Lan tỏa nét đẹp gia đình văn hóa
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 16:35, 21/08/2022
Từ gương sáng những gia đình văn hóa…
Ở tổ dân phố Yên Phúc (phường Phúc La, quận Hà Đông), mọi người đều biết tới gia đình bà Đỗ Thị Dụ - “tổ ấm” của 4 thế hệ chung sống vui vẻ, chan hòa, hầu hết thành viên là những nhân tố năng nổ với công tác xã hội, phong trào văn hóa ở khu dân cư.
Bí quyết của gia đình bà Đỗ Thị Dụ chính là việc ông bà, cha mẹ sống mực thước, gương mẫu, luôn lắng nghe và động viên con trẻ. Ngược lại, anh em, con cháu trong nhà luôn yêu thương, biết nghĩ cho nhau. Bà Đỗ Thị Dụ chia sẻ: “Gia đình 4 thế hệ, 39 thành viên với cách nghĩ, cách sống khác nhau, song mọi người luôn tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ cũng như cổ vũ, khích lệ mọi người tham gia các hoạt động xã hội, từ phong trào văn hóa - văn nghệ, vệ sinh cảnh quan, môi trường… đến tham gia công tác hòa giải, đóng góp cho phong trào phòng, chống dịch Covid-19 ở cơ sở”.
Tương tự, gia đình bà Trần Thị Loát (tổ dân phố 26, phường Đức Giang, quận Long Biên) là tấm gương sáng trong cộng đồng dân cư nhờ gia đình hạnh phúc, thuận hòa, con cái có sự nghiệp vững chắc và cháu chắt học hành tấn tới. Điểm cộng của gia đình bà Loát còn là truyền thống yêu văn nghệ, thể thao và rất tích cực với công tác xã hội. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Đức Giang Nguyễn Thị Thuần, gia đình bà Loát là hạt nhân văn nghệ, thể thao của phường, hiếm khi nào vắng mặt trong các hoạt động văn hóa sôi nổi ở địa phương. Ông, bà cũng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, gìn giữ vệ sinh môi trường, trang trí hoa cây cảnh trên các tuyến phố...
“Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gia đình bà Loát còn năng nổ với hoạt động quyên góp, ủng hộ kinh phí, nhu yếu phẩm cho người nhiễm Covid-19 hay những gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tích cực vận động người thân tham gia hoạt động ý nghĩa này”, bà Nguyễn Thị Thuần cho hay.
…đến chung tay vun đắp văn hóa cộng đồng
Không chỉ có gia đình bà Dụ, bà Loát, trên địa bàn Hà Nội còn rất nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu, được cộng đồng ghi nhận với lối sống đẹp trong gia đình và những đóng góp tích cực cho cộng đồng. Có thể kể đến, gia đình ông Lê Văn Nhân ở quận Thanh Xuân, gia đình ông Lê Nguyễn Mạnh Sơn ở quận Ba Đình, gia đình bà Đặng Thị Hiền ở quận Bắc Từ Liêm… là các gia đình có 4 thế hệ cùng chung sống thuận hòa, hạnh phúc. Hay như gia đình ông Nguyễn Đình Chú ở quận Cầu Giấy là gia đình tri thức, hiếu học; gia đình bà Nguyễn Thị Thỏa ở Đông Anh dành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; gia đình bà Lê Thị Thúy ở quận Thanh Xuân làm kinh tế giỏi, tạo việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn…
Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng, gia đình văn hóa chính là nhân tố quan trọng trong nuôi dưỡng, bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần lan tỏa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trong những năm qua, từ thành phố tới cơ sở đều rất chú trọng việc bồi đắp văn hóa gia đình, triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, đưa phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng đi vào thực chất, có sức lan tỏa tới từng gia đình, dòng họ, thôn, làng, tổ dân phố…
Nói về cách làm của địa phương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mê Linh Lưu Văn Thành cho hay: “Mê Linh gắn việc xây dựng gia đình văn hóa với các phong trào thi đua ở cơ sở. Thông qua các chương trình hội thi, giao lưu, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề… hay việc xây dựng các mô hình “Gia đình văn minh, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình hiếu học”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”…, đã nâng cao vai trò, vị trí của việc xây dựng gia đình văn hóa đối với bồi đắp văn hóa cộng đồng. Đến nay, toàn huyện có 35 câu lạc bộ “Gia đình văn minh, hạnh phúc” hoạt động hiệu quả; 49.195/51.619 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa”.
Để phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng lan tỏa sâu rộng, góp phần nhân lên nét đẹp văn hóa gia đình Thủ đô, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức của các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân về giá trị của văn hóa gia đình; tích cực kiểm tra, khảo sát, động viên, khen thưởng, nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa ở cơ sở; triển khai hiệu quả bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng…