Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn cao

Tin tức - Ngày đăng : 21:51, 15/03/2018

Năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng khi toàn thành phố đã đạt mức sinh thay thế, chất lượng dân số từng bước được nâng cao... Tuy nhiên, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tăng dân số cơ học hàng năm, mức sinh ở 18 huyện/thị xã còn cao...
Hà Nội là thành phố đông dân thứ hai so với cả nước (sau TP. HCM) với dân số trung bình năm 2017 là: 7.657.374 người, chiếm khoảng 8% dân số cả nước. Hiện nay, Hà Nội cùng với cả nước đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. 

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn cao
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của Hà Nội còn cao.

Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cũng như công tác chỉ đạo các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo công tác dân số thành phố và các quận, huyện, thị xã; liên tục thay đổi nội dung và hình thức tuyên truyền; sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ các cấp, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên dân số..., công tác dân số - KHHGĐ Hà Nội năm 2017 đã đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch của thành phố và Trung ương giao. Cụ thể, toàn thành phố đã đạt mức sinh thay thế (kết quả điều tra biến động dân số năm 2015 Tổng cục Thống kê số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (TFR): 2,04 con). Cơ cấu dân số theo giới tính chung, năm 2016 tỷ số nam/100 nữ là 96,19. Cơ cấu dân số theo tuổi chuyển dịch theo hướng già hóa dân số. 

Chất lượng dân số từng bước được nâng cao khi toàn thành phố đang tập trung triển khai nhiều hoạt động, mô hình nâng cao chất lượng dân số. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh năm 2017 là 74% số bà mẹ mang thai trong đó thực hiện xét nghiệm tại Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh của thành phố Hà Nội (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội). Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh năm 2017 là 83,9% số trẻ sinh ra. Kết quả thực hiện: nghi ngờ 1229 ca thiếu men G6PD, 49 ca suy giáp trạng bẩm sinh; thực hiện sàng lọc khiếm thính tại cộng đồng cho 109.997 ca, sàng lọc Thalassemia tại cộng đồng cho 5.001 trường hợp. Sàng lọc tim bẩm sinh tại Trung tâm sàng lọc và tại cộng đồng cho 24.296 ca, trong đó chuyển khám chuyên khoa 222 ca và phát hiện 121 trường hợp tim bẩm sinh.

Các hoạt động sàng lọc khác cũng được chú trọng như: Sàng lọc khiếm thính tại các trung tâm và cộng đồng; sàng lọc tan máu bẩm sinh (Thalassemia) tại cộng đồng và ưu tiên cho các vùng xa, khó khăn của Thành phố; sàng lọc tim bẩm sinh tại cộng đồng. 

Đồng thời, các mô hình nâng cao chất lượng dân số được triển khai như mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng; mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; mô hình truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù; mô hình can thiệp giảm tỉ lệ hôn nhân cận huyết thống ở xã khó khăn.

Dẫu vậy, theo ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó trưởng Ban Thường trực chỉ đạo công tác dân số thành phố, công tác dân số - KHHGĐ Hà Nội vẫn gặp nhiều thách thức khi mức sinh ở 18 huyện/thị xã của Hà Nội còn cao. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, tạo ra áp lực lớn trong việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình Thủ đô. Mật độ dân số có sự chênh lệch lớn giữa khu vực nội thành và ngoại thành. Bên cạnh đó, tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ nam/100 trẻ nữ) đang ở mức cao. Cụ thể: năm 2017 là 113,5/100, vẫn cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước (năm 2016 cả nước là 112,2/100). Vì vậy, sang năm 2018. “Để đạt được mục tiêu năm 2018, công tác dân số - KHHGĐ Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng về thực hiện chính sách dân số; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 như: đẩy mạnh truyền thông tư vấn nâng cao chất lượng dân số; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh...; kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ dân số các cấp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động, mô hình, đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025...” – Ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

Hà Thanh