Gợi mở kỹ năng sống từ truyện cổ tích
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 10:55, 22/03/2018
Truyện cổ tích “Cây khế” cùng mô típ bài học nhân quả “ở hiền gặp lành” vốn rất quen thuộc với mỗi học sinh. Thế nhưng, với các em học sinh khối 3 trường tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì còn có nhiều bài học kỹ năng sống được gợi mở từ câu chuyện này khi các em tham gia “Diễn đàn dạy kỹ năng sống qua truyện cổ tích “Cây khế”” do cô giáo Lê Vân thực hiện.
“Không, em không đồng ý với cách anh chia gia tài như thế. Sao anh không chia theo di chúc của cha mẹ?” – một học sinh đã xung phong kể lại câu chuyện “Cây khế” ngay tại diễn đàn theo mong muốn của riêng mình như thế. Thật thú vị khi câu chuyện cổ tích “Cây khế” được cô giáo Lê Vân mang đến cho học sinh của mình cách tiếp cận đầy mới mẻ qua màn kịch hóa với câu hỏi xoay: người em có hoàn toàn là nhân vật tốt không? Thế là, những cánh tay búp măng nườm nượp giơ lên. Các em học sinh được tha hồ tưởng tượng, đưa ra giả định: Nếu người em thẳng thắn nêu ý kiến ngay từ khi được người anh chia gia tài? Nếu người em biết cách khuyên nhủ, không kích thích lòng tham của người anh vì đã thật thà kể lại chuyện chim đại bàng đổi khế lấy vàng cho anh nghe? Nếu người anh thực hiện đúng lời chim đại bàng dặn thì có lẽ người anh không phải chuốc lấy cái chết? Nếu người em không được chim thần giúp thì sao? Khi không tuân thủ quy định thì phải chuốc hậu quả như thế nào?...
Các em học sinh khối 3, trường tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hào hứng bày tỏ ý kiến tại diễn đàn dạy kỹ năng sống cho trẻ qua truyện cổ tích “Cây khế” - Ảnh: HT
“Con rất thích diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức này vì chúng con được nêu ý kiến thoải mái, được kể lại câu chuyện “Cây khế” theo cách nghĩ của mình. Chúng con rất mong thường xuyên được cùng cô giáo Lê Vân “đọc” truyện cổ tích theo cách này.” – Bạn An Như, học sinh lớp 3E nói.
Ngắm nhìn học trò say sưa bước vào thế giới cổ tích, cô giáo Lê Vân xúc động bảo, chị rất bất ngờ khi thấy học sinh của mình hào hứng cùng cô “đọc lại” câu chuyện cổ tích “Cây khế” rất quen thuộc theo cách khác như vậy. Ở diễn đàn này, chị đã mang đến cho học trò một câu chuyện “Cây khế”, ngoài ý nghĩa nhân văn, giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc và triết lý sâu sắc về những bài học “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” còn là những giá trị sống vô cùng cần thiết mà hiện rất thiếu và yếu đối với lứa tuổi học sinh, như: kỹ năng bày tỏ ý kiến cá nhân, kỹ năng chia sẻ, kỹ năng tuân thủ những nội quy, quy chế...
Với quyết tâm tiếp tục xây dựng một vườn cổ tích với những truyện như Cây khế, Tấm Cám, Thạch Sanh… để dẫn dắt học sinh cùng khám phá và trang bị thật nhiều kỹ năng sống thiết thực, bổ ích, cô giáo Lê Vân tâm huyết nói: “Khai thác ở các khía cạnh trong nội dung câu chuyện, đương nhiên sẽ vấp phải những ý kiến trái chiều - ví dụ như người em không đồng tình cách chia gia tài trước sự tham lam của người anh... cái chết của người anh do quá tham lam... Nhưng ở đây, như bạn đã thấy tại diễn đàn, các em học sinh đã có những phát hiện rất thú vị - người em nếu ngay từ đầu ngăn cản và đưa ra ý kiến của mình sớm, không nhu nhược như vậy thì có lẽ không có kết cục thảm hại thế. Và đó là một trong những chất xúc tác làm cho diễn đàn trở nên vô cùng hấp dẫn. Theo tôi, chính những kỹ năng sống đó được ví như một loại “vắc xin” phòng chống các loại bệnh: thiếu tự tin, thiếu sự sẻ chia, không tuân thủ nội quy, quy định... thiếu kỷ luật. Những “vắc xin” này sẽ bổ trợ tích cực và tồn tại song hành với các loại thuốc bổ như đã nêu trên: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo..., từ đó định hướng đi đúng cho các em bước ra ngoài đời vững vàng, tự tin trong mọi hoàn cảnh... Bên cạnh đó, việc xây dựng diễn đàn này cũng là mong mỏi của một giáo viên mong sao các cơ sở giáo dục công lập hãy chấp nhận những “liều vắc xin” trong mỗi bài giảng như những ý tưởng tôi cùng những đồng nghiệp đã thực hiện.”