Cơ hội mới phục dựng điện Kính Thiên

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:21, 22/12/2021

Gần 20 năm dấu tích hoàng cung tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được phát lộ qua kết quả khai quật khảo cổ học nhưng việc phục dựng kinh đô Thăng Long vẫn còn bỏ ngỏ. Sau hàng chục hội thảo, tọa đàm bàn bạc; những ngày cuối của năm 2021 Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội quyết định công bố những kết quả nghiên cứu mới để tiến thêm một bước gần hơn với việc phục dựng điện Kính Thiên.

Khẳng định vị trí chính điện

Từ năm 2002, khi phát hiện nền móng cung điện, khẳng định công trình kiến trúc quyền uy của hoàng đế và triều đình Việt tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, các nhà khoa học đã thực hiện những đợt khai quật, khảo cổ học và nghiên cứu để khám phá ra nhiều phát hiện mới. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết: Trong những năm qua, công tác nghiên cứu diễn giải kinh đô Thăng Long – Hà Nội được chú trọng và tiếp cận từ nhiều góc độ. Những kết quả mới về khảo cổ học đã góp phần nhận diện mặt bằng cấu trúc khu chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung hưng.

Đây là nguồn tư liệu vô cùng quan trọng cho phép hiểu được cấu trúc không gian chính điện Kính Thiên và không gian điện Cần Chánh. Bởi vì, trước đó còn nhiều ý kiến liệu chính điện Kính Thiên có nằm ở khu vực 18 Hoàng Diệu chứ không phải số 9 Hoàng Diệu như giả định. Đến nay, phần lớn các nhà khoa học trong đó có GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam đi đến thống nhất: Tính từ năm 1010 đến nay đã hơn 1.000 năm, vị trí của tòa chính điện Kính Thiên hầu như không có sự thay đổi, chỉ trừ hơn chục năm đàu thế kỷ XIII, dưới thời vua Lý Cao Tông, chính điện Thiên Thụy được xây mới ở khu 18 Hoàng Diệu, điện Thiên An (thời Lý – Trần) đổi làm điện thờ. Sau này, tới thời Lê sơ và Lê Trung Hưng điện Kính Thiên được xây dựng trên nền điện Thiên An. Tới thời nhà Nguyễn thành lập, chuyển kinh đô vào Huế, điện Kính Thiên trở thành hành cung cho nhà vua Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Trong những nghiên cứu mới của các nhà khoa học trẻ như TS Phạm Lê Huy (trường ĐH KHXH&NV Hà Nội), TS Nguyễn Quang Hà (Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội) đều góp phần diễn giải cho những minh chứng trên.

Về cấu trúc không gian hoàng cung tại Hoàng thành Thăng Long được xác định gồm chính điện Kính Thiên -  Ðoan Môn - Ðan Trì - Ngự Đạo được bao quanh bởi tường vây, hành lang và các cổng ra vào có chiều Ðông - Tây tính từ mép ngoài của tường bao đã xác định chính xác rộng 120m (thời Lê sơ), chiều Bắc - Nam tính từ Ðoan Môn có thể dài gấp đôi hoặc gấp ba chiều Ðông – Tây, nếu ta bao gồm cả không gian điện Cần Chánh.

Gợi mở hướng đi mới

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội Nguyễn Thanh Quang khẳng định, trong những năm gần đây, các nhà khoa học trẻ đã tiến hành ứng dụng công nghệ vào nghiên cứu phục dựng, giúp truyền tải kết quả nghiên cứu đến công chúng một cách đầy đủ. Một số kết quả nghiên cứu đã phỏng dựng mô hình kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long dưới dạng 3D.

Và trong lần công bố những kết quả nghiên cứu mới này, lần đầu tiên nhiều nhà nghiên cứu trẻ đã cùng tham gia cuộc trao đổi với các nhà khoa học đầu ngành, tập trung bàn về giải pháp nghiên cứu phục dựng cung điện 3D trước khi có thể xây dựng ngoài đời thực. TS. Trần Trọng Dương - thành công phỏng dựng kiến trúc một cột chùa Diên Hựu - trình bày kinh nghiệm, có khả năng ứng dụng trong quá trình phỏng dựng, phục dựng cung điện ở Hoàng thành. Trong trường hợp không có sử liệu khảo cổ trực tiếp tại ngôi chùa Diên Hựu - Một Cột để tái lập về phong cách, kỹ thuật kiến trúc, mỹ thuật, người thực hiện sử dụng các cứ liệu khảo cổ gián tiếp như hiện vật cùng niên đại với công trình, hiện vật mang phong cách mỹ thuật thời đại đó...

Ngoài ra, trong đợt khai quật năm 2021, các nhà khảo cổ học đã phát hiện di vật - mô hình kiến trúc đất nung tráng men xanh. Đây được cho là một di vật quý, thể hiện cơ bản mô hình kiến trúc một công trình hoàng cung thời Lê sơ (thế kỷ XV - XVI). Nghiên cứu bước đầu cho thấy đó là các mảnh vỡ một tầng mái của mô hình đất nung nhiều tầng, nằm trong tầng văn hóa thời Lê sơ. Di vật đã bị vỡ mất hết tầng đế và tầng trên, phần còn lại may mắn gần đầy đủ một tầng mái. Mô hình được làm bằng đất sét mịn màu đỏ tươi, toàn bộ mặt ngoài được phủ men màu xanh đối với bộ mái và màu vàng đối với phần khung gỗ, mặt trong mô hình cũng được tráng men vàng.

Đây là lần đầu tiên phát hiện di vật mang mô hình nhà thời Lê sơ. Về tổng thể, các chi tiết ngói lợp, bộ khung, cấu trúc đấu củng thể hiện rất tỉ mỉ, công phu, các cấu kiện phần khu gỗ được làm riêng từng bộ phận rồi mới được lắp ghép nên mô hình có tỷ lệ cho thấy người tạo tác rất am hiểu về kiến trúc. Cũng do đó giá trị tư liệu mà di vật mang lại rất cao. Cho đến nay, đây là mô hình kiến trúc đất nung duy nhất thời Lê sơ. Vì vậy di vật này cho phép tìm hiểu đôi nét về kiến trúc thời Lê sơ cũng như kiến trúc hoàng thành Thăng Long để tiến tới cơ hội phục dựng điện Kính Thiên.

KTĐT