Hồ Tôn Hiến vở “Nguyễn Du với Kiều” trong hội thi Sân khấu thể nghiệm (kịch bản và đạo diễn – NSND Lan Hương).

Và nghiệp diễn đưa Tùng sang một ngã rẽ mới. Do đam mê và có năng khiếu kịch câm từ nhỏ, Hoàng Tùng đã miệt mài luyện tập và học tập, nay đã trở thành nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Việt Nam. Thời gian tới anh đã nhận lời đi biểu diễn ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cô con dâu tên là Lan Hương cũng là nghệ sĩ từng đạt Huy chương Vàng vai Mơ trong vở “Biến vĩ của tình yêu” (kịch bản của NSND Lê Chức – Đạo diễn NSND Lan Hương)

Hai thành viên nhỏ nhất của gia đình nhà thơ Trà Mi là hai cháu nội của chị: Chiêu Khanh và Tuệ Lam. Hai cô gái nhỏ xinh xắn làm căn nhà nhỏ thêm phần lung linh. Bé Thóc – Tuệ Lam múa tặng bà những điệu múa ngộ nghĩnh. Bé Rơm – Chiêu Khanh là họa sĩ nhí vẽ rất nhiều tranh treo tường, để nhà bà nội sinh động hẳn lên với những bức vẽ mang tên “Bà và cháu”, “Chim hòa bình tung cánh”, “Ở vườn Bách Thảo” và “Ông già Noel tặng quà cho con”, “Gia đình Rơm và Thóc”…

Hai bé Rơm và Thóc cũng từng lên sân sấu biểu diễn màn hát múa, chương trình truyền hình trực tiếp “Biển đảo – Trái tim Việt Nam” tháng 12/2017 vừa qua.

Năm Đinh Dậu là một năm bận rộn của nhà thơ Trà Mi. Chị là thành viên tích cực của CLB: Thi đàn thứ bảy, Văn chương Cựu giáo chức quận Hoàn Kiếm, Người yêu Hà Nội, Phụ nữ Thủ đô, Bích Câu thơ… 

Tôi rất ấn tượng bài thơ “Bâng khuâng chiều phố cổ” của Trà Mi đăng trên số 52 báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Nhạc sĩ Đoàn Bổng đã phổ nhạc bài thơ “Nghe trong tiếng yêu”, ca sĩ Hồng Ngọc thể hiện, bài hát đã vang trên sóng Truyền hình được nhiều người ưa thích. Trà Mi  đang ấp ủ tập thơ mới với tên gọi “Nghe trong tiếng yêu” sẽ ra mắt độc giả trong thời gian không xa. Hi vọng sẽ được bạn yêu thơ đón nhận nhiệt tình.

Có thể nói gia đình của nhà thơ Trà Mi là một trong những mẫu gia đình truyền thống tiêu biểu cho nét đẹp của gia đình văn nghệ sĩ trí thức Thủ đô hiện nay. Đầu năm xông đất nhà chị thật vui, Trà Mi không giấu được xúc động đang trào dâng, chị hạnh phúc bên con cháu và phu quân. 

Niềm vui lan tỏa và được nhân lên về cuộc gặp gỡ đầu xuân với gia đình nhà thơ Trà Mi còn ngân mãi trong lòng mỗi phóng viên báo Người Hà Nội.

Lời xuân
Mình chẳng gần bên nhau
Nên xuân cũng xa vời
Mưa giăng trắng đất trời
Tình sầu trong băng giá

Có phải mình xa nhau?
Để mùa xuân hờn giận
Con đường tình lận đận
Giữa khung trời lẻ loi

Tình yêu… giữa khung trời lẻ loi
Lòng em ước nguyện cầu
Chúng mình tay trong tay
Ngát hương tình êm ái

Tình yêu… Giữa khung trời lẻ loi
Lòng em ước nguyện cầu
Yêu mãi không đổi thay
Say trong khúc giao mùa

 Xuân hát lời… tình yêu
Xuân hát lời… tình yêu

Trà mi

Nguyễn Tùng Linh