Giọng điệu trẻ trung nhưng kinh lịch trong thơ Quang Hoài

Truyện - Ngày đăng : 11:05, 22/03/2018

Giọng điệu trẻ trung nhưng kinh lịch trong thơ Quang Hoài
Tôi quen anh Quang Hoài đủ lâu để trò chuyện tâm giao, nhưng đọc thơ anh thì chỉ hai mươi năm nay, khi tôi cùng nhà thơ Bùi Việt Mỹ làm cuốn Hà Nội thơ tình tuyển chọn. Tôi chọn bài thơ Nôn nao anh nhớ Nam Hồng vì nó thật sáng sủa. Tôi cho anh là người làm thơ lục bát thuộc tạng quen tay…

Rồi mười năm sau tôi gặp anh thường xuyên hơn khi anh làm biên tập thơ cho tạp chí Tản Viên Sơn. Lúc này tôi mới thật sự đọc thơ Quang Hoài nhiều vì hai lẽ. Một là anh đều đặn cho ra các tập thơ chất lượng; hai là anh ham mê hoạt động thơ với tư cách nhà thơ.

Giọng điệu trẻ trung nhưng kinh lịch trong thơ QUANG HOÀI
Càng ngày, Quang Hoài càng sáng tác và hoạt động với ý thức tác giả. Anh gần như không tính những sáng tác thời kỳ trước 1975 của mình, mà chỉ chuyên chú vào các ấn phẩm có mốc thời gian là thế kỷ hai mốt. Anh không nhận mình là nhà thơ chống Mỹ mà là nhà thơ của hiện thời và hôm nay. 

Trong tập Gió sông Hồng vẫn thổi xuất bản năm 2006, anh cho thấy quan niệm của anh về một thứ thơ dù có vẻ hơi hướng báo chí: Nhà thơ…/ Chỉ có nhà thơ/ Sung mãn đôi cánh mềm mại/ Tung hoành giữa có và không/ (Nhà thơ)

Tuy nhiên giữa có và không, Quang Hoài nghiêng về cái không hơn: Mẹ đã cho con cánh cò giấc mơ tuổi nhỏ, mà sao con chẳng thể bay cao bay xa giữa trời lộng gió, để lụi tàn bếp lửa mẹ nhen? (Trước mộ mẹ)

Chẳng biết trái ngang đời thực thế nào, mà hình tượng Mỵ Châu cứ ám ảnh nhà thơ, để mấy lần trong thơ đọng nỗi niềm oan khuất: Dẫu lầm lỡ hay dại khờ/ Trắng trong sao hóa vết nhơ để đời?/… Cúi xin hỏi đất cùng trời/ Oan này kêu đến bao đời cho khuây/ (Trước am thờ Mỵ Châu)

Mấy câu này tuy không nói rõ là ai, mà cái liên tưởng lại trầm buồn đến vậy:

Thương ai trót nông nổi/ Đợi chờ ai sám hối/ Mà mắt sóng đỏ hoe/ Rưng rưng bên cố đô? (Gió sông Hồng vẫn thổi).

Xin nhắc lại, đây là những câu thơ làm trước năm 2006.

Đã buồn như bao anh chàng làm thơ.

Giá đừng dốc cái đắm say/ Dại khờ đổi lấy tháng ngày xót xa/ Giá đừng bèo bọt sẻ chia/ Cả tin kẻ thả bùa mê lọc lừa/ Giá đừng tỉnh bán mê mua/ Vàng thau lẫn lộn thiếu thừa quẩn quanh/ (Gửi em đi Côn Sơn)

Đến nỗi, trước mộ cụ Nguyễn Tiên Điền, càng buồn, mà buồn cũng chỉ “một mình mình biết, một mình mình hay”: Anh cúi đầu đứng lặng/ Buồn không được cùng em…//…Một nỗi đau tái tê/ Em ơi! Em có biết? (Thơ tình viết trước mộ Nguyễn Du).

Trước những sự tình xảy ra buồn nhiều hơn vui, mà chỉ “giống nhà thơ” mới rõ: Ơi Thái Bình! Mẹ và em/ Ngày đêm lận đận lo toan…//…Tôi ở Đồng Châu đêm ấy/ Hồn theo trăng nhảy lung linh. (Trăng nhảy ở Đồng Châu).

Chỉ Quang Hoài, khi trước biển mới viết ra được cái hình ảnh trăng nhảy. Ban ngày là hoa sóng, ban đêm trăng trên sóng như đang nhảy. Tôi không bàn về cái sự vận động này. Thơ, đôi khi khó nói tách bạch được. Thì kệ nó đi. Miễn là nó đẹp.

Trong tập Chớp lửa đường cong viết năm 2009, nhà thơ Quang Hoài lại có suy ngẫm liên tưởng phi thực mà có lý: Người ngồi chuốc rượu dưới hoa/ Cùng Trăng với Bóng kết ba bạn đời/ Trăng nào chạm được chén mời/ Bóng nào cạn được cùng Người…Người ơi! (Với Lý Bạch)

Cùng mạch này, Quang Hoài viết về nhà thơ tiền bối Lê Đạt: Người “tử tế” của chữ/ ông tin không bao giờ không có/ và mê mải kiếm tìm/ suốt cuộc đời cách tân thơ Việt/ “phu chữ” chan chan nước mắt/ “bóng chữ” nhập nhòa bóng đen… (Người “tử tế” của chữ).

Cái tâm sự của người xưa truyền sang người nay một tâm trạng dài như một tứ thơ xuyên thời gian.

Mặt trăng gần ta dịu êm/ Mặt trời xa ta chói lóa/ Ai bảo đó không là sự thật (Sự thật).

Đúng quá còn gì cái anh hoàng đế của Andersen.

Ai bảo ao tù không có sóng/ Khi thấy gió về sóng chẳng nổi lên/ Gió càng to sóng càng lặn xuống/ Ở đáy ao sóng ẩn trong bùn./ (Sóng ở ao tù).

Sáng tạo nhất là câu “ở đáy ao sóng ẩn trong bùn”. Lặn xuống là ẩn mình, như cọp, như rồng, 

Men tình còn một chút này/ Ta làm cà cuống trút cay cho đời!/ (Cà cuống)

Mải mê tìm ngọt đầu môi/ Nên sa mộng mị… nửa đời long đong/ Biết đâu rực rỡ cầu vồng/ Chẳng bằng chớp lửa đường cong đầu mày/ (Chớp lửa đường cong).

Đây là những câu thơ tình, đậm cá thể (Cái cá thể của Đặng Huy Giang).

Khi đọc tập Giữa hai bờ trăng khuất làm năm 2010, tôi cứ băn khoăn về cái bờ trăng nó có hay không, vì trăng vốn hình tròn, vô thủy vô chung. Giữa trăng có phải là tâm hình tròn không? Giữa hai bờ trăng khuất/ Nõn nà hai vầng trăng/ Giữa hai bờ trăng khuất/ Thẳm sâu một mạch ngầm/ Anh về với miền em/ Về với miền bình yên/ Giữa hai bờ trăng khuất… (Giữa hai bờ trăng khuất).

Tôi bèn đọc câu dưới thì rõ là thi trung hữu họa. Tưởng như cái vùng lõm là một dòng sông, đó là nude. Nhưng về với miền em là thực, thực ra đây cũng là triết lý nhân bản gốc rễ. Ngay cả cái triết lý cộng sinh diễn giải quá hay: Chiều xuân bên gốc lim già/ Tôi ngồi nhẹ vuốt rễ đa mọc nhờ/…/ Sum suê đa giấu lá cành/ Rễ tìm về đất một nhành cắm sâu/ Chẳng làm tầm gửi lim đâu/ Rễ đa chiu chắt mỡ màu cho lim/ Cộng sinh rễ khỏe gốc bền/ Rễ đa trường thọ sống bên lim già (Bên gốc lim già).

Riêng cái suy lý ở bài này thì cần phải tán rộng, tỷ mà phú nhiều: Em và anh – hai cốc nước đầy/ Nước tràn bờ nhau trơ hai cốc rỗng/ Sau tột cùng giao hoan khát vọng/ Ta mất gì trong nguyên vẹn pha lê? (Pha lê)

Tôi đã được chính nhà thơ Quang Hoài kể về chuyện tên bài thơ lấy làm tập Giọt trời trên lá sen (làm năm 2012). 

Mùa đến… mùa đi… mùa không mùa/ Trong vô tận giọt giọt/ Anh tìm những giọt em/ Giọt trời trên lá sen… (Giọt trời trên lá sen).

Bài thơ này có cái tình trong cái dục. Nhưng không tà ý. Đây là siêu tinh túy em. Thơ nói được. Còn phàm thì khó.

Cũng như: Trăng hồ Văn ngàn năm/ Bùn hồ Văn ngàn năm/ Ngàn năm hương sóng… (Hồ Văn đêm Nguyên tiêu).

Hay như cách nói khác: Trên đầu ta/ Hồn 54 dân tộc/ Phần phật trưa Lũng Cú/ Ta kính cẩn cúi chào màu đỏ/ Ngẩng đầu lên/ Chất ngất cánh vàng bay!… (Trưa Lũng Cú)

Hay như câu hỏi thật, thật đến độ không cần suy diễn: Nhìn em và các bạn em/ Lòng tôi quặn thắt/ Rừng sao xanh mà người Mông héo hắt?/ Bao giờ điện sáng vùng biên?/ Bao giờ những chàng trai Mông như cây sến, cây lim?... (Ghi vội ở công trường thủy điện sông Nhiệm Ba).

Ta còn gặp ở Quang Hoài - con người công dân, ý thơ hùng bay:

Hỡi những mưu ma chước quỷ!/ Hỡi những khát vọng cuồng điên!.../ Chúng con có trong mình Điện Biên/ Mẹ ơi mẹ! xin mẹ đừng lo lắng/ Chim Lạc bay trên mặt trống đồng/ Trống Điện Biên dậy sóng biển Đông! (Trống Điện Biên dậy sóng biển Đông).

Hoặc:

Biển một ngày không thể vắng các anh/ Chân đạp nước đầu đội trời lồng lộng/ Như cánh hải âu vỗ mềm chân sóng/ Khát vọng hòa bình từ biển bay lên/ (Biển một ngày không thể vắng các anh). 

Câu “Khát vọng hòa bình từ biển bay lên” rất mới.

Hoặc trên biên giới phía Bắc:

Một tiếng gáy/ Sương tròn mắt lá/ Trong veo nước suối nguồn/ Bên cỏ bên hoa/ Xanh rờn đỏ thắm/ Nhặt những câu thơ/ Đúc phôi hồng… (Trong veo nước suối nguồn).

Đã đi cùng nhà thơ một đoạn đường ước khoảng mười lăm năm trong chặng đường sáng tác của anh, tôi phân vân không biết có dám như anh không? Bởi vì cái bảo thủ trong tôi đã yên định một cách nhìn rồi. Nhưng Quang Hoài bảo đây là ánh nhìn. Có lẽ cái tươi trẻ trong anh nó thường trực khát khao thay đổi, không, phủ định sạch trơn. Có phải vậy không? Vỡ sáng?
Ta cứ ngỡ đã đêm là tối, đã ngày là sáng/ Đâu biết nắng ngày ủ mật đêm đen/ Bỗng một đêm lòng ta vỡ sáng/ Sáng loang ra xóa sạch ánh nhìn! (Vỡ sáng).

Bùi Văn Kha