Hà Nội qua những ô cửa sổ
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 13:31, 12/03/2018
Hà Nội - một thành phố bình yên, một Thủ đô hòa bình
Trong năm 1965 hàng vạn người Hà Nội đã sơ tán về các vùng quê miền Bắc, nhiều nhà máy, xí nghiệp cũng sơ tán một phần thiết bị, máy móc về những nơi được cho là an toàn hơn để tiếp tục sản xuất phục vụ xây dựng đất nước và chi viện cho chiến trường miền Nam. Bỏ lại sau lưng “thềm đá nắng rơi đầy”, người Hà Nội đưa con cái về các vùng quê. Khi Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ở Paris về hòa bình ở Việt Nam vào giữa năm 1968 thì nhiều gia đình lại dắt díu nhau về Thủ đô. Cuộc sống thời chiến vốn đã khó khăn, chia gia đình làm hai nơi càng khó khăn hơn.
Lần thứ hai là năm 1972 bắt đầu từ tháng 4 khi đoàn đàm phán của Mỹ rời Paris không có lý do và Chính phủ Mỹ khi đó muốn thắng trên chiến trường để gây sức ép trên bàn đàm phán nên đã ném bom trở lại miền Bắc trong đó có Hà Nội. Chỉ trong một thời gian ngắn hơn 50 vạn người dân gồm người già, con trẻ và người không có nhiệm vụ phải ở lại Thủ đô đã dắt díu nhau dời Hà Nội, họ về nhiều miền quê ở nhờ những gia đình nông dân hiền hậu chất phác. Đi sơ tán không thể mang theo đồ đạc nên họ để lại nhiều vật dụng không cần thiết, không phù hợp với cuộc sống thôn dã.
Và thành phố chiến tranh vắng hơn, nhịp điệu chậm hơn nhưng Hà Nội vẫn bình thản, hào hoa như nó vốn có. Các cửa hàng lương thực, bách hóa, thực phẩm vẫn mở, kem Tràng Tiền vẫn bán, tàu điện vẫn leng keng đưa khách ra ngoại ô và đón khách từ ngoại ô vào nội đô. Tối thứ bảy, dù đèn đường mù mịt song vẫn có những đôi tình nhân đèo nhau bằng xe đạp đi chơi trên phố. Vẫn có tình nhân tâm sự trên ghế đá Bờ Hồ và rồi chia tay vì ngày mai chàng trai ra trận. Ở khu phố cổ vài quán cà phê vẫn có khách nhâm nhi buổi sáng. Trên ổ khóa cửa của nhiều nhà thường có mảnh giấy với nội dung giống nhau ví như “Lan đi thăm con nơi sơ tán mấy ngày mới về, ai có việc gì viết tin nhắn nhét qua khe cửa”. Vài ngày sau trở về mảnh giấy vẫn nguyên, mở khóa vào nhà đồ đạc không suy suyển.
“Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu sao không khép bao giờ”.
Hai câu này trong bài “Hương thầm” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có nghĩa bóng và cả nghĩa đen. Nghĩa bóng là đôi bạn ấy luôn mở lòng chờ nhau và tin nhau đến mức không cần cảnh giác. Còn nghĩa đen thì Hà Nội khi đó tuy không giống như một số miền quê tối tối đi ngủ không cần đóng cửa, xe đạp không khóa để ngoài sân nhưng cái ác sợ cái thiện và cái ác luôn trong bóng tối.
Trong cuốn “Xã hội hiện đại”, nhà nghiên cứu xã hội người Anh Thomas đã viết: “Nếu bạn cho không khí nơi bạn sống là trong sạch nhất thì chưa hẳn đúng, qua vệt sáng khi mặt trời mới lên, bạn vẫn thấy lơ lửng những hạt bụi”. Thời đó người ở lại trông nhà hộ người đi sơ tán. Có người bảo Hà Nội thời đó ít dân, nếp xưa còn giữ lại nhiều, điều này cũng đúng. Tuy nhiên có một điều chính người dân cũng ít biết vì sao cánh cửa hai nhà không khép bởi đêm đêm có đội viên dân phòng, có bóng Cảnh sát khu vực mặc áo vàng lặng lẽ tuần tra. Nữ ca sĩ Mỹ Joan Baez từng trú trong hầm tránh bom ở khách sạn Metropole và thu âm bài hát ở đây trong thời kỳ chiến tranh đã thốt lên: “Dù chiến tranh nhưng sau trận bom Hà Nội an toàn hơn không hỗn loạn như các thành phố châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ hai”.
Cuộc sống không ngừng chuyển động và thay đổi. Bây giờ dân số Hà Nội đông hơn, xe cộ nhiều hơn. Nhưng con phố hun hút xưa đi bộ mỏi chân nay chỉ vài phút xe máy. Xã hội thay đổi, con người cũng đổi thay. Nhà tội phạm học người Mỹ Fielman cho rằng: “Kẻ xấu gây ra những chuyện bất lương là do chúng thông minh hơn hoặc chúng ta đã đi sau chúng trong các mưu mô”. Tuy nhiên có một thứ vẫn không thay đổi dù đâu đó ta nghe chuyện này chuyện nọ khiến ta nao lòng, đó là trách nhiệm vì cuộc sống bình yên cho người dân của chiến sĩ công an. Điều đó khiến cái ác vẫn phải núp trong bóng tối, cái thiện thắng thế.
Nếu hỏi một ai đó rằng bạn có dám đi chơi khuya ở Hà Nội không thì tin chắc rằng người đó sẽ đồng ý ngay. Vì sao họ lại trả lời ngay không chút ngần ngừ? Bởi cái xấu bị trừng trị đã mang lại cho họ niềm tin vào một thành phố bình yên.