Hà Nội: Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:45, 29/03/2018

Ổn định quy mô dân số, duy trì mức sinh thay thế, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; nâng cao chất lượng dân số; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố là những mục tiêu được ngành dân số - KHHGĐ Hà Nội đặt ra trong năm 2018.
Hà Nội là Thành phố có số dân đông thứ 2 của cả nước. Trong khi đó công tác dân số - KHHGĐ Hà Nội vẫn gặp nhiều thách thức khi tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao; mật độ dân số có sự chênh lệch lớn giữa khu vực nội thành và ngoại thành; tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ nam/100 trẻ nữ) đang ở mức cao. Vì vậy, để đạt được những mục tiêu đề ra cần đến sự nỗ lực của  toàn ngành dân số Hà Nội. 

Hà Nội: Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Trước tiên, việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng về thực hiện chính sách dân số cũng như các quận, huyện, thị ủy, HĐND, UBND quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của thành phố đến cơ sở, các Chi bộ đảng, thôn, làng và tổ dân phố, lồng ghép với chương trình kinh tế - xã hội... là rất quan trọng. Cùng với đó, giữa các ban, ngành, đoàn thể ở thành phố và quận, huyện, thị xã cần phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về hoạt động truyền thông, giáo dục; kiểm tra, thanh tra thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ năm 2018; lồng ghép các nội dung truyền thông về Dân số - KHHGĐ phù hợp với đặc thù của từng ban, ngành, đoàn thể góp phần tạo sự đồng thuận của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ. Riêng Sở Y tế Hà Nội cần sớm hướng dẫn thực hiện chương trình Dân số - KHHGĐ năm 2018 nhằm hoàn thành các chỉ tiêu dân số của Trung ương và thành phố.

Bên cạnh đó, việc kiện toàn đội ngũ cán bộ dân số các cấp đảm bảo đủ chỉ tiêu viên chức làm công tác dân số tại Trung tâm Dân số và viên chức làm dân số tại xã, phường, thị trấn là rất cần thiết. Đồng thời, ngành dân số Hà Nội cần tổ chức đào tạo nâng cao năng lực, nghiệp vụ công tác Dân số -KHHGĐ cho cán bộ dân số các cấp; tổ chức học tập và trao đổi kinh nghiệm, hợp tác, đào tạo quản lý dân số... 

Mặt khác công tác đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ cũng cần được đẩy mạnh. Cụ thể: Đảm bảo cung ứng đủ các phương tiện tránh thai miễn phí; đẩy mạnh công tác xã hội các phương tiện tránh thai trên địa bàn thành phố; nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và kỹ năng quản lý đối tượng cho cán bộ dân số các cấp; tăng cường cung ứng dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình qua hình thức tổ chức chiến dịch truyền thông kết hợp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý chương trình dân số các cấp. 

Đối với việc tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì ngành dân số Hà Nội còn triển khai, duy trì các hoạt động can thiệp, mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số tại 30 quận, huyện, thị xã như: Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; mô hình Can thiệp truyền thông CSSKSS/KHHGĐ tới vùng dân cư đặc thù (làng nghề, khu CN, vùng công giáo, vùng dân tộc ít người, vùng dân di cư tự do)...

Đặc biệt, để đạt được chỉ tiêu tỷ số giới tính khi sinh không quá 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái, ngành dân số Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2025; tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông vận động về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các báo/đài; khuyến khích hỗ trợ phát huy vai trò, vị thế của trẻ em gái nói chung đặc biệt là trẻ em gái trong các gia đình sinh con một bề, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

Hà Thanh