65 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam: Thôi thúc vươn lên tầm cao mới
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:37, 18/03/2018
Trung tuần tháng 3 này, giới điện ảnh nước nhà náo nức trong không khí kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2018). Tuy nhiên, như chia sẻ của Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan, càng tự hào về bề dày truyền thống, những người làm nghề càng cần ý thức rõ trách nhiệm tìm kiếm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đưa nền điện ảnh Việt Nam lên một tầm cao mới.
Một cảnh trong bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” - một trong 18 phim Châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. |
Hành trình ghi dấu ấn
Không thể không kể đến những dấu ấn đặc biệt trong hành trình 65 năm xây dựng và phát triển của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Với đặc thù của ngành nghệ thuật có tính quốc tế cao, rất nhiều bộ phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình của Việt Nam được vinh danh tại các liên hoan phim quốc tế và khu vực. Những "Chung một dòng sông", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Bao giờ cho đến tháng Mười"... đã chinh phục đồng nghiệp nước ngoài bởi tính nhân văn, bản sắc dân tộc đậm nét, phản ánh những vấn đề gia đình - xã hội sâu sắc và khai thác tinh tế tính cách, số phận con người.
Trong 5 năm gần đây, tuy chưa có nhiều tác phẩm ghi dấu ấn như thời kháng chiến, nhưng điện ảnh nước nhà lại có những bước tiến đáng kể trong công tác quản lý, định hướng phát triển thời hội nhập. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát đánh giá: "Thời gian qua, Cục Điện ảnh đã triển khai và hoàn thành nhiều công việc đáng ghi nhận, ví như tham mưu để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Bên cạnh đó, các Thông tư về hoạt động của đội chiếu phim lưu động, Thông tư quy định về phân loại phim theo độ tuổi đã được soạn thảo trên cơ sở điều kiện thực tế Việt Nam và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, tác động tích cực đến hoạt động điện ảnh...".
Bên cạnh đó, có thể kể ra một vài con số thống kê đáng chú ý: Từ việc sản xuất trên dưới 15 phim/năm trong giai đoạn 2010-2013, rồi 25 phim trong năm 2014, liên tiếp trong 3 năm gần đây (2015-2017), số tác phẩm được sản xuất đã đạt mức 40 phim/năm. Doanh số chiếu phim tăng trung bình trên 20%/năm. Trong đó, riêng năm 2017, doanh thu bán vé đạt 3.250 tỷ đồng. Số lượng phòng chiếu phim trong cả nước là 740 (tính đến cuối năm 2017), vượt xa chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển điện ảnh.
Mô hình đặt hàng mới: Nhà nước đầu tư một phần kinh phí, tư nhân góp vốn và sản xuất đã tạo thành công đột phá. Ví như bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đoạt giải Bông sen Vàng cùng các giải thưởng cá nhân xuất sắc trong nước và quốc tế, số thu từ việc bán vé lên tới gần 80 tỷ đồng, gấp 10 lần so với số tiền 8 tỷ đồng Nhà nước đặt hàng...
Vượt qua thách thức
Cho dù đã có những bước tiến rõ rệt, nhưng theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan, con đường trước mắt của ngành Điện ảnh Việt Nam còn đầy thử thách, liên quan tới nhiệm vụ xây dựng cơ chế phù hợp cho việc đặt hàng sản xuất phim từ ngân sách Nhà nước, tháo gỡ vướng mắc trong chuyển đổi mô hình quản lý của các đơn vị điện ảnh. Đó còn là nhiệm vụ bảo hộ điện ảnh trong nước, tăng thị phần phim Việt và thực hiện định hướng phát triển thị trường điện ảnh lành mạnh, tránh những kiến nghị kéo dài trước biểu hiện độc quyền, áp đặt đối với doanh nghiệp nhỏ...
Đặc biệt người làm nghề kỳ vọng vào Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh - cơ sở để thực hiện cơ chế đặt hàng tác phẩm giàu tính nghệ thuật, có đề tài đa dạng, phong phú hơn, đồng thời giúp đỡ các nhà làm phim trẻ phát triển tay nghề. Không có nguồn thu ổn định thì sẽ không thể lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Chính vì vậy, Cục Điện ảnh đề xuất trích 3% tiền bán vé theo thông lệ quốc tế để tạo nguồn quỹ. "Nhiều quốc gia thậm chí còn cho trích từ 10 đến 19% tiền bán vé để hỗ trợ phát triển điện ảnh" - bà Ngô Phương Lan nói.
Bàn sâu hơn về giải pháp, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát bày tỏ: "Nhiệm vụ xây dựng kịch bản hay là vô cùng quan trọng, cần kết hợp kinh nghiệm làm nghề của các nghệ sĩ gạo cội với đội ngũ trẻ. Bên cạnh dòng phim thị trường, chúng ta cần có kế hoạch đầu tư dài hơi cho dòng phim nghệ thuật, hướng vào phản ánh những vấn đề lớn của xã hội và đất nước".
Chung quan điểm này, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải đánh giá: "Chỉ làm tốt công tác quản lý là chưa đủ. Giới nghệ sĩ hy vọng nhà quản lý có kế hoạch rõ ràng về đầu tư phát triển, xác định nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn mới".
Hiện nay, xu thế giao lưu hội nhập là tất yếu, nhưng giao lưu hội nhập như thế nào là điều cần phải tính toán, để Điện ảnh Cách mạng Việt Nam "hòa nhập nhưng không hòa tan", xây dựng được các tác phẩm điện ảnh thể hiện được cốt cách, bản sắc dân tộc. Muốn làm được điều đó, bên cạnh việc nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách phù hợp, chúng ta cần phải có sự đầu tư xứng đáng cho người tài để có các kịch bản hay, những bộ phim tốt về đất nước, con người Việt Nam!